ĐẠI HỒI

Tên khác:

Bát giác hồi hương, hồi sao, mác chác, mác hồi (Tày).

Tên khoa học:

Illicium verum Hook.f., họ Hồi (Illiciaceae).

Mô tả:

Cây gỗ, cao 6- 10m. Cành dễ gãy, vỏ nhẵn. Lá thường tụ tập ở những mấu, nom như mọc vòng; phiến lá nguyên, dày, cứng, nhẵn bóng. Hoa màu hồng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả cấu tạo bởi 8 đại, có khi hơn, xếp thành hình sao, mỗi đại có 1 hạt. Toàn cây, nhất là quả có mùi thơm và vị nóng. Hoa: Tháng 5- 6; Quả: Tháng 7- 9. Bộ phận dùng: Quả chín phơi khô của cây Hồi (Illicium verum).

Phân bố:

Cây Hồi có ở một số tỉnh miền núi phía bắc nước ta, chủ yếu ở Lạng sơn.

Thu hái:

Thu hái vào mùa thu. Phơi khô (tránh làm gãy cánh). Để nguyên dùng hoặc cất lấy tinh dầu. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.

Thành phần hoá học:

Tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là anethol (80 – 85%), ngoài ra trong tinh dầu còn có β-pinen, limonen, α-phellandren, α – terpineol, farnesol và safrol.

Công năng:

Trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, tiêu thực; sát trùng, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, chỉ ẩu (chống nôn mửa).

Công dụng:

  • Dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, bụng đầy trướng, thấp khớp và làm thuốc gây trung tiện, lợi sữa, chữa ngộ độc thức ăn.
  • Làm gia vị, chế rượu mùi, cất tinh dầu làm hương liệu, chế anethol làm nguyên liệu tổng hợp hormon.

Cách dùng, liều lượng:

Ngày 4-8g dạng rượu thuốc.

Kiêng kỵ:

Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được.

Ghi chú: Cây Hồi núi (Illicium griffithii Hook. et Thoms.) cho loại quả nhiều đại hơn. Tinh dầu Hồi núi thoảng mùi hạt tiêu. Trong Hồi núi có chất độc nên không dùng.

0/50 ratings
Bình luận đóng