Khái niệm

Thở suyễn tức Khí suyễn, gọi tắt là Suyễn, là một chứng trạng lâm sàng có đặc trưng thở gấp gáp hổn hển, nghiêm trọng hơn dẫn đến há miệng so vai, cánh mũi phập phồng không nằm ngửa được thường gặp trong quá trình nhiều loại bệnh chứng cấp tính mạn tính .

Tên gọi Khí suyễn được ghi rất nhiều trong tài liệu cổ, như trong Tố vấn gọi là “Suyễn tức”, “Suyễn nghịch”, trong Kim quỹ yếu lược gọi là “Thượng khí”, trong Chư bệnh nguyên hậu luận gọi là “Nghịch khí”, trong Cảnh nhạc toàn thư thì gọi là “Suyễn xúc”.

Trong các tài liệu trước đời Kim Nguyên, hai chứng Suyễn và Háo không tách bạch rõ ràng mà thường gọi lẫn lộn. Nhưng nguyên nhân cơ chế bệnh và biểu hiện lâm sàng đều có chỗ khác nhau, cần phải phân biệt. Háo có cội rễ sẵn có, biểu hiện là có từng cơn khí suyễn đờm khò khè, đặc trưng là hô hấp gấp gáp trong họng có tiếng hen khò khè. Còn Suyễn thì phần nhiều phát sinh trong nhiều loại bệnh chứng cấp tính mạn tính, tuy hô hấp gấp gáp nhưng trong họng không có tiếng khò khè. Mục Háo suyễn sách ỵ học chính truyền nói: “Đại để háo lấy tiếng để gọi tên. Suyễn là nói theo hơi thở. Nghĩ như suyễn gấp mà trong họng cò cử như tiếng gà rít thì gọi là Háo; thở hổn hển gấp gáp liên tục muốn đứt hơi, gọi là Suyễn”, có thể thấy Háo tất kiêm Suyễn, mà Suyễn chưa hẳn phải kiêm Háo.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

Khí suyễn do phong hàn bế Phế: Biểu hiện lâm sàng suyễn gấp ngực khó chịu kèm theo khái thấu, khạc ra đờm trong loãng sắc trắng; lúc ban đầu phần nhiều thấy cả các chứng trạng ố hàn phát nhiệt không mồ hôi, đau đầu đau mình, không khát, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Khẩn.

Khí suyễn do phong nhiệt phạm Phế: Biểu hiện là suyễn gấp phiền muộn kiêm các chứng khái thấu, khạc ra đờm vàng dính hoặc thấy phát sốt, ra mồ hôi sợ gió, khát nước, đau ngực, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch Phù Sác.

Khí suyễn do biểu hàn lý nhiệt: Thường biểu hiện là suyễn gấp ngực khó chịu, phát nhiệt ố hàn, đau đầu đau mình, kiêm các chứng Tâm phiền miệng khát, đờm dính khó ra, rêu lưỡi vàng trắng sen kẽ, mạch Phù Sác.

Khi suyễn do đờm trọc ngăn trở Phế: Có các chứng suyễn gấp thở thô, tiếng đờm sùng sục, kiêm chứng khái thấu đờm dính, khó khạc ra đờm, ngực thắt khó thở hoặc buồn nôn kém ăn, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Hoạt.

Khí suyễn do khí uất hại Phế: Xuất hiện các chứng suyễn gấp ngực khó chịu, yết hầu vướng mắc, ngực sườn trướng đau, kiêm chứng tinh thần ức uất, nóng nẩy dễ cáu giận, mất ngủ, hồi hộ.v.v… rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Huyền.

Khí suyễn do Phế khí âm đều hư: Có các chứng suyễn gấp đoản hơi, làm lụng thì suyễn thở tăng, tiếng nói thấp khẽ, tự ra mồ hôi sợ gió, dễ bị cảm mạo, mặt đỏ, chất lưỡi nhợt hồng, mạch Nhược.

Khí suyễn do Thận không nạp khí: Có biểu hiện suyễn gấp kéo dài, hơi thở ngắn gấp, thở ra nhiều hít vào ít, lao động nặng thêm, kiêm chứng lưng gối mỏi, mặt tái tay chân lạnh, chất lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế.

