Ô đầu

Tên khác: Ấu tàu, phụ tử, xuyên ô, co ú tàu (Thái), ú tàu (Tày), cốy (H’Mông). Tên khoa học: Aconitum fortunei Hemsl.

Họ Mao lương (Ranunculaceae).

MÔ TẢ

Cây thảo, có rễ củ mập, hình con quay, rễ chính to mang nhiều rễ phụ, màu đen. Thân mảnh ít phân nhánh. Lá mọc so le, gân hình chân vịt, lá của cây con hình tim tròn, mép khía răng to, lá già xẻ 3 – 5 thùy không đều có răng cưa nhọn, hai mặt có lông, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới rất nhạt.

Cụm hoa mọc thành chùm ở ngọn thân; hoa to màu xanh lam, mọc chúc xuống, lá đài 5, cái trên cùng thẳng và cong hình chiếc mũ chụp kín tràng hoa đã tiêu giảm, nhị nhiều, bầu 3 ô chứa nhiều noãn.

Quả gồm 5 đại mỏng, hạt nhiều có vảy.

Mùa hoa quả: tháng 10 – 11.

Vị thuốc Ô đầu
Vị thuốc Ô đầu

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, Ô đầu (loài khác) phân bố ở nhiều

vùng thuộc châu Âu, còn loài trên là đặc hữu của các vùng châu Á, gồm Ân Độ, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang khá tập trung ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Nghĩa Lộ cũ trên những nương rẫy đã bỏ hoang từ lâu, trong thung lũng sâu, nơi đất ẩm.

Cây đã được trồng ở Lào Cai (xen lẫn với ngô) và một số nơi khác.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Rễ củ, thu hái vào mùa thu, phơi hoặc sấy khô. Rễ chính (rễ củ mẹ) thường được dùng sống, rễ nhánh (rễ con) thường được chế biến để dùng. Tùy theo cách chế biến mà có diêm phụ tử, bạch phụ tử hoặc hắc phụ tử.

  • Chế diêm phụ tử: Rễ nhánh to của củ Ô đầu ngâm với muối, Mg clorid và nước trong 10 ngày. Lấy ra, phơi khô rồi lại ngâm nhiều lần nữa. Cuối cùng, phơi dược liệu trong nắng đến khi mặt ngoài trắng tinh là được. Khi dùng, thái mỏng, rửa nước cho hết cay và tê, phơi khô.
  • Chế hắc phụ tử: Rễ nhánh trung bình ngâm nước và Mg clorid vài ngày. Đun sôi 2 – 3 phút, ngâm tiếp vài lần nữa rồi tẩm đường và dầu hạt cải, sao cho có màu nâu sẫm. Khi dùng, thái mỏng, rửa nước cho hết cay và tê, phơi khô.
  • Chế bạch phụ tử: Rễ nhánh nhỏ ngâm nước và Mg clorid vài ngày. Đun cho chín, rồi bỏ vỏ, thái mỏng, rửa cho hết cay tê, phơi khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Rễ Ô đầu chứa alcaloid aconitin, cao nhất vào lúc cây có hoa. Hàm lượng alcaloid toàn phần giảm dần từ Ô đầu đến diêm phụ, hắc phụ rồi bạch phụ. Ô đầu thuộc bảng A trong quy chế thuốc độc, phụ tử giảm độc ở bảng B.

TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Aconitin trong Ô đầu có tác dụng làm hạ huyết áp, giảm đau, chống viêm. Phụ tử làm giảm lượng cholesterol, lipid trong máu. Nước sắc phụ tử cũng có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp.

Ô đầu rất độc, liều gây độc tính từng gam. Phụ tử giảm độc nhiều lần.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Trong y học hiện đại, Ô đầu được dùng làm thuốc chữa ho, đau nhức dưới dạng cồn thuốc 1/10, người lớn mỗi lần dùng 5 – 10 giọt. Thuốc độc bảng A, dùng phải hết sức thận trọng.

Trong y học cổ truyền, Ô đầu cũng được coi là vị thuốc rất độc, còn phụ tử (thuốc giảm độc) có thể được dùng đến hàng chục gam. Ô đầu thường chỉ được dùng ngoài để xoa bóp khi chân tay nhức mỏi, đau các khớp dưới dạng rượu ngâm với tỉ lệ 10%. Dùng riêng hoặc phối hợp với nhiều vị thuốc khác. Có nhiều người ở miền núi đã dùng Ô đầu nấu cháo ăn hoặc ngâm rượu uống và bị ngộ độc với triệu chứng nhẹ thì ngứa cổ, nôn mửa, toát mồ hôi, chân tay lạnh, loạn hô hấp, có khi bất tỉnh; nặng thì thân nhiệt hạ, mạch chậm, ngất xỉu, cuối cùng chết vì ngạt thở.

Phụ tử được dùng trong vì đã giảm độc sau khi chế biến. Thuốc có vị cay, hơi ngọt, tính nóng, dùng để hồi dương trong những trường hợp nguy cấp, mạch không rõ, đờ đẫn, dương suy, thủy thũng với liều dùng 4 – 12g dưới dạng thuốc sắc. Nhiều người vẫn còn cẩn thận chế biến phụ tử một lần nữa với đậu đen hoặc ngâm nước vôi, nước gạo nhiều lần mới dùng. Một số thày thuốc đông y dược lại thường phối hợp phụ tử (liều cao) với cam thảo, can khương rồi sắc rất lâu mới dùng.

Để dùng Ô đầu, phụ tử được an toàn, phải hết sức thận trọng và tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của thày thuốc.

BÀI THUỐC

  • Chữa chân tay đau nhức, tê mỏi, bán thân bất toại, co quắp: Ô đầu, nghệ trắng, mật gấu, nhân hạt gấc, mật trăn, huyết lình (mỗi thứ 10g) ngâm với 100ml rượu, càng lâu càng tốt. Dùng xoa bóp, không được uống.
  • Chữa cảm lạnh, nôn mửa, hôn mê: Phụ tử sống, gừng nướng, mỗi vị 20g, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm nhiều lần (Hành giản trân nhu).
0/50 ratings
Bình luận đóng