Khái niệm
Lạnh bụng là chỉ tự cảm giác bên trong bên ngoài bụng mát lạnh. Chứng này trong Linh khu – Sư truyền gọi là “Phúc trung hàn” và “Tề hạ bì hàn”. Mục Phúc mãn hàn sán túc thực bệnh mạch chứng trị – Kim quỹ yếu lược lại gọi là “Đỗ trung hàn”, Sách Trung y lâm chứng bị yếu gọi là “Phúc bì hàn”.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Lạnh bụng do Tỳ Vị dương hư:Có chứng thường xuyên trong bụng có cảm giác lạnh hoặc kiêm chứng đau bụng, miệng ứa ra nước chua hoặc nước trong, sợ lạnh ưa ấm, hoặc đại tiện lỏng loãng, chân tay mệt mỏi, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch Trầm Tế.
Lạnh bụng do Thận dương hư suy:Có chứng lạnh trong bụng, Ngũ canh tiết tả, lưng đùi yếu mỏi, đêm tiểu tiện nhiều lần hoặc tiểu tiện không gọn bãi, són đái, lưỡi nhợt rêu trắng mỏng, mạch Trầm Tế, hoặc Vi Nhược.
Lạnh bụng do Xung Nhâm hư hàn:Có chứng trong bụng lạnh nhất là ở vùng Tiểu phúc, chu kỳ muộn, sắc nhạt hoặc kèm cục huyết, hoặc đới hạ trong loãng, hoặc khó thụ thai, hoặc hai mắt thâm quầng, lưỡi bệu màu nhợt tối, có vết răng, rêu trắng mỏng, mạch Tế Trì.
Lạnh bụng do hàn trệ can mạch:Có chứng lạnh vùng bụng nhất là ở vùng Thiếu phúc lan tỏa tới cao hoàn đau và nặng trệ hoặc âm nang teo quắt, nhiễm lạnh bệnh tăng, được ấm thì đỡ, hoặc tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trần Huyền hoặc Trì.
Phân tích
– Chứng Lạnh bụng do Tỳ Vị dương hư với chứng Lạnh bụng do Thận dương hư suy:Đều là do thể trạng vốn dương khí bất túc, hoặc ăn bậy thức sống lạnh hoặc dùng quá nhiều thuốc khổ hàn tả hạ hoặc sau khi ốm chăm sóc không tốt, làm tổn thương Tỳ Vị, trung dương suy hư: hoặc do phòng thất vô độ hoặc sau khi ốm nặng nghỉ ngơi không thích hợp dẫn đến hạ nguyên bạc nhược tạo nên chứng lạnh bụng do Tỳ Vị dương hư hoặc Thận dương hư suy. Loại trên do Tỳ dương không được ấm áp nên trong bụng thường lạnh từng lúc, ưa ấm sợ lạnh, dương hư thì Tỳ kém kiện vận, Vị mất hòa giáng, phía trên thì ứa ra nước trong, phía dưới thì đại tiện lỏng loãng; Tỳ hư nguồn sinh hóa bất túc cho nên tinh thần mỏi mệt chân tay rã rời, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch Trầm Tế là đặc trưng của Tỳ dương hư. Còn loại sau là do dương khí ở trong Thận không hun bôc đến nỗi lạnh trong bụng, Thận dương hư thì Đại trường mất sự co thắt, Bàng quang khí hóa kém cho nên ngũ canh tiết tả, tiểu tiện ban đêm nhiều lần hoặc tiểu tiện không gọn bãi, són đái. Lưng là phủ của Thận, lưng trở xuống đều do Thận làm chủ; Thận hư thì không được nuôi dưỡng đầy đủ cho nên lưng đùi yếu mỏi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Tế bộ xích hơi Nhược là những đặc trưng của Thận dương hư suy. Điểm chủ yếu chẩn đoán phân biệt hai chứng này là: Tỳ Vị dương hư thì kiêm chứng đau vùng bụng, ứa nước chua hoặc nôn mửa ra nước trong, SỢ lạnh ưa ấm, đại tiện lỏng nhão, tinh thần chân tay mỏi mệt… điều trị nên ôn bổ Tỳ Vị, chọn dùng phương Tiểu Kiến trung thang. Còn Thận dương hư suy thì kiêm chứng ngũ canh tiết tả, lưng gối đau mỏi, đêm đi tiểu nhiều lần hoặc không gọn bãi són đái, điều trị nên ôn Thận tráng dương, dùng phương Thận khí hoàn hợp Tứ thần hoàn.
