Cholesterol là gì

Cholesterol là một chất sáp tìm thấy trong các chất béo (lipid) trong máu.

Hơn 200 năm trước, người ta tìm ra công thức hóa học của sạn mật, và đặt tên là Cholesterol. Cái tên Cholesterol, nếu phân tích kiểu chiết tự ra, gồm ba phần gốc chữ Hy Lạp: chole nghĩa là mật, stereos có nghĩa là chất đặc, hình khối (âm thanh nổi stereo cũng là ở gốc chữ nầy) và cái đuôi ol đặc thù do công thức hóa học.

Cholesterol thấy nhiều ở màng các tế bào trong cơ thể, giúp cho màng các tế bào được mềm mại, ổn định. Cholesterol là một thành phần của mật tiết ra từ các tế bào gan, giúp tiêu hóa các chất mỡ béo trong ruột, và cũng giúp cho việc hấp thụ các sinh tố như A, D, E, K. Cholesterol là tiền thân của sinh tố D, của nhiều chất nội tiết quan trọng, kể cả các chất nội tiết nam nữ như testosterone, estrogen, progesterone.

Phần lớn Cholesterol được tổng hợp mỗi ngày từ trong cơ thể, phần nhỏ hơn là hấp thu từ thực phẩm ăn vào.

Sơ đồ cấu trúc phân tử lipoprotein

Cholesterol là một chất béo steroid, mềm, màu vàng nhạt, có ở màng tế bào của tất cả các mô trong cơ thể, và được vận chuyển trong huyết tương của mọi động vật.

 

Lipid máu

Lipid là một nhóm các hợp chất của các alcol sinh học với các acid béo khác nhau tồn tại trong cơ thể với nhiều chức năng khác nhau. Lipid là thành phần tham gia cấu tạo tế bào, có trong mọi bộ phận của tế bào như màng tế bào, bào tương, màng ty thể, microsom. Trong cơ thể, lipid là nguồn dự trữ, cung cấp năng lượng cho cơ thể với hiệu suất cung cấp năng lượng cao nhất so với các chất khác. Lipid còn là môi trường hòa tan các vitamin tan trong dầu A, D, E, K và một số acid béo chưa bão hòa, giúp cho cơ thể hấp thu những chất rất cần thiết này. Lipid còn là tiền chất của một số hormon quan trọng do xuất phát điểm của phản ứng tổng hợp các chất này là từ cholesterol như các hormon vỏ thượng thận, các hormon sinh dục. Lipid không tan trong nước mà chỉ tan trong các dung môi hữu cơ. Tuy nhiên, lipid có thể kết hợp với các phân tử protein trở thành dạng hòa tan được trong nước và lưu hành được trong máu.

Trong cơ thể lipid được phân bố thành 3 khu vực: Các lipid cấu trúc gồm các lipid có ở các tế bào như màng tế bào, bào tương… chủ yếu là cholesterol và phospholipid. Các lipid dự trữ gồm chủ yếu là các triglycerid trong các mô mỡ. Các lipid lưu hành gồm các lipid dưới dạng các lipoprotein trong máu.

Lipoprotein máu

Để vận chuyển được trong máu cũng như trong các dịch sinh học khác, lipid phải kết hợp với protein để tạo thành phức hợp lipoprotein. Nói cách khác lipoprotein là dạng vận chuyển lipid trong cơ thể nhờ sự chuyển động của dòng máu. Phức hợp lipoprotein bao gồm cholesterol este hóa, cholesterol tự do, triglycerid, phospholipid gắn với một số protein gọi là apoprotein .

Về cấu trúc, các lipoprotein (LPs) là những phân tử hình cầu gồm 2 phần: phần nhân chứa triglycerid (TG) và cholesterol este hóa (CE) không phân cực, phần vỏ ngoài được cấu tạo bởi các phân tử lipid phân cực gồm phospholipid, cholesterol tự do và các apoprotein. Phần vỏ đảm bảo tính tan của lipoprotein trong huyết tương làm nhiệm vụ vận chuyển các lipid không tan.

 

Về phân loại, LPs huyết tương có thể được phân loại dựa trên hai phương pháp điện di hoặc siêu ly tâm. Bằng phương pháp điện di, LPs được tách thành 4 phần là α-LP, β-LP, tiền β-LP và chylomicron. Bằng phương pháp siêu ly tâm, LPs huyết tương được phân loại theo tỷ trọng và đây là cách phân loại được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực lâm sàng. Theo tỷ trọng, LPs  bao gồm các thành phần chủ yếu sau:

– Chylomicron: Là lipoprotein có kích thước lớn nhất, đường kính > 30nm, do các tế bào niêm mạc ruột tạo nên từ mỡ trong thức ăn, chứa nhiều TG ngoại lai đổ vào mạch dưỡng chấp.

– Cholesterol Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL-very low densisty lipoprotein < 1,006): chủ yếu do gan và một phần nhỏ do ruột tổng hợp, chứa nhiều TG nội sinh.

– Lipoprotein tỷ trọng trung gian (IDL-intermediary densisty lipoprotein 1,006 – 1,019): là chất dư còn lại sau chuyển hóa VLDL, dạng này được chuyển hoá tiếp ngay nên chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong máu và cũng vì vậy rất khó theo dõi và ít giá trị trong lâm sàng.

– Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – low densisty lipoprotein 1,019-1,063): đường kính 20-22nm, là dạng chuyển hóa từ VLDL và IDL, mang apoprotein B, có nhiệm vụ vận chuyển lipid đến các tổ chức. Trong phân tử này, cholesterol tự do (FC – free cholesterol) chiếm 5-10% và chính FC vừa ở dạng tự do, vừa chiếm tỷ lệ cao hơn những loại phân tử trước nó, được xem là tác nhân quan trọng nhất gây hủy hoại tế bào các mô đặc biệt là các tế bào nội mạc thành động mạch – tổn thương hóa sinh bệnh lý đầu tiên của xơ vữa động mạch.

– Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – high densisty lipoprotein): có tỷ trọng lớn nhất (1,063-1,210), đường kính 9-15nm, mang apoprotein A1, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol dư thừa từ các tổ chức về gan và được xem như là yếu tố có lợi làm giảm được lượng cholesterol cũng như lượng triglycerid trong máu.

Phân loại mức độ các thành phần lipid máu theo Hội Tim mạch học Việt Nam

Các thành phần lipid máumg%mmol/l
CT  
Bình thường< 200< 5,20
Cao giới hạn200 – 2395,20 – < 6,20
Cao≥ 240≥ 6,20
TG  
Bình thường< 150< 1,73
Cao giới hạn150 – 1991,73 – < 2,30
Cao200 – 4992,30 – < 5,75
Rất cao≥ 500≥ 5,75
HDL-C  
Thấp< 40< 1,03
Cao≥ 60≥ 1,54
LDL-C  
Tối ưu< 100< 2,57
Gần tối ưu100 – 1292,57 – < 3,34
Cao giới hạn130 – 1593,34 – < 4,11
Cao160 – 1894,11 – < 4,80
Rất cao≥ 190≥ 4,80

0/50 ratings
Bình luận đóng