BẠCH CẦU HẠT TRUNG TÍNH: trong phản ứng viêm, chức năng chính của bạch cầu hạt trung tính là hoá hướng động (sự di chuyển có định hướng gây ra bởi các chất hoá học), và thực bào, tức là phá huỷ, các vi sinh vật và tiêu hoá các chất lạ xâm nhập vào cơ thể. Suy giảm chức năng hoá hướng động được thể hiện bởi hội chứng “bạch cầu lười” hoặc bởi hội chứng Job-Buckley (xem hội chứng này).
Người ta ước lượng là phải cần một thời gian từ 8-14 ngày để cho nguyên tuỷ bào biệt hoá tới giai đoạn trưởng thành và đi vào máu tuần hoàn dưới dạng bạch cầu hạt. Bình thường, có một nửa số bạch cầu hạt trung tính lưu hành trong máu ngoại vi, còn nửa kia thì bám dính ít nhiều chặt chẽ vào thành các mạch máu, và chỉ được động viên khi trong cơ thể có phản ứng viêm.
Hoạt động thực bào của bạch cầu hạt trung tính được thuận lợi hơn khi có mặt các immunoglobulin (IgG) và bổ thể (C3). Những cấu trúc hạt bị thực bào sẽ được chứa đựng trong những không bào của bạch cầu hạt trung tính và hoạt tính diệt khuẩn ở đây đặc biệt là do tác động của enzym myeloperoxydase.
Những bạch cầu hạt trung tính sau khi thực bào sẽ bị thoái hoá và tạo thành mủ, trong đó có chứa những mảnh vụn tế bào và những vật lạ đã bị tiêu huỷ.
Mức độ tập trung bạch cầu hạt trung tính ở những vị trí bị viêm có thể không đủ, trong trường hợp giảm bạch cầu hạt trung tính, hoặc do những yếu tố bất thường nội sinh hoặc ngoại sinh, trong đó phải kể đến: Các tác động vật lý (nhiệt, bức xạ, thẩm phân máu), hoá học (rượu), tác động của thuốc (cortison, thuốc chống viêm không steroid, colchicin, cyclophosphamid), của bệnh ung thư, bệnh máu ác tính, bệnh miễn dịch, bệnh nhiễm khuẩn nặng, bệnh đái tháo đường, bệnh suy dinh dưỡng nặng.
BẠCH CẦU HẠT ƯA ACID: cũng có chức năng hoá hương động và thực bào, nhất là trong trường hợp bệnh dị ứng và bị thu hút bởi những yếu tố do lympho bào tiết ra. Bạch cầu hạt ưa acid xuất hiện nhiều trong máu ngoại vi trong trường hợp dị ứng và bệnh ký sinh vật (bệnh giun sán). Chúng có thể tập trung với số lượng lớn ở trong da khi có dị ứng da, hoặc ở các cơ quan khác, trong khi đó số lượng của chúng trong máu vẫn bình thường.
BẠCH CẦU HẠT ƯA BASE: những hạt trong bào tương của loại bạch cầu này chứa nhiều histamin, và những bạch cầu này hình như có vai trò trong những bệnh dị ứng.
LYMPHO BÀO: được hình thành chủ yếu ở những hạch bạch huyết và lách. Những tế bào này có chức năng chính là sản xuất ra immunoglobulin; phân tử này tác động trực tiếp với những chất lạ và tạo thuận lợi cho việc đào thải vật lạ này trong những phản ứng dị ứng muộn và phản ứng loại mảnh ghép (miễn dịch mô tế bào). Trên các tiêu bản máu đàn nhuộm màu, thì mọi tế bào lympho trông đều giống như nhau, nhưng bằng những kỹ thuật đặc biệt ngươi ta có thể phân tách chúng ra hai loại là những tế bào lympho T (phụ thuộc tuyến ức) và tế bào lympho B (xem phần viết về tế bào này).
BẠCH CẦU ĐƠN NHÂN: có chức năng tương tự như bạch cầu hạt trung tính, đặc biệt là chức năng thực bào, nhưng khi tiếp xúc với những protein lạ thì bạch cầu đơn nhân trở thành các “đại thực bào”. Bạch cầu đơn nhân trong máu chính là tiền thân của các đại thực bào phế nang của phổi, chúng tham gia vào hệ thống lưới nội mô. Bạch cầu đơn nhân tổng hợp một số thành phần của chuỗi bổ thể, tổng hợp transferrin, interferon, và các yếu tố khác nữa. Bạch cầu đơn nhân có vai trò trong cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch qua trung gian tế bào.
TƯƠNG BÀO: giữ vai trò sản xuất các immunoglobulin lúc bình thường, nhưng đặc biệt là chúng sản xuất ra các immunoglobulin không bình thường trong bệnh đa u tuỷ xương cũng như trong bệnh macroglobulin huyết Waldenstrom, bệnh thoái hoá dạng tinh bột nguyên phát, và trong hội chứng chuỗi nặng của immunoglobulin.