– Chứng bụng lạnh do Xung Nhâm hư hàn: Với chứng bụng lạnh do hàn trệ Can mạch: cả hai tuy chủ yếu đều lạnh đau ở bụng dưới, nhưng một chứng đau ở Tiểu phúc, một chứng đau ở Thiếu phúc, vả lại nguyên nhân phát sinh cũng khác nhau.
Chứng lạnh bụng do Xung Nhâm hư suy là do tiên thiên phú bẩm bất túc, hậu thiên phát dục không tốt hoặc phòng thất quá độ, sinh nở nhiều lần, hoặc đang hành kinh lại lội nước dầm mưa, Xung Nhâm bị tổn thương, hàn khí ngưng tụ ở Bào cung gây nên.
Chứng bụng lạnh do hàn trệ Can mạch là bên ngoài cảm nhiễm hàn tà, Can kinh khí huyết ngừng trệ gây nên.
Loại trên trên do Bào cung nhiễm lạnh, Xung Nhâm không điều thì bụng lạnh mà chu kỳ thường ra muộn, kinh huyết lượng ít, sắc nhợt, Mạch Xung là huyết hải, mạch Nhâm chủ về bào thai cho nên khó thụ thai, mạch Đái không co thắt thì đới hạ ra trong loãng; hàn tà ngưng trệ, huyết không lưu thông nên hai mắt quầng thâm, lưỡi bệu màu tối nhạt, có vết răng, rêu trắng mỏng, mạch Tế Trì… đều là đặc trưng của Xung Nhâm hư hàn.
Loại sau do kinh mạch của Can ở bên dưới Tiểu phúc, vòng quan bộ phận sinh dục, hàn tà ngưng tụ ở Can mạch, can khí bị cản trở, Can huyết sáp trệ, cho nên Thiếu phúc hoặc tiểu phúc lạnh mà cao hoàn trệ xuống trướng đau, chân tay lạnh âm nang teo quắt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Trì Huyền… đều là đặc trưng do hàn trệ Can mạch.
Điểm chủ yếu chẩn đoán phân biệt hai chứng này là: chứng Xung Nhâm hư hàn, hay phát sinh ở phụ nữ, ngoài chứng Lạnh bụng còn kiêm chứng kỳ kinh thấy muộn, kinh nguyệt lượng ít sắc nhạt hoặc có cả cục huyết và đới hạ trong loãng, không thụ thai, điều trị nên điều bổ Xung Nhâm, ôn kinh tán hàn, dùng phương Ôn kinh thang.
Chứng hàn trệ Can mạch phần nhiều gặp ở nam giới ngoài chứng lạnh bụng còn biểu hiện các kiêm chứng cao hoàn sa trệ trướng đau, âm nang co rút và toàn thân sợ lạnh chân tay lạnh, điều trị nên ôn Can tán hàn, lưu thông khí huyết, dùng phương Noãn Can tiễn.
Tóm lại, chứng Bụng lạnh, bệnh biến phần nhiều thuộc tính chất hư hàn, vị trí bệnh phần, nhiều ở trung tiêu hạ tiêu, ở trung tiêu thì liên lụy đến Tỳ Vị, ở hạ tiêu thì liên quan tới Can Thận và Bào cung. Nói chung chẩn đoán phân biệt không khó.
Trích dẫn y văn
– Tiểu phúc (bộ phận dưới rốn) có cảm giác lạnh thường là do bệnh biến ở Can, Bàng quang có Bào cung, Chu vi rốn và bụng có cảm giác lạnh phần nhiều là bệnh biến ở Tỳ. Đại trường và Tiểu trường; bụng trên (đại phúc – phía trên rốn) có cảm giác lạnh, phần nhiều thuộc bệnh biến ở Tỳ Vị (Chứng trị biện chứng dữ trị liệu – Phúc lãnh).