Khí suyễn do Thận hưđờm nghẽn trở: Biểu hiện là suyễn khái đoản hơi, thở ra nhiều hít vào ít, đờm nhiều ngực khó chịu, kiêm các chứng mỏi lưng chân tay lạnh, tiểu tiện vặt nhiều lần, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Tế hoặc Nhu Hoạt vô lực.

Khí suyễn do dương hư thủy tràn lan: Có các chứng ho suyễn thở gấp, không nằm ngửa được, kiêm các chứng hồi hộp sợ lạnh, mỏi lưng chân tay lạnh, tiểu tiện ít, thủy thũng, chất lưỡi nhạt bệu, rêu trắng trơn, mạch Trầm Tế.

Phân tích

  • Chứng Khí suyễn do phong hàn bế Phế với chứng Khí suyễn do phong nhiệt phạm Phế: Cả hai chứng đều do ngoại tà xâm phạm và đều có biểu chứng dễ thấy. Nhưng Khí suyễn do phong hàn bế Phế là do tà khí phong hàn xâm nhập bì mao bên trong hợp với Phế, Phế mất sự tuyên giáng, nước và tân dịch không phân bố thông suốt cho nên thấy suyễn khái ngực khó chịu, khạc ra đờm trong loãng. Phong hàn bó ở ngoài, Phế vệ bị uất bế cho nên phong hàn biểu chứng. Khí suyễn do phong nhiệt phạm Phế là do tà khí phong nhiệt xâm phạm bì mao, bên trọng hợp với Phế, nhiệt thịnh úng tắc, Phế mất tuyên giáng; nhiệt thịnh thương tân, hun đốt dịch thành đờm, đờm với nhiệt câu kết gây nên, cho nên thấy suyễn khái phiền muộn khạc ra đờm vàng dính, khát nước đau ngực, phong nhiệt bị ấp ủ ở cơ biểu, tấu lý thưa hở, cho nên thấy biểu chứng phong nhiệt. Vì vậy hai chứng này nên lấy tính chất đờm và biểu hiện ngoại chứng làm yếu điểm chẩn đoán phân biệt. Khí suyễn do phong hàn bế Phế thì đờm trong loãng, kiêm chứng ố hàn phát nhiệt không mồ hôi, đau đầu đau mình, mạch Phù Khẩn thuộc chứng biểu hàn. Khí suyễn do phong nhiệt phạm phế thì đờm vàng dính kiêm các chứng trạng biểu nhiệt như đờm vàng dính, phát nhiệt, hơi sợ phong hàn, ra mồ hôi, mạch Phù Sác.v.v..

Khí suyễn do phong hàn bế Phế, điều trị theo phép tân ôn giải biểu, tuyên Phế bình suyễn, dùng Hoa cái tán. Khí suyễn do phong nhiệt phạm Phế điều trị theo phép thanh nhiệt giải biểu, tuyên Phế bình suyễn, chọn dùng phương Ma hạnh thạch cam thang gia vị.

  • Chứng Khí suyễn do biểu hàn lý nhiệt: Vì biểu hàn chưa giải, Phế có uất nhiệt gây nên, vừa có chứng hậu do phong hàn bế Phế, lại vừa biểu hiện chứng hậu lý nhiệt như Tâm phiền khát nước, đờm dính khó ra, điều trị nên Tân ôn giải biểu, tuyên Phế bình suyễn kiêm thanh giải lý nhiệt, chọn dùng phương Hoa cái tán gia Thạch cao, Hoàng cầm.
  • Chứng khí suyễn do đờm trọc ngăn trở Phế với chứng Khí suyễn do khí uất thương Phế: Hai chứng này với ba chứng phong hàn phạm Phế, phong nhiệt phạm Phế và biểu hàn lý nhiệt, đều là những chứng khí suyễn thuộc thực chứng. Nhưng hai chứng này không có biểu hiện chứng, cho nên rất dễ phân biệt với ba chứng khí suyễn có biểu chứng ở trên.

