Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tài nguyên dược liệu phong phú trong top ba thế giới. Tuy nhiên, nguồn cây thuốc ngày đang cạn kiệt bởi những hoạt động khai thác bừa bãi và sự yếu kém trong công tác quản lý.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phát triển dược liệu được tổ chức tại Bình Dương (Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì), ngày 30/5.
Ông Ngô Chí Dũng giới thiệu chiết xuất từ hoa hồi để tổng hợp thuốc tamiflu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân . Ảnh: L.N |
Bỏ ngỏ:
Theo đề án phát triển công nghiệp dược liệu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, số lượng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền vào năm 2005 sẽ chiếm 30% số thuốc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản bởi nguồn dược liệu của Việt Nam bị bỏ ngỏ một cách đáng tiếc.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang, hiện Việt Nam đã xây dựng được danh mục cây thuốc với 3.948 loài, trong đó có khoảng 408 loài động vật, 75 loài khoáng vật và có hơn 206 loài cây thực vật khai thác làm thuốc… Tiềm năng là vậy nhưng đến nay chỉ có hơn 500 loài cây thuốc đã được trồng với mức độ khác nhau và cũng chỉ có 44 loài được trồng thu dược liệu.
Hiện Việt Nam có 322 cơ sở chế biến sản xuất dược liệu và thuốc từ dược liệu, nhưng đa số vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Hiện chỉ có 10 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đạt chuẩn GMP nhưng các đơn vị sản xuất lại kêu trời vì nguồn nguyên liệu đầu vào sớm nắng chiều mưa, tù mù về nguồn gốc.
“Bức xúc hơn là ngay cả dược liệu vốn mọc ở Việt Nam hoặc đã di thực thành công trồng ở nước ta lại phải nhập từ nước ngoài với giá cao gấp chục lần”- Ông Quang nói. Trong khi đó, các loại dược liệu quý đang bị mất dần do thiếu bảo tồn, con người tàn phá.
Ông Nguyễn Hữu Khai – Giám đốc Tập đoàn dược Bảo Long cho biết 85% dược liệu phải nhập từ Trung Quốc trong khi Việt Nam không thiếu. “Đáng buồn là họ thu mua từ nước ta, sau đó tinh chế rồi lại bán cho chúng ta với giá cao. Thậm chí bán cả dược liệu “rác”- Ông Khai nói.
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, mất đi một lượng lớn dược liệu là do cách làm ăn manh mún, thiếu liên kết và định hướng trong lĩnh vực này. “Nhiều dược liệu quý như hoàng liên gai, cây vàng đắng hay như vũ điệp…. ở vùng núi Hàm Rồng thuộc Lào Cai nay bị phá hủy để trồng ngô hay bị nạn phá rừng hủy diệt”- ông Bổng dẫn chứng.
Không để nguồn dược liệu chết yểu:
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, năm 2005, tỷ lệ dược liệu ở Việt Nam dùng để chế biến và sử dụng trong nước chiếm 25%, đến năm 2009 chỉ chiếm 15% và 4 tháng đầu năm 2010 xuống còn 12%. Sự sụt giảm này theo ông Lê Minh Sắt – Vụ trưởng Vụ khoa học & Công nghệ thuộc Bộ KH&CN, là do có khai thác mà không bảo tồn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc phát triển dược liệu mà không gắn với dược phẩm là khó giải quyết vấn nạn nhập khẩu hiện nay. Điều khiến ngành dược liệu bị bỏ ngỏ trong thời gian qua theo Phó Thủ tướng vì chưa có mục tiêu cụ thể và không ai chịu trách nhiệm về việc phát triển lĩnh vực này. |
Ông Sắt cho rằng Việt Nam có 7 vùng sinh thái giầu tiềm năng dược liệu của thế giới. Từ năm 1988 đến nay, chương trình bảo tồn nguồn gene đã thu thập được 730 loài cây thuốc, xác định được giá trị chữa bệnh như trinh nữ hoàng cung, sâm ngọc linh, cây hồi…. Tuy nhiên việc bảo tồn nguồn gene chưa thực sự được chú trọng.
Các cây dược liệu quý, có thế mạnh như hồi, quế gần như để cho nước ngoài thâu tóm. Ông Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT Cty CP Hóa dược phẩm Việt Nam cho rằng Việt Nam có hơn 50.000 ha diện tích trồng cây hồi nhưng hầu hết được Trung Quốc thu mua, giá cả phải lệ thuộc vào nước ngoài. Trong khi hoa hồi được chiết xuất để lấy axit shikimic nhằm tổng hợp thành thuốc Tamiflu để chống cúm A/H1N1 và H5N1 nhưng lâu nay chúng ta vẫn bỏ ngỏ, thuốc tamiflu phải nhập nước ngoài giá cao.
“90% nguyên liệu phải nhập khẩu để sản xuất thuốc chữa bệnh thông thường. Tôi rất buồn với thực tế này”- ông Nguyễn Tiến Hùng- Chủ tịch công ty Vimedimex nói.
Theo ông Hùng, để nguồn dược liệu không bị chết yểu nên có sự kết hợp
“4 nhà”: doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân. Ông Hùng cho biết một số dược liệu chiết xuất ra thuốc tân dược chữa bệnh zona có giá bằng 1/3 thuốc nhập, nhưng nếu không có chính sách thỏa đáng thì doanh nghiệp rất khó sản xuất.
Đại diện ngành y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng cây thông đỏ ở Đà Lạt có hàm lượng hoạt chất Taxol- chữa bệnh ung thư cao gấp 100 lần thông đỏ ở Mexico, nhưng đến nay vẫn không nhận được sự quan tâm của nhà nước với cây này.
“Nếu không có chính sách quy hoạch thông đỏ, nhà nước không tạo điều kiện cho người dân trồng và mở rộng vùng dược liệu, nguy cơ tuyệt chủng dược liệu quý dễ xảy ra”- vị đại diện này cho biết. Bác sĩ Nguyễn Thị Ven- GĐ Sở Y tế Kon Tum cho biết, hiện dược liệu là sâm Ngọc Linh tự nhiên cũng đã tuyệt chủng.
Lê Nguyễn-Theo Tiền Phong