Dược liệu – những chặng đường đã qua (*). Có thể nhắc đến một số sự kiện đáng nhớ sau đây để làm cơ sở cho quy hoạch tương lai: – Phong trào sử dụng thuốc nam ở Nam bộ, lấy “toa căn bản” làm xuất phát điểm đi đôi với việc sưiu tầm các bài thuốc thông dụng và bài thuốc hay trong nhân dân.phong trào dùng đông dược ở Khu 4 và khắp các vùng khác trong cả nước.
– Viện Đông y và Viện dược liệu gần như cùng một lúc được thành lập vào những năm đầu 60 của thế kỷ trước,.  Tư tưởng “Nam dược trị Nam nhân” của Đại danh y Tuệ Tĩnh đã trở thành phương châm hành động cơ bản của ngành y học Việt nam.  Sau đó, Trạm dược liệu các tỉnh lần lượt được thành lập.

– Cuộc điều tra dược liệu sâu rộng, với quy mô lớn ở miền Bắc và sau đó ở miền Nam (khi Tổ quốc hoàn toàn giải phóng) đã giúp cho ngành y tế có được cái nhìn toàn diện về tiềm năng dược liệu nước ta.
– Di thực có tính chất đại trà (khoảng gần 150 loài cây –CTQ) từ Trung quốc và các nước cùng với việc thành lập Trại cây thuốc Văn Điển (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phú), Sa Pa (Lào Cai) rồi Đà lạt cùng với nhiều vườn cây thuốc các tỉnh, huyện, cơ sở y tế cho đến tận Trạm y tế xã phường, nhiều khu vực trồng cây tinh dầu (bạc hà, hương nhu…). Việc ra đời cơ sở khai thác tinh dầu Tràm ở Mộc hoá (Long an) đánh dâú một giai đoạn quan trọng trong lịch sử dược liệu.  Đơn vị nghiên cứu Sâm sau đổi thành Trung tâm Sâm Việt nam cũng được khai sinh trong giai đoạn này.
– Hệ thống Công ty, Xí nghiệp chuyên về dược liệu và đông dược đã được hình thành như Công ty Dược liệu (ở Hà Nội, Tp HCM sau ngày giải phóng), XNTW3 Hải Phòng, XNTW26… Công ty Vimedimex ra đời với hoạt động chủ yếu dựa trên dược liệu và tinh dầu.
– Nhiều Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia cũng như cấp Bộ (Chương trình 64C tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc…).
Tuy chưa kể hết nhưng những sự kiện trên cho thấy tầm quan trọng của dược liệu và vấn đề dược liệu luôn đựơc đặt lên hàng đầu mỗi khi ngành y tế bàn đến dược phẩm.
Thực trạng hôm nay (*).
Trước sự tấn công ồ ạt của các mặt hàng hoá dược nhất là thuốc nhập cảng, trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, dược liệu đã dần dần bị thuốc Tây lấn lướt. Nếu còn chăng, đó là cách ăn xổi, tận thu hối hả những tinh dầu và cây thuốc được sơ bộ chế biến mà nước ngoài có nhu cầu, để xuất cảng lấy một ít ngoại tệ. Đông dược Trung quốc tràn vào nước ta, từ thuốc chín (thuốc Bắc) đến thành phẩm, ngay cả những mặt hàng chế biến từ nguyên liệu thô mà các Công ty dược liệu Việt nam đã bán ra, với tên hấp dẫn và mẫu mã đẹp , ngày càng nhiều đến mức mà cơ quan quản lý của ta bị động, khó kiểm tra được xuất xứ và chất lượng, cứ để trôi nổi, mặc cho chúng hoành hành trên thị trường mãi dến bay giờ.
Trong hoàn cảnh đó, thật đáng buồn là mỗi khi một mặt hàng đông dược do một cơ sở trong nước sản xuất ra, khi thấy ít nhiều hiệu nghiệm, đựơc thầy thuốc và nhân dân tín nhiệm, liền có nhiều doanh nghiệp khác lao vào, không phải tiếp tay phát triển thêm mà “nhái”  để có thể chia thị phần.
Tiềm năng dược liệu nước ta là to lớn nhưng chưa được khai thác một cách khoa học và có bài bản, đến nơi đến chốn. Cho nên dược liệu, cây thuốc của ta, dù có hay, có giá trị cũng gần như là huyền thoại, theo kiểu “ngọc còn ẩn mình trong đá”, cần phải có khối óc của một độ ngũ dược sĩ và các cán bộ khoa học khác làm sáng tỏ và chứng minh giá trị của nó. Sự kiện của cây Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua) đặt vấn đề cho chúng ta suy nghĩ.  Một cây mọc hoang trên biên giới Việt- Trung hàng trăm năm nay, được bao nhiêu thế hệ dùng để chữa sốt, nhưng phải qua những công trình của Trung quốc vào những năm đầu thập kỷ 80 mới phát hiện và xác định dược tác dụng hiệu nghiệm chữa sốt rét của Artemisinin.  Sự kiện gần đây của cây Kim tiền thảo (Desmodyum styracifolium), cây Bạch quả (ginkgo biloba), cây thông “if” cũng là những ví dụ tương tự.
Một số suy nghĩ về chặng đường sắp tới (*).
Chọn con đường dược liệu làm chiến lược phát triển có nhiều ưu thế hơn nếu so sánh với con đường hoá chất.  Phát triển trong lĩnh vực dược liệu có thể coi như đá bóng trên sân nhà, vốn sẵn kinh nghiệm dân gian, lại có thực địa thích hợp với nguồn nguyên liệu phong phú, có thể chấp nhận để chen vai với người vì đây là thế mạnh và đúng là mũi nhọn.
Trước hết, cần thiết phải khẳng định dược liệu là chiến lược lâu dài phát triển ngành dược nước ta hay nói một cách khác , đây là một bộ phận trọng yếu của chiến lược ngành dược. Sau đó, những yêu cầu sau đây cần được xúc tiến nghiêm túc:
– Cần làm cho mọi người thông suốt để biến thành hành động thể hiện trong mọi kế hoạch có liên quan nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi về nhân sự, ngân sách, phương tiện, đầu tư…
– Phác hoạ và thực hiện một chương trình nghiên cứu liên tục với những đề tài thiết thực, gắn liền nghiên cứu và sản xuất….
– Xây dựng và phát triển những trang trại trồng và cung ứng cây thuốc nguyên liệu, với những kiến thức và phương pháp hiện đại, đảm bảo một đầu ra vững chắc, cung ứng nguyên liệu cho bào chế đông tây dược và thuốc chín.
– Đưa sản phẩm ra  thị trường đồng thời có kế hoạch nghiên cứu, cải tiến để có những sản phẩm có