Chứng khí Suyễn do đờm trọc ngăn trở Phế là do Phế mất sự phân bố, tụ tân (dịch) thành đờm, hoặc Tỳ mất sự vận chuyển mạnh, thấp tụ lại thành đờm, đờm trọc úng tắc ở Phế gây nên, đặc điểm lâm sàng là đờm nhiều mà dính, điều trị nên khư đờm giáng khí bình suyễn, chọn dùng phương Tam tử dưỡng thân thang hợp với Nhị trần thang gia giảm. Chứng Khí suyễn do khí uất hại Phế là do Can mất sự sơ tiết, Can khí xông lên phạm Phế, thăng nhiều giáng ít gây nên, đặc điểm là có chứng họng như có vật vướng mắc, ngực sườn trướng đau là những biểu hiện Can khí uất kết và tinh thần bị ức uất, nóng nảy hay giận.v.v.. điều trị nên sơ Can giải uất, giáng khí bình suyễn cho uống Ngũ ma ẩm tử.

  • Chứng Khí suyễn do Phế khí âm đều hư với chứng Khí suyễn do Thận không nạp khí: Phế chủ về khí. Thận là gốc rễ của khí, hai tạng Phế, Thận hư yếu đều có thể biểu hiện khí suyễn: biểu hiện cộng đồng của hai chứng này là khí suyễn dài ngày, hl động làm là suyễn thở càng tăng. Nhưng hai chứng cũng có chỗ khác nhau: khí suyễn do Phê khí âm đều hư là do cả hai khí và âm đều tổn thương gây nên, khí mất chỗ đứng. Vệ ngoại không bền, cho nên xuất hiện các chứng tiếng nói nhỏ yếu, tự ra mồ hôi sợ gió, dễ bị cảm mạo: Phế âm bất túc, cho nên thấy miệng khô mặt đỏ. Lâm sàng thấy Khí suyễn do Phế hư, tuy phần nhiều thấy cả hai khí âm đều hư, nhưng lại thường lấy Phế khí hư làm chủ yếu, hoặc lấy Phế âm hư làm chủ yếu chỗ khác nhau. Khí suyễn do Thận không nạp khí là Thận dương bất túc mất chức năng nhiếp nạp, khí không về nguồn gây nên, cho nên thở ra nhiều, hít vào ít và có những chứng trạng Thận dương bất túc như: lưng gối mỏi, mặt xanh tay chân lạnh.v.v.. Phân biệt hai chứng ở chỗ Khí suyễn do Phế khí âm đều hư là biểu hiện Phế hư đơn thuần, còn khí suyễn do Thận không nạp khí thì biểu hiện đủ chứng trạng Thận dương bất túc.

Điều trị Khí suyễn do khí âm đều hư nên ích khí định suyễn, có thể uống Sinh mạch tán gia vị. Điều trị Khí suyễn do Thận không nạp khí nên bổ thận nạp khí, chọn dùng các phương Nhân sâm hồ đào thang, Hắc tích đan.v.v…

  • Chứng Khí suyễn do Thận hư đờm ngăn trở với chứng Khí suyễn do dương hư thủy tràn lan: Hai chứng đều là chứng hư thực lẫn lộn, đều có những biểu hiện lưng mỏi, chân lạnh do Thận dương bất túc. Biểu hiện khác nhau trên lâm sàng là ở chỗ Khí suyễn do Thận hư đờm ngăn trở có kiêm chứng trạng đờm dãi úng thịnh, cơ chế bệnh là đờm dãi úng thịnh ở phía trên, Thận khí khuy tổn ở phía dưới. Còn khí suyễn do dương hư thủy tràn lan, có những biểu hiện chứng như hồi hộp, tiểu tiện ít, phù thũng… cơ chế bệnh là Thận dương bất túc, thủy không hòa khí, xâm lấn lên Tâm Phế.

Khí suyễn do Thận hư đờm ngăn trở, điều trị theo phép giáng nghịch hóa đờm, ôn Thận nạp khí, dùng Tô tử giáng khí thang gia giảm.

