Khái niệm

Nói năng lẫn lộn cũng gọi là “Ngữ ngôn điên đảo” Đan Khê tâm pháp gọi tắt là “Thác ngữ” (nói lẫn lộn). Chỉ một loại chứng trạng thần chí hoảng hốt, câu trước câu sau điên đảo lẫn lộn, hoặc là vừa nói khỏi miệng lại tự cảm thấy nói sai không tự kiềm chế được.

Chứng “Thiềm ngữ” và “Cuồng chứng” cũng biểu hiện nói năng lẫn lộn nhưng Thiềm ngữ thường phát sinh sau khi bị sốt cao, người bệnh thần chí lơ mơ. Nói năng lẫn lộn thì ở trong tình huống không có nhiệt chứng: người bệnh thần chí hoảng hốt hoặc tỉnh táo. Còn chứng Cuồng thì chửi bới bất kể thân sơ, có hiện tượng vứt áo, trèo cao, cuông cuồng. Chứng này so với chứng nói năng lẫn lộn đơn thuần cũng có chỗ khác nhau. Tài liệu này xếp hai chứng “Phát cuồng” và “Thiềm ngữ” thành chuyên mục riêng.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Nói năng lẫn lộn do Tâm Tỳ đều suy: Có chứng nói năng lẫn lộn, sắc mặt không tươi, thần chí mỏi mệt, chân tay rã rời, ăn kém hồi hộp hay quên, mất ngủ, dễ sợ hãi, tiếng nói thấp khẽ, lưỡi nhợt, mạch Tế.
  • Nói năng lẫn lộn do Can uất khí kết: Có chứng nói năng lẫn lộn, tình tự ức uất, ít nói, ngực sườn trướng đầy, hay thở dài, có lúc dễ cáu giận, rêu lưỡi mỏng, mạch Tế Huyền.
  • Nói năng lẫn lộn do ứ huyết quấy rối Tâm: Có chứng nói năng lẫn lộn thường phát sinh trong quá trình hành kinh, hoặc kèm theo chứng Thông kinh, kinh nguyệt không đều, hoặc phát sinh thời kỳ sau khi đẻ máu hôi dầm dề không dứt, chất lưỡi tối trệ hoặc có nốt ứ huyết, mạch Sắc.
  • Nói năng lẫn lộn do đờm thấp ngăn trở ở trong: chứng nói năng lẫn lộn hoặc lẩm bẩm tự nói một mình, tinh thần trì trệ choáng váng buồn nôn, kém ăn, ngực bụng trướng đầy, rêu lưỡi trắng dầy và nhớt, chất lưỡi bệu, mạch Nhu hoặc Hoạt.

Phân tích

  • Chứng Nói năng lẫn lộn do Tâm Tỳ đều suy: Gây nên chứng này là do tư lự kéo dài quá mức, sở nguyện không đạt, Tâm chủ thần, Tỳ chủ tư. Nghĩ ngợi quá độ Tâm âm bị hao ngấm ngầm, Tỳ khí tổn thương dẫn đến Tâm Tỳ khí huyết đều suy, thần minh rối loạn mà xuất hiện chứng nói năng lẫn lộn. Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc viết: “Có khi do tư lự mệt nhọc thương Tâm Tỳ đến nỗi hay quên hỏng việc, nói nằng điên đảo như si như ngây”. Yếu điểm biện chứng là: nói năng lẫn lộn, lìm lịm ít nói, kiêm chứng sắc mặt không tươi mất ngủ, sợ sệt hay quên, biếng ăn là những chứng trạng do Tâm Tỳ khí huyết đều hư. Điều trị nên điều lý Tâm Tỳ, bổ khí dưỡng huyết chọn dùng phương Quy Tỳ thang.
  • Chứng Nói năng lẫn lộn do Can uất khí kết: Chứng này thường do tổn thương tinh thần, tình tự kích thích khiến cho Can khí mất sự sơ tiết uất kết không giải. Chí của Can là giận, bệnh của Can là tiếng nói, Can uất thì nói năng lẫn lộn. Lâm sàng biện chứng: nói năng lẫn lộn tình chí ức uất, ngực đầy, hay thở dài, mộng mị lung tung dễ cáu giận. Chứng này với chứng Nói năng lẫn lộn do Tâm Tỳ đều hư về nguyên nhân bệnh giống nhau nhưng cơ chế bệnh khác nhau. Nói năng lẫn lộn do Tâm Tỳ đều hư vị trí bệnh ở Tâm Tỳ, cơ chế bệnh chủ yếu là khí huyết đều hư. Nói năng lẫn lộn do Can uất khí kết vị trí bệnh ở tạng Can, cơ chế bệnh là khí cơ uất trệ. Loại trên thuộc Hư chứng. Loại sau thuộc Thực chứng, hai chứng này khác nhau rất xa.
  • Chứng Nói năng lẫn lộn do ứ huyết quấy rối Tâm:

