KÉ ĐẦU NGỰA
Fructus Xanthii
            Dược liệu là quả già phơi hay sấy khô của  cây ké đầu ngựa – Xanthium strumarium L., họ Cúc – Asteraceae. Dược điển Trung quốc ghi loài X.sibiricum Patr.
Đặc điểm thực vật và phân bố.
            Cây thuộc thảo cao độ 1 m, thân có khía rãnh. Lá chia 3-5 thùy nông, mép có răng cưa, có lông ngắn cứng. Cụm  hoa đầu. Quả hình thoi có gai móc. Cây mọc hoang ở nhiều nơi nước ta.
Thu hái và chế biến.
            Thu hoạch quả già vào tháng 4-7, khi dùng thì sao cháy, rây bỏ gai, giã dập. Cả cây cũng được dùng.
Thành phần hoá học
            Quả, ngoài chất béo (39%), iod dưới dạng kết hợp, một diterpenoid glycosid đã được phân lập và xác định là chất carboxyatractylosid hàm lượng 0,02%.
            Trong cây chủ yếu là lá  có các sesquiterpenlacton: xanthin, xanthumin là 2 thành phần có tác dụng kháng khuẩn, ngoài ra còn có các sequiterpenlacton khác cùng một loại khung là xanthin, xanthinosin, xanthalin, xanthanol, isoxanthanol, xanthumanol, desacetoxylxanthumin. Tất cả các chất trên đều đã được xác định cấu trúc, nhưng các thành phần này có thể thay đổi túy theo nơi mọc của cây. Trong cây cũng có iod dưới dạng kết hợp, các dẫn chất phenol: 3,4-dihydroxycinnamic, 1,4-dicafeylquinic acid và một số thành phần khác.

 

Tác dụng và công dụng
            – Carboxyatractylosid ở dạng muối (=carboxyatractylat) có tác dụng làm hạ đường huyết rất mạnh. Chất có độc tính.
            – Xanthatin và xanthumin là những chất có tác dụng kháng khuẩn.
            – Iod là thành phần có tác dụng chữa bướu cổ do thiểu năng tuyến giáp.
            Trong y học cổ truyền dùng chữa đau đầu do cảm lạnh; viêm xoang chảy nước mũi. Quả ké đầu ngựa và cả cành lá để chữa mụn nhọt, lở loét, mẩn ngứa, lỵ. Quả ké còn dùng làm thuốc chữa bí tiểu tiện, chữa đau răng, chữa bệnh bứu cổ do thiểu năng tuyến giáp. Ở An Độ người ta có dùng rễ để điều trị ung thư.
            Ngày dùng 10-16 g cành và lá hoặc quả dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc cao.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng