I – KHÁI NIỆM VỀ BÀO CHẾ, CHẾ BIẾN ĐÔNG DƯỢC.

 1.1. Định nghĩa

Theo y học hiện đại:
Bào chế học là môn khoa học chuyên nghiên cứu về kỹ thuật điều chế các dạng thuốc nhằm mục đích phòng và chữa bệnh cho người
Môn bào chế cung cấp những kiến thức và kỹ năng cơ bản về kỹ thuật điều chế, kiểm tra, bảo quản các dạng thuốc.
Tuy nhiên, bào chế đông dược không chỉ bao gồm các dạng thuốc mà còn bao gồm cả các vị thuốc.
Bào chế đông dược là sử dụng chế hoá cơ học, chế hoá lý hoá hoặc sinh tổng hợp nhằm thay đổi hình dạng, lý tính, dược tính của các nguyên liệu có  nguồn gốc tự nhiên từ động vật, thực vật hoặc khoáng vật để đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất, bảo quản, kinh doanh, nâng cao hiệu quả phòng bệnh, điều trị bệnh và nâng cao thể trạng con người.
 Bản chất của bào chế chủ yếu gồm chế hoá lý hoá và chế hoá cơ học.
 Bản chất chế hoá cơ học là lực tác động như: Thái, bào, tán, rây… nhằm thay đổi hình dạng, kích thước, hình dáng, bề mặt tiếp xúc, hình khối v.v.. của thuốc
 Bản chất chế hoá lý hoá là quá trình tác động của các yếu tố vật lý như nhiệt độ, áp suất, ánh sáng kèm theo đó là các quá trình hoá học xảy ra (pH, thuỷ phân, bay hơi, thăng hoa, loại trừ, tổng hợp v.v..). Hoả chế, thuỷ chế, thuỷ hoả hợp chế, rán dầu, khúc, chế sương thuộc chế hoá lý hoá. Nó bao gồm các phương pháp bào chế như: Sao trực tiếp, sao có thêm chất trung gian truyền nhiệt, trích ( tẩm rượu, giấm, gừng, mật, muối, đồng tiện, nước vo gạo, hoàng thổ, nước đậu đen…), thuỷ phi (nghiền dược liệu trong nước), thuỷ bào, hơ, chích, đốt, lùi, nung, sắc, ngâm, hãm, hầm, nấu, đồ, chưng, ủ,  làm trong v.v…
Tuy nhiên trong quá trình bào chế, hai cơ chế chế hoá  lý hoá và chế hoá cơ học thường được sử dụng xen kẽ với nhau.
Nói chung bào chế, chế biến thuốc là công việc biến đổi tính chất thiên nhiên của dược liệu thành những vị thuốc có giá trị phòng bệnh và trị bệnh tốt nhất
Tóm lại: Chế biến thuốc cổ truyền là phương pháp tổng hợp của việc dùng nước – lửa, phụ liệu để làm cho vị thuốc từ trạng thái thiên nhiên trở thành trạng thái có thể sử dụng để phòng, trị bệnh và nâng cao thể trạng cho con người.

1.2. Nội dung nghiên cứu môn bào chế

Nội dung nghiên cứu của môn Bào chế  Đông dược là tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình chế biến của các dược liệu thành các chế phẩm và dạng thuốc, sao cho các thành phẩm đó dễ bảo quản, kinh doanh, tiện sử dụng và phát huy tối đa phòng bệnh và chữa bệnh
Như vậy, nội dung nghiên cứu của môn bào chế là rất rộng và dựa trên các vấn đề cơ bản sau đây:
– Nâng cao kỹ thuật trên cơ sở cải tiến phương pháp bào chế cổ điển dựa trên những thành tựu của khoa học, công nghệ
– Nghiên cứu triển khai từ qui mô phòng thí nghiệm đến qui mô công nghiệp
– Nghiên cứu để tìm ra các tác dụng mới, các dạng thuốc mới, bảo quản thuốc tốt hơn.
– Nghiên cứu về kiểm nghiệm và bảo quản các dạng thuốc nhằm bảo đảm chất lượng thuốc.

1.3. Mối liên quan giữa môn bào chế với các môn khoa học khác

Bào chế học là môn khoa học ứng dụng, vì vậy đòi hỏi người ứng dụng phải có những kiến thức các môn khoa học cơ bản và các môn học chuyên môn nghiệp vụ khác. Có thể khẳng định rằng Bào chế học là tổng hợp những phát minh có giá trị của các ngành khoa học kỹ thuật khác. Mối liên quan giữa bào chế với các môn khoa học khác được thể hiện qua sơ đồ sau:

https://hoibacsy.vn
0/50 ratings
Bình luận đóng