3.1.5. Định tính coumarin trong rễ Bạch chỉ (Radix Angelicae dahuricae)
3.1.5.1. Chiết xuất coumarin
Cân khoảng 1g bột Bạch chỉ, cho vào một ống nghiệm lớn hoặc một bình nón dung tích 50ml. Thêm 5ml ethanol 90%, quấy đều. Đun trong nồi cách thủy sôi khoảng 3 – 5 phút. Lọc nóng qua giấy lọc. Dịch chiết thu được để làm các phản ứng định tính và sắc ký lớp mỏng.
3.1.5.2. Tiến hành phản ứng
a. Phản ứng mở đóng vòng lacton
– Cho vào 2 ống nghiệm mỗi ống 1ml dịch chiết
Ống 1 thêm 0,5ml dung dịch NaOH 10%
Ống 2 để nguyên
– Đun cả 2 ống nghiệm đến sôi. Để nguội rồi quan sát
Ống 1: có màu vàng hoặc tủa đục màu vàng
Ống 2: trong
– Thêm vào cả 2 ống nghiệm mỗi ống 2ml nước cất. Lắc đều rồi quan sát
Ống 1: trong suốt
Ống 2: có tủa đục
Acid hóa ống 1 bằng vài giọt HCl đặc, ống 1 sẽ trở lại tủa đục như ống 2.
Dựa vào độ tan trong cồn và trong nước của coumarin để giải thích quá trình mở và đóng vòng lacton.
b. Phản ứng diazo hóa
Cho vào ống nghiệm nhỏ 1ml dịch chiết. Thêm vào đó 2ml dung dịch NaOH 10%. Đun cách thủy đến sôi rồi để nguội. Nhỏ vài giọt thuốc thử Diazo sẽ có màu đỏ gạch.
c. Quan sát huỳnh quang của các vết coumarin dưới ánh sáng tử ngoại khi tác dụng với dung dịch kiềm (Phản ứng chuyển từ đồng phân cis sang đồng phân trans dưới tác dụng của tia tử ngoại)
Nhỏ vài giọt dịch chiết coumarin lên giấy thấm. Nhỏ tiếp vài giọt dung dịch NaOH 5%. Sấy nhẹ. Che một phần diện tích dịch chiết trên giấy lọc bằng một miếng kim loại (chìa khóa, đồng xu,…) rồi chiếu tia tử ngoại trong một vài phút. Bỏ miếng kim loại ra, quan sát tiếp dưới đèn tử ngoại sẽ thấy: phần không bị che có huỳnh quang sáng hơn phần bị che. Nếu tiếp tục chiếu tia tử ngoại, phần bị che sẽ sáng dần lên, sau vài phút cả hai phần đều phát quang như nhau.
d. Sắc ký lớp mỏng
Bản mỏng sắc ký:
Bản mỏng tráng sẵn silicagel GF254 (Merck), hoạt hóa ở 1100C trong 1 giờ.
Dung môi khai triển: tùy trường hợp có thể sử dụng các hệ dung môi sau:
– Hệ 1: Toluen – ethyl format – acid formic (50 : 40 : 1)
– Hệ 2: Benzen – aceton (9 : 1)
– Hệ 3: Benzen – ethyl acetat (95 : 5)
Sau khi khai triển, quan sát các vết bằng đèn tử ngoại, sau đó hiện màu bằng dung dịch I2/KI (0,2g I2 và 0,4g KI/100ml H2O).