giá trị cao hơn.

Hiện nay, những điều trên đang được thực hiện ít nhiều, nhưng không đồng bộ, mỗi nơi làm theo một cách riêng, không phối hợp theo một chủ đích và kế hoạch chung nên không tạo được sức mạnh tổng hợp mà có khi còn gây rối ren, lộn xộn.  Đặc biệt, thuốc đã không được quản lý như một thể thống nhất mà lại chia làm 2 mảng tây dược và đông dược, mỗi mảng có một chế độ và chính sách khác nhau cũng như do hai cơ quan quản lý khác nhau.
Tại Hội nghị này, được mệnh danh là Hội nghị toàn quốc lần thứ 1 về phát triển dược liệu của thế kỷ XXI, tuy chậm 2 năm, chúng tôi ước mong vấn đề tuy cũ nhưng được đặt ra với một tinh thần và khí thế hoàn toàn mới để làm nổi bật một yêu cầu “Dược liệu làm nền tảng” của ngành dược nước ta, góp phần chủ yếu làm cho ngành dược trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn, đúng với ý nghĩa của chiến lược ngành đã đựơc Chính phủ phê duyệt.
(*) Đề mục của CTQ.
         
TS. Nguyễn Duy Cương (Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Dược học VN)_ Cây thuốc quý

5/51 rating
Bình luận đóng