ĐẠI PHONG TỬ
Tên khoa học: Hydnocarpus anthelmintica Pier. Họ Mùng quân – Flacourtiaceae.
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây đại phong tử hay còn gọi là chùm bao lớn, thuộc loại cây to, có thể cao đến 20 – 30m, lá nguyên, dài, non thì mềm, màu hồng, già thì khô và dai. Hoa màu hồng, đơn tính cùng gốc, mọc ở kẽ lá, có khi có cả hoa lưỡng tính.
Quả to bằng quả bưởi, hình cầu, vỏ dày chứa nhiều hạt có cạnh, nội nhũ có chứa dầu.
Mọc hoang ở rừng rậm khá phổ biến ở nước ta, nhiều nhất ở rừng miền Trung, ngoài ra còn được trồng làm cây bóng mát ở các thành phố (Hà Nội). Còn mọc ở Lào, Camphuchia, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan v.v…
Bộ phận dùng
– Hạt – Semen Hydnocarpi. Khi quả chín (tháng 8-9) hái về đập vỡ lấy hạt, loại bỏ tạp chất phơi khô hoặc sấy khô để ép lấy dầu.
– Dầu đại phong tử – Oleum Hydnocarpi hoặc Oleum Chaulmoograe được điều chế bằng phương pháp ép hay chiết bằng dung môi hữu cơ hạt đại phong tử và một số hạt của các cây khác thuộc họ Mùng quân – Flacourtiaceae.
Thành phần hoá học
Trong hạt có chứa chất béo, tỷ lệ 40 – 50% (so với nhân hạt).
Thành phần cấu tạo của dầu Đại Phong tử gồm acylglycerol của acid béo không no: Acid oleic, acid linolenic và chủ yếu là các acid béo vòng (90%).
Sự có mặt của acid béo vòng làm cho dầu đại phong tử có năng suất quay cực cao aD25: + 48 o đến + 60o, ở nhiệt độ thường dầu đại phong tử ở thể đặc, hoặc nửa đặc nửa lỏng, có màu trắng ngà, mùi và vị khó chịu.
Ngoài ra còn có các glycerophosphatid và các glycolipid.
Lá đại phong tử có chứa khoảng 2,4% chất béo.
Thành phần chủ yếu là các acid linolenic (khoảng 50% tổng số acid béo), acid linoleic, oleic, palmitic và các acid cyclopentenic (0,5 – 1,5%). Các acid béo này ở dưới dạng tự do, acylglycerol phospholipid và glycolipid (Bảng 9.1)
Công dụng và liều dùng
Dầu đại phong tử có tác dụng diệt trực khuẩn lao và trực khuẩn phong. Dung dịch các acid béo 1/200000 còn có tác dụng kháng đối với 2 loại vi khuẩn này. Dùng uống thường gây nôn nên thường dùng bôi ngoài da dưới dạng thuốc dầu hoặc thuốc mỡ để chữa phong, lao da và các bệnh ngoài da khác. Có thể uống với liều từ 10 giọt tăng dần lên 100 đến 200 giọt hoặc 300 giọt mỗi ngày, liều cao thường hay gây biến chứng rối loạn đường tiêu hoá.
Có thể dùng dạng este ethylic của các béo vòng, dạng uống 2 – 4 viên nang 1 ngày (mỗi viên 0,15g), tiêm bắp 0,5 – 2g hoặc tiêm dưới da.
Nhân dân thường phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa vết loét do bệnh phong và một số bệnh ngoài da.
Bảng 9.1: Tỷ lệ phần trăm của một số acid béo chính trong các nhóm chất béo khác nhau có trong lá đại phong tử:
* Chú thích:
Ngoài cây đại phong tử nói trên, ở Việt Nam và trên thế giới còn sử dụng một số cây khác thuộc họ Mùng quân:
– Cây chùm bao nhỏ – Hydnocarpus saigonensis Pier. Có mọc ở Tây Ninh (Việt Nam)
– Gynocardia odorata R. Br. mọc ở Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung Việt Nam.
– Hydnocarpus wightiana Blume. mọc ở Ấn Độ, Miến Điện.
– Caloncauba echinata Oliver.
– Một số loài Taraktogenos, ví dụ Taraktogenos microcarpa Pier., Taraktogenos serrata Pier. v.v..
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.