Khái niệm
Đầu giao (lắc lư) là chỉ chứng trạng tự cảm thấy đầu lắc lư mà không thể kiềm chế được. Tục gọi là “Giao đầu phong”.
Linh khu – Kinh mạch thiên có ghi chứng “Đầu nặng và lắc lư”. Các sách Y học cương mục và Y học chuẩn thằng lục yếu đều gọi là “Đầu giao”.
Sách Kim quỹ yếu lược – Chất thấp yết bệnh mạch chứng từng viết: “Mình nóng, chân lạnh, đầu gáy co cứng, ố hàn, có lúc đầu lại nóng, mặt mắt đỏ và chỉ riêng đầu lắc lư, cấm khẩu đột ngột, lưng uốn ván là bệnh “Chất”. Tuy cũng có chứng trạng chỉ riêng đầu lắc lư nhưng cổ gáy co cứng, lưng uốn ván được coi là chủ chứng.
Mục này giới thiệu chứng Đầu lắc lư nhưng không kiêm chứng cổ gáy cứng đơ, chính như Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – Phong đầu toàn mô tả: “Đầu tự lắc lư không có tật bệnh gì khác và cũng không do tự giác”.
Đầu lắc lư có thể cùng xuất hiện với các chứng choáng váng và nặng đầu nhưng ở mục này chỉ bàn đến chứng Đầu lắc lư được coi là chủ chứng.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Đầu lắc lư do phong dương quấy rối ở trên: Có chứng đầu lắc lư không tự kiềm chế được, choáng váng, chân tay run rẩy, mặt mắt đỏ hồng, miệng đắng họng khô, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Huyền Sác.
- Đầu lắc lư do hư phong nội động: Bệnh này thường phát sinh ở thời kỳ sau khi bị nhiệt bệnh, đầu lắc lư mà không tự biết, phiền nhiệt mồ hôi trộm, mất ngủ, tinh thần mệt mỏi yếu sức, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác.
Phân tích
Chứng Đầu lắc lư do phong dương quấy rối ở trên với chứng Đầu lắc lư do hư phong nội động: Cả hai tuy đều có chứng đầu lắc lư nhưng có hư thực khác nhau. Chứng Đầu lắc lư do phong dương quấy rối ở trên bệnh do tinh chí không điều hòa hoặc do cáu giận, hoặc bị uất kéo dài khiến cho Can uất hóa hỏa. Hoặc thể trạng vốn Can dương quá thịnh, Can là tạng phong mộc, tính của phong là lay động, phong dương quấy rối ở trên cho nên đầu lắc lư không tự kiềm chế được. Chứng Đầu lắc lư do hư phong nội động thường phát sinh ở thời kỳ cuối của nhiệt bệnh, tà nhiệt dằng dai, phần âm của Can Thận bị suy hao, hư phong quấy rốí ở trên, cũng có khi thể trạng vốn âm hư thủy không hàm mộc, hư phong quấy rối lên trên gây nên đầu lắc lư. Loại trên là Thực chứng, loại sau là Hư chứng. Khi biện chứng loại trên đầu lắc lư khá dữ dội kèm theo các đặc trưng Can dương thịnh ở trên như: đầu choáng, chân tay run rẩy, mặt đỏ và đắng miệng. Loại sau đầu lắc lư từ từ kiêm các đặc trưng, âm khuy như: ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, lưỡi đỏ ít rêu…
Chứng Đầu lắc lư do phong dương quấy rối ở trên điều trị nên bình Can dẹp phong dùng phương Linh giác câu đằng thang gia Địa long, Toàn yết. Chứng Đầu lắc lư do hư phong nội động điều trị theo phép dục âm nhu Can dẹp phong dùng phương Đại định phong châu. Đầu lắc lư tuy đại khái thuộc phong chứng nhưng Hư, Thực khác nhau rất xa, cả hai loại đều phải dựa vào đặc điểm chứng hậu và nguyên nhân bệnh mà chẩn đoán phân biệt.
Trích dẫn y văn
Thương hàn dương mạch không hòa thì đầu sẽ lắc lư. Có trường hợp Tâm tạng bị tuyệt đầu cũng lắc lư. Bệnh Chất do phong thịnh thì đầu lắc lư đều là những chứng rất xấu. “Có trường hợp đau ở bên trong mà đầu lắc lư cũng là chứng nặng” (Y học nhập môn).
Đầu lắc lư thuộc phong, phong chủ về lay động mạch tất phải Huyền hoặc Khẩn mà ẩn phục… Nếu đầu rung động mà lắc lư mạch Trầm Hoãn hoặc Tán Nhuyễn vô lực tức là chứng Huyết khuy của hai kinh Can Thận (Tôn sinh thư – Đầu phận).
Đầu lắc lư thuộc phong, thuộc hỏa, người cao tuổi và người nghèo nàn sau khi mắc bệnh mà bị chứng này phần nhiều thuộc hư (Y học chuẩn thằng lục yếu).