COCA
Tên khoa học của cây coca: Erythroxylum coca Lam., họ coca – Erythroxylaceae
Đặc điểm thực vật
Coca là một cây nhỡ, cao khoảng 2-4m lá mọc so le, có cuống ngắn có 2 lá kèm nhỏ biến đổi thành gai. Phiến lá nguyên ,hình bầu dục; hai bên gân giữa có 2 đường cong lồi (gân giả) tương ứng với 2 nếp gấp của lá trong chồi.
Hoa nhỏ, mọc đơn hoặc tập trung 3-4 cái thành xim ở kẽ lá. Hoa lưỡng tính, 5 lá đài màu xanh, tràng 5 cánh màu vàng nhạt, 10 nhị ,bầu 3 ô có 3 vòi rời nhau, 2 ô của bầu lép đi, ô thứ 3 đựng 1-2 noãn đảo. Hoa nở rộ vào tháng 3 và tháng 4.
Qủa hạch hình trứng, khi chín có màu đỏ, có mang lá đài còn sót lại, đựng một hạt có nội nhũ.
Phân bố, trồng hái
Coca có nguốn gốc ở vùng núi Alden (Nam Mỹ). Nơi trồng chính là Nam Mỹ, trồng nhiều ở Columbia, Peru và Bolivia, ngoài ra cũng được trồng một ít ở Indonesia (Giava), Xri-Lanka, Ấn Độ và Cameroon.
Trồng bằng hạt. Thứ Erythroxylum coca Lam. var. bolivianum phát triển ở Nam Mỹ thường trồng trên vùng cao (650m). Thứ Erythroxylum coca var. spruceanum Bruck, E. coca var. novogranatense Hieron trồng ở vùng đồng bằng. Sau 18 tháng có thể thu hoạch lứa đầu, nhưng người ta thường thu hoạch ở cây 3 tuổi trở lên, mỗi năm hai 3-4 lần, có thể thu hoạch lá trong nhiều năm (tới 50 năm). Số lượng trung bình mỗi năm 300-400 kg lá/1 ha.
Cây này được nhập vào nước ta từ lâu (1930), nhưng không được phát triển. Trồng ở miền Bắc, miền Nam đều thấy mọc tốt. Hiện nay có trồng ở trường đại học Dược Hà nội và Khoa dược trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh (để làm mẫu).
Bộ phận dùng và chế biến
Lá: Sau khi hái lá về đem phơi hoặc sấy kho ở nhiệt độ thấp, rồi đóng thành bao. Lá coca hình trứng dài 4-8 cm, rộng 2,5-4 cm, lá nguyên có cuống ngắn, màu xanh lục nhạt, nhẵn. Hai bên gân chính có hai đương gân hình cung ô lấy gân chính. Có mùi chè, vị đắng dễ chịu sau thấy tê tê.
Vi phẫu lá:
Biểu bì trên có tế bào nhiều cạnh, đều nhẵn. Biểu bì dưới, mỗi tế bào có một vòng nổi hình nón làm cho mép phiến lá trông nghiêng mấp mô rất đặc biệt. Lỗ khí có 2 tế bào kèm song song với cửa lỗ. Mô giậu có 1-2 hàng tế bào. Mô khuyết có các tế bào mang tinh thể calci oxalat hình lập phương. Mô dày ở phía trên và dưới gân chính. Bó libe gỗ xếp thành vòng cung, gỗ ở trên, libe ở dưới, vòng ngoài libe là sợi.
Thành phần hóa học
Hoạt chất trong lá cây coca là alcaloid, chia làm 2 nhóm:
a/ Dẫn xuất của N-methyl pyrolidin gồm những base không bay hơi: Hygrin, cuscohygrin, một lượng nhỏ nicotin.
b/ Dẫn xuất của pseudotropin và acid pseudotropin carbonic (ecgonin) gồm những base không bay hơi, nhóm này quan trọng. Có các alcaloid: Cocain, cinnamoyl cocain, benzoylecgonin, tropacocain, α-truxillin và β-truxullin.
Hàm lượng alcaloid trong lá phụ thuộc vào nguồn gốc và sự thu hái. Trên thị trường buôn bán có lá coca ở Huanaco (Bolivia) (Erytroxylum coca Lam. var. bolivianum Bruck). Những lá coca ở Bolivia (Huanaco) chứa 0,5-1,0% alcaloid và alcaloid chính là L-cocain. Từ những lá non của cây coca ở Java chứa nhiều alcaloid hơn (tới 2,5%) nhưng alcaloid chính là cinnamoyl cocain (cocain chỉ chiếm 25% tổng số alcaloid). Hàm lượng alcaloid của lá coca ở Truxillo tuy ít hơn lá ở Java, nhưng cocain chiếm tới 75% tổng số alcaloid.