Khí suyễn do dương hư thủy tràn lan, điều trị theo phép ôn dương hóa thủy, dùng phương Chân vũ thang.

Biện chứng khí suyễn trên lâm sàng, trước hết cần phân biệt hư, thực. Mục Suyễn xức – Cảnh nhạc toàn thư viết: “Bệnh khí suyễn là chứng hậu rất nguy, điều trị mất yếu lĩnh, dễ bị sai nhầm; muốn phân biệt, cũng chỉ ở hai chứng mà thôi, nói hai chứng, một là thực suyễn, hai là hư suyễn”. Rõ ràng chỉ rõ phân biệt Khí suyễn là lấy hư, thực là trọng yếu.

Đặc điểm cộng đồng của thực suyễn là xu thế bệnh gấp gáp, thở hút sâu hữu dư, thì thở ra nhanh, thở thô, tiếng cao, mạch Sác có lực. Đặc điểm cộng đồng của hư suyễn là xu thế bệnh từ từ, hô hấp ngắn không nối tiếp, thở sâu nhanh, động làm thì suyễn thở tăng, tiếng nhỏ bợt bạt, mạch Vi Nhược hoặc Phù Đại vô lực. Mục Suyễn sách Lâm chứng chỉ nam y án viết:” ở Phế là thực, ở Thận là hư”, vì vậy điều trị thực suyễn lấy khư tà lợi khí làm nguyên tắc lấy Phế làm trọng điểm. Điều trị hư suyễn lây bồi bổ nhiếp nạp làm nguyên tắc lấy Thận làm trọng điểm. Còn như chứng hư thực lẫn lộn thì nên phân biệt tiêu, bản, hoãn, cấp, cân nhắc chủ, thứ mà biện chứng luận trị.

Trích dẫn y văn

“Bàn về Thương hàn suyễn, triệu chứng bất nhất. Có trường hợp tà khí ở biểu, biểu chưa giải không mồ hôi mà suyễn. Có trường hợp tà khí ở lý, ra mồ hôi, không ố hàn, bụng đầy mà suyễn. Có trường hợp triều nhiệt. Có trường hợp dưới Tâm có thủy mà suyễn, cổ nhân điều trị, cũng đều tìm đến cái gốc. Cho nên ở biểu thì nên hãn, ở lý thì nên hạ. Còn như dưới Tâm có thủy mà suyễn lại nên lợi tiểu tiện”, (thương hàn môn – Thánh tế tổng lục)

Các kinh đều có thể khiến người ta suyễn, nhưng phần nhiều là ở Phế Vị. Suyễn mà khái nghịch thấu đờm là ở Phế, Suyễn mà nôn mửa là ở Vị (Suyễn chứng luận – Chứng nhân mạch trị).

Chứng thử thấp suyễn nghịch, phiền muộn khát nước, hơi suyễn thở hôi, nói nhiều mình nặng, ra mồ hôi mình vẫn nóng, đó là chứng suyễn do thử thấp (ngoại cảm suyễn – Chứng nhân mạch trị).

Chứng thực tính suyễn nghịch, ngực đầy, Vị và bụng đau, sợ ăn ấm ách, đại tiện hoặc kết hoặc nhão, thượng khí suyễn nghịch, suyễn ọe ợ hơi, đó là chứng suyễn nghịch do thực tích (Nội thương suyễn – Chứng nhận mạch trị).

Chứng quan cách gây nên suyễn…. phát bệnh thì vùng hư lý máy động mà suyễn thở không ngừng. Đấy là tình trạng suyễn phần nhiều không có đờm thấu, chỉ cảm thấy hung cách rộn rạo, giống như trướng mà không phải là trướng, giống như hụt hơi mà chẳng hụt hơi, hơi chút mệt nhọc là suyễn nặng, nói lắm cũng suyễn nặng, thậm chí toàn thân rung động, bần thần không yên; đấy là chứng hậu do tình dục thương âm đến nỗi nguyên khí vô căn, cô dương chia lìa (Suyễn xúc – Cảnh nhạc toàn thư).

0/50 ratings
Bình luận đóng