CÁT SÂM


Tên khác: Sâm trâu, Sâm chào mào.
Tên khoa học: Milletia speciosa Champ.; thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Mô tả: Dây leo thân gỗ tới 5-6m. Rễ củ nạc. Cành non phủ lông mềm mịn màu trắng. Lá mọc so le, kép lông chim lẻ gồm 7-13 lá chét; lá chét non có nhiều lông. Hoa màu trắng hoặc vàng nhạt, mọc thành chùm kép ở đầu cành hay ở nách lá. Quả đậu dẹt, có lông mềm, hạt 3-5, hình gần vuông. Ra hoa tháng 6-8, quả tháng 9-12.
Bộ phận dùng: Rễ củ (RadixMilletiae Speciosae).
Phân bố sinh thái: Cây mọc hoang ở nhiều nơi vùng rừng núi chỗ dãi nắng ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Tây và cũng thường được trồng làm thuốc.
Thu hái chế biến: Vào mùa đông xuân, đào rễ củ ở những cây đã lớn khoảng trên một năm tuổi, rửa sạch, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ dọc phơi hay sấy khô. Khi dùng thái mỏng, để sống hoặc tẩm nước gừng hay nước mật, sao vàng.
Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, bổ hư nhuận phế.
Công dụng: Thường được dùng trị 1. Đau vùng lưng chân, thấp khớp; 2. Viêm phế quản mạn tính (lao phổi ho khan), phổi kết hạch; 3. Viêm gan mạn tính; 4. Di tinh, bạch đới.
Liều dùng: Ngày dùng 30-60g, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Cũng có thể tán bột uống. Người ta cũng thường dùng củ làm thuốc bổ mát, chữa nhức đầu, khát nước, bí đái.
Bài thuốc:
1. Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, ho nhiều đờm: dùng

Cát sâm (tẩm gừng sao vàng) 30g, sắc uống

2. Chữa nhức đầu, ho khan, khát nước, sốt về chiều, bí tiểu tiện: dùng Cát sâm (tẩm mật sao) 30g, sắc uống.

0/50 ratings
Bình luận đóng