Cơ chế bệnh của chứng này như Chứng trị vâng bổ có viết: ‘‘Có trường hợp người phụ nữ kinh thủy băng lậu, huyết khí che lấp Tâm hoặc sau khi đẻ máu hôi xông lên dẫn đến nói năng lẫn lộn”. Sách Thọ thế bảo nguyên cũng viết: “Huyết băng ác lộ không dứt, huyết ứ trong bụng nhói đau, huyết trệ phù thũng, huyết vào Tâm kinh nói năng điên đảo”. Phần nhiều do ứ huyết kết ở trong ảnh hưởng đến vận chuyển của huyết. Tâm chủ huyết, chủ về thần minh, huyết ứ kết thì tinh thần không yên, nói năng rối loạn, phần nhiều phát sinh ở con gái. Đặc điểm lâm sàng là: nói năng lẫn lộn thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và sau khi đẻ, đau bụng, lưỡi có nốt ứ huyết, mạch sắc là những điểm chủ yếu để biện chứng. Điều trị dùng phép hoạt huyết hành ứ, chọn dùng các phương Đào hồng Tứ vật thang, Quế chi phục linh hoàn…

  • Chứng Nói năng lẫn lộn do đờm thấp ngăn trở ở trong: Do thể chất vốn đờm thấp quá thịnh, hoặc uống đồ lạnh tích thấp thành đờm, hoặc Can Tỳ uất trệ tích tụ lại nung nấu thành đờm với thấp ngăn trở thanh khiếu, thần minh vì thế mà rối loạn cho nên thấy nói năng lẫn lộn. Yếu điểm biện chứng là: ngoài chứng nói năng lẫn lộn ra còn có các chứng trạng đờm thấp ngăn trở ở trong như đầu choáng, buồn nôn, chán ăn, ngực bụng trướng đầy, rêu lưỡi nhớt. Điều trị nên táo thấp hóa đàm tiêu trọc, chọn dùng •phương Thập vị ôn Đởm thang gia vị.
  • Chứng Nói năng lẫn lộn phát sinh có quan hệ chặt chẽ với ba tạng Tâm, Can, Tỳ. Thực chứng phần nhiều do đờm thấp, ứ huyết, khí trệ ngăn lấp Tâm khiếu, thần minh mê loạn cho nên nói năng lẫn lộn. Hư chứng do tư lự quá độ, Tâm Tỳ khí huyết đều hư gây nên . Căn cứ vào những đặc điểm cơ chế bệnh biểu hiện lâm sàng như nói ở trên rất dễ chẩn đoán phân biệt.

Trích dẫn y văn

Chứng Điên phần nhiều do ức uất không toại nguyện, ngẩn ngơ, chán nản gây nên, tinh thần hoảng hốt, nói năng rối loạn hoặc hát hoặc cười, hoặc buồn khóc như say như cuồng, nói năng không có đầu đuôi, vật sạch bẩn không phân biệt, quanh năm không khỏi đều do đờm uất vít tắc Tâm bào, thần không chốn yên, tục gọi là đờm mê Tâm khiếu, chủ yếu phải an thần quét đờm, trước hết dùng Không diên đan để làm mửa ra đờm dãi, sau đó uống thuốc an thần (Trương thị y thông – Thần chí môn).

Nói năng không mạch lạc thường hay cười đùa nhưng không phát cuồng, đó là do Tâm hư dùng Định chí thang gia Khương chấp, Trúc lịch. Vùng Cách hơi đau là có kiêm ứ huyết gia Hổ phách, uất kim.

Bệnh Điên lúc mới phát thần chí và ý thức không vui, thậm chí tinh thần ngơ ngác, nói năng không thứ tự nhưng giấc ngủ bình thường đó là tà khi dồn vào phần âm (Y gia tứ yếu).

0/50 ratings
Bình luận đóng