Ngoài alcaloid, trong lá coca có tinh dầu (0,05-0,1%) mà thành phần chủ yếu là metyl salicylat, acid hữu cơ (acid clorogenic, acid truxillin…) rutin và isoquexitrin (trước đây mang tên cocaxintrin và cocaflavin), phytosterol.
Kiểm nghiệm
1/ Định tính:
Chiết alcaloid trong lá coca, cô đặc, sau đó dùng phương pháp sắc ký giấy hoặc sắc ký lớp mỏng để tách cocain và các alcaloid khác. Phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff (có coain chuẩn đối chứng. Hệ dung môi khai triển: chloroform: aceton: dietylamin [50:40:10] hoặc định lượng bằng cyclohexan:clorofom:dietylamin [50:40:10].
2/ Định lượng:
Alcaloid toàn phần trong lá coca được định lượng bằng phương pháp đo acid theo nguyên tắc: Chiết bột dược liệu bằng ether etylic trong môi trường amoniac; lắc dịch chiết ether với HCl 0,1N, kiềm hóa bằng natri cacbonat 1N rồi lấy kiệt alcaloid bằng ether. Cất thu hồi ether, hòa tan cặn với ít ethanol nóng rồi cho thêm nước đun sôi để nguội và chuẩn độ bằng dung dịch HCl 0,1N, chỉ thị đỏ metyl. Dược liệu phải chứa ít nhất 0,7% alcaloid toàn phần.
Tác dụng dược lý và độc tính
Thổ dân nhiều nước Nam Mỹ đã dùng lá coca từ lâu. Người ta nhai lá coca khô với vôi (giống như ăn trầu) thấy mất cảm giác đói, tăng hoạt động của cơ làm người lao động chân tay không cảm thấy mệt nhọc. Vì vậy trước đây người ta cho là thứ thuốc bổ. Thực tế đó chỉ là cảm giác do tác dụng gây tê của cocain. Dùng lâu sẽ gây nghiện và làm cho thể lực và trí lực suy tàn. Hiện nay số người nghiện lá coca ở Nam Mỹ tới trên 5 triệu.
Cocain có tác dụng làm tê niêm mạc và làm liệt các đoạn cuối của dây thần kinh cảm giác, đồng thời cũng làm co mạch máu nên rất thích hợp cho phẫu thuật tai, mũi, họng, răng.
Đối với hệ thần kinh trung ương, liều nhỏ cocain có tác dụng kích thích gây ra trạng thái khoan khoái; liều lớn gây ảo giác, chóng mặt và có thể chết do liệt hô hấp.
Cocain tiêm vào tĩnh mạch chuột cống có liều LD50 là 17,5mg/kg cơ thể.
Công dụng và liều dùng.
Lá coca dùng trong y dược (phải chứa ít nhất 0,7% alcaloid trong đó chủ yếu là cocain) và được xếp vào những thuốc gây nghiện. Ngày nay chỉ sử dụng dạng muối HCl lam thuốc gây tê tại chỗ trong
khoa tai, mũi, họng và răng. Ngoài ra còn dùng nhỏ mũi để chữa sổ mũi, chảy máu cam, dùng uống để chữa những cơn đau thực quản dạ dày.
Vì cocain rất dễ gây nghiện nên không dùng lâu và cũng không dùng cho những người bệnh tim, bệnh thần kinh, xơ cứng động mạch và các bệnh mạn tính đường hô hấp, không dùng cho trẻ dưới 10 tuổi và người già,người thiếu máu.
Thường dùng dung dịch 0,5-2% cocain. HCl để gây tê tai họng,niêm mạc mũi, giác mạc…. dùng bôi hay nhỏ giọt.
Người ta ước tính nhu cầu cocain dùng trong y dược toàn thế giới chỉ vào khoảng 2 tấn/năm, chiếm khoảng 4% sản lượng lá coca sản xuất trên toàn thế giới. Như vậy số lượng lớn lá cung cấp cho nhứng người nghiện nhai lá coca và làm nguyên liệu sản xuất cocain bất hợp pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.