1.Định nghĩa mô phân sinh
Mô phân sinh cấu tạo bởi những tế bào non chưa phân hóa, vách mỏng bằng cellulose. không có dự trữ dinh đường, xếp xít vào nhau, không để hở những khoảng gian bào. Các tế bào đó phân chia rất
nhanh để tạo thành các mô khác.
2.Vai trò của mô phân sinh:
Giúp cây tăng trưởng theo chiều ngang, chiều dài, tùy theo loại mô phân sinh
3.Phân loại mô phân sinh
3.1. Mô phân sinh ngọn
Mô phân sinh ngọn là các đám tế bào non ở đầu ngọn rễ và thân (tế bào khởi sinh) có khả năng phân chia rất nhanh, lộn xộn không theo quy tắc nhất định và tạo thành một khối tế bào. Các tế bào này sẽ dần dần dài ra và biến đổi thành các thứ mô khác nhau của thân hoặc rễ, giúp cây mọc dài ra ở rễ và ngọn thân. Do mô được hình thành từ nhiều phía nên các tế bào sắp xếp lộn xộn.
3..2 Mô phân sinh lóng
Mô phân sinh lóng gồm các tế bào phân chia giúp cây mọc dài ra ở phía gốc các lóng thân. Đây là đặc trưng của các cây họ Lúa (Poaceae)
3.3 Mô phân sinh bên (mô phân sinh cấp hai)
Mô phân sinh bên là các tế bào giúp rễ và thân cây phát triển về chiều ngang Chúng gồm các tế bào non sinh sản lần lượt đều đặn theo mặt trong và mặt ngoài thành hai lớp tế bào non, dần dần phân hóa thành hai loại mô khác nhau. Khi phân chia, các mô này hình thành đều đặn về hai phía nên chúng
xếp đều đặn thành vòng đồng tâm và dãy xuyên tâm. Tuỳ theo vị trí, người ta chia mô phân sinh bên thành hai loại:
– Tầng phát sinh bần – lục bì (tầng sinh vỏ, tầng sinh bần) : đặt ở bên trong vỏ của rễ và thân cây. Về phía ngoài, tầng sinh bần tạo ra một lớp bần có vai trò che chở cho cây. Phía trong, tầng phát sinh này tạo ra mô mềm cấp hai gọi là vỏ lục (lục bì).
Tầng phát sinh libe – gỗ (tầng sinh gỗ. tầng sinh trụ, tượng tầng) : đặt trong trụ giữa của rễ và thân, ở giữa libe cấp một và gỗ cấp một. Mặt ngoài sinh ra một lớp libe cấp hai để dẫn nhựa luyện, mặt trong sinh ra gỗ cấp hai để dẫn nhựa nguyên.