BẠCH ĐẦU ÔNG

Tên khác: Nụ áo hoa tím, Bạc đầu nâu.
Tên khoa học: Vernonia cinerea(L.) Less., thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo cao 20-80cm, rất đa dạng. Thân đứng có khía, có lông mềm rạp xuống. Lá hình dải, hình múi mác hay hình quả Trám, gần như nguyên hay có răng rõ, kích thước rất thay đổi. Cụm hoa là ngù ở ngọn, đôi lúc ở bên, gồm nhiều đầu. Lá bắc xếp thành 3 hàng. Mào lông màu trắng hay vàng nhạt, lông không đều nhau, những lông ngoài rất ngắn. Tràng hoa màu hồng hay đo đỏ, các thuỳ thuôn, hình chỉ. Bao phấn có tai rất ngắn. Quả bế có lông nhung dày, có rạch hay không. Cây ra hoa tháng 11 đến tháng 6.
Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Vernoniae Cinereae).
Phân bố sinh thái: Loài cây cổ nhiệt đới, mọc hoang rất thông thường ven đường đi, bãi cát, bờ ruộng. Cũng phân bố ở nhiều nơi khác vùng Viễn đông, ở châu Phi, châu Ðại dương. Thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất là vào mùa hè, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học: Toàn cây có b-amyrin acetat, lupeol acetat, b-amyrin, lupeol, b-sitosterol, stigmasterol và KCl.
Tính vị, tác dụng: Cây có vị đắng, ngọt, tính mát; có tác dụng thanh can, thoái nhiệt, an thần.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Sổ mũi, sốt, ho (lá); 2. Lỵ, ỉa chảy, đau dạ dày (rễ); 3. Viêm gan (hoàng đản cấp tính); 4. Suy nhược thần kinh; 5. Mụn nhọt, viêm tuyến sữa, hắc lào, chàm, rắn cắn…
Cách dùng liều lượng: Ngày dùng 15-30g cây khô sắc uống với các vị thuốc khác. Dùng lá giã đắp để chữa đinh nhọt, rắn cắn và bệnh ngoài da. Bột lá lẫn với vôi dùng đắp trị đau đầu, vết thương. Có thể dùng cành lá nấu nước rửa.
Bài thuốc:
1. Sổ mũi, sốt, ho: Bạch đầu ông, Ngũ trảo, rễ Bồ hòn, lá Gừa (sanh) mỗi

vị 15g nấu nước uống.

2. Suy nhược thần kinh: Bạch đàn ông, Hy thiêm mỗi vị 15g, Chua me đất, Rau bợ mỗi vị 12g, Sẹ (Alpinia oxyphylla) 6g, sắc uống.
3. Huyết áp cao: Bạch đầu ông, Chua me đất, Hy thiêm mỗi vị 15g, đun sôi lấy nước uống.

0/50 ratings
Bình luận đóng