KHÚC KHẮC

Smilax
Các nước Á Đông cũng như các nước ở châu Âu đều có dùng thân rễ của một số loài thuộc chi Smilax, họ Khúc khắc – Smilacaceae.

Đặc điểm thực vật chi Smilax.
Cây bụi leo, thân rễ có thể phình to, lá mọc so le, có 3-7 gân hình cung nổi rõ xuất phát từ gốc lên đến đỉnh lá. Đặc biệt mỗi cuống lá có mang 2 tua cuốn do lá kèm biến đổi. Hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, họp thành cụm hoa hình tán, mỗi hoa có 3 lá đài, 3 cánh hoa, 6 nhị đính vào gốc cánh hoa. Bầu 3 ô, mỗi ô có 1-2 noãn, vòi ngắn, núm chia 3. Quả mọng hình cầu.
Các loài dùng ở Á Đông:
Smilax glabra Roxb. được mang tên là Thổ phục linh còn gọi là thổ tỳ giải. Vị thuốc này được ghi trong Dược điển đông y Trung quốc. Cây thổ phục linh có thân leo dài 4-5 m, nhỏ, nhẵn, không có gai. Lá trái xoan thuôn, đỉnh nhọn, gốc nhọn, có 3-5 gân chính xuất phát từ gốc đến đỉnh lá. Lá nhẵn, mặt dưới lá thường có lớp sáp trắng, cuống lá dài 1-1,5cm. Lá kèm biến thành 2 tua cuốn tiêu giảm thành mũi nhọn ngắn, có khi kéo dài. Hoa đơn tính khác gốc. Cụm hoa tán mọc ở nách lá, cuống chung 2-5 mm. Cuống hoa nhỏ dài 1-1,5 cm. Ra hoa mùa hạ. Quả mọng, đường kính 6-8 mm, màu đỏ.

Cây này mọc hoang ở các đồi núi nước ta. Thu hoạch vào cuối thu, sang đông. Đào lấy thân rễ (thường ăn sâu đến 1m hoặc hơn), cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch, thái thành lát mỏng, hoặc để nguyên phơi khô. Dược liệu (nguyên) sau khi chế biến thì hình thù không nhất định, to nhỏ không đều, thường hình trụ dẹt dài có thể đến 20 cm, rộng đến 5 cm. Mặt ngoài nâu nhạt, xù xì, thường có vết dao gọt và phần còn lại của rễ phụ, phần trên có vết của thân. Chất cứng khó bẻ, chỗ bẻ có chất bột, không mùi, vị nhạt. Thổ phục linh có bột nhiều là loại tốt. Khi cần thái thì phải ngâm nước cho mềm (thay nước cho khỏi thối) thái, sau đó phơi khô ngay.
Smilax china Lin. có tên là bạt khế, kim cang hay bạch phục linh (đừng nhầm với bạch linh hay phục linh- Poria cocos Wolf.). Cây này khác cây Smilax glabra Roxb. ở chỗ là thân có gai thưa. Lá hình trứng tròn dài 3-6 cm, rộng 2-5 cm, gốc lá đột nhiên thót thành mũi nhọn.
Ở Trung Quốc còn dùng thân rễ loài Smilax sieboldii Miq.
Các loài dùng ở châu Âu:
Smilax medica Schecht. et Cham.
Smilax aristolochiaefolia Mill.
Smilax ornata Kook.
Smilax aspera L.


Thành phần hoá học.
Thân rễ các loài Smilax thường có tinh bột, giàu các chất vô cơ. Thành phần đáng chú ý là các saponosid steroid :
-Từ S.medica Schlecht. et Cham. người ta đã chiết được sarsasaponosid ở dạng kết tinh. Chất này có phần sapogenin là sarsasapogenin (xem phần đại cương), phần đường gồm D- glucose và L- rhamnose.
– Từ S.ornata Hook. f. người ta đã phân lập được smilasaponosid có phần aglycon là smilagenin.
– Từ S. aristolochiaefolia Mill. đã phân lập được parillin có phần aglycon là sarsasapogenin và phần đường gồm có 3 glucose và một rhamnose. Năm 1969 R.Tschesle và các cộng sự đã phân lập thêm một saponosid khác là sarsaparillosid.
Các loài ở Á Đông, có một số tài liệu nói có saponin nhưng chưa được nghiên cứu kỹ. Riêng loài S. glabra Roxb. thì có một số chất sau đã được phân lập từ thân rễ: astilbin, engeletin, 0(3)-caffeoylshikimic acid, shikimic acid, ferulic acid, b -sitosterin. Từ lá sau khi thủy phân có quercetin và kaempferol.
Công dụng
    Y học dân tộc cổ truyền dùng vị thổ phục linh để chữa thấp khớp, đau xương, thuốc bổ gân cốt, thuốc lợi tiểu, tẩy độc cơ thể, chữa mụn nhọt, lở ngứa, chữa giang mai. Liều dùng 10-20g hoặc có thể cao hơn dưới dạng thuốc sắc.
    Ở phương Tây, những vị thuốc Smilax do người Tây Ban Nha đưa vào châu Âu vào thế kỷ XVI. Họ cũng dùng tương tự như Á Đông: chữa thấp khớp, một số bệnh ngoài da, chữa giang mai, thông tiểu, tẩy độc cơ thể, giúp cho sự hấp thu các  thuốc khác. Ở Mỹ, Smilax còn được dùng để chế các loại nước uống không chứa rượu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

 

0/50 ratings
Bình luận đóng