CÀ PHÁO


Tên khoa học: Solanum undatum Lam., thuộc họ Cà (Solanaceae).
Mô tả: Cỏ cứng cao đến 2,8m, có ít gai, có lông ở phần non. Lá thường không gai, dài 6-12cm, có thuỳ, có lông dày sát, cuống 1-3cm. Cụm hoa Xim thưa ngoài nách lá, 1-4 hoa mà 1 sinh sản; cánh hoa màu trắng hay tím, rộng 2cm. Quả mọng trong, to 1,5cm, trắng có bớt xanh; hạt hình đĩa, rộng 2,5mm.
Bộ phận dùng: Quả (Fructus Solani Undati).
Phân bố sinh thái: Cây của vùng Trung á được trồng lấy quả rất phổ biến ở các gia đình nông thôn các tỉnh phía Bắc và cả ở phía Nam, được nhân dân ta từ nông thôn đến thành thị đều ưa chuộng. Việt Nam ta có trồng thứ Cà tứ thời cho quả quanh năm.
Tính vị, tác dụng: Trong y học dân gian, quả Cà được xem như có vị ngọt, tính lạnh, có ít độc, có tác dụng tán huyết ứ, tiêu sưng viêm.
Công dụng: Quả Cà xanh có thể luộc ăn, làm nộm, ăn xào. Quả già dùng muối xổi để ăn dần; nếu muối mặn để được hằng năm, ăn dòn như nổ trong miệng. Quả Cà muối cũng được dùng để chữa:
Bài thuốc:  
1. Đau răng, viêm lợi:  lấy Cà muối lâu năm đốt tồn tính, xát than này vào răng, lợi.
2. Chín mé ở ngón tay, ngón chân: dùng

quả Cà muối, khoét 1 lỗ vừa cho lọt ngón tay hoặc bổ đôi quả cà đút ngón tay bị chín mé vào, băng lại, ngày 1 lần.

Ghi chú: Những người yếu nên kiêng, vì ăn nhiều thì động khí sinh ốm, đàn bà ăn nhiều thì hại tử cung.

0/50 ratings
Bình luận đóng