Bù dẻ
Loài phân bố ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia, Philippin. Gặp nhiều ở miền Nam nước ta, trong các rừng còi và rừng thưa đến 700m từ Quảng Nam – Đà Nẵng qua các tỉnh Tây Nguyên đến Tây Ninh, Đồng Nai.
Bù dẻ, Bù dẻ hoa đỏ, Bồ quả hoe, Dây dũ dẻ – Uvaria rufa Blume, thuộc họ Na – Annonaceae. Mô tả: Dây leo có thể lên rất cao. Lá thuôn, tròn hay hình tim ở gốc, có mũi ngắn, dài 11cm,
rộng 4cm, ráp ở mặt trên do có nhiều lông hình sao ngắn; mịn ở mặt dưới vì có lông mềm màu hung. Hoa đỏ, xếp 1-2 cái ở trên các trục. Quả đại chín có cuống dài, hình trụ, vặn, hơi có lông nhung, dài 15mm. Hạt 17, xếp hai dây, màu nâu nâu.
Bộ phận dùng: Rễ – Radix Uvariae Rufae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Inđônêxia, Philippin. Gặp nhiều ở miền Nam nước ta, trong các rừng còi và rừng thưa đến 700m từ Quảng Nam – Đà Nẵng qua các tỉnh Tây Nguyên đến Tây Ninh, Đồng Nai.
Tính vị, tác dụng: Chưa có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả ăn được, có vị chua. Hoa rất thơm. Rễ cũng được dùng nấu nước cho phụ nữ sinh đẻ uống như là thuốc bổ dưỡng để hồi phục sức khoẻ.
Bù dẻ hoa nhỏ
Bù dẻ hoa nhỏ, Kỳ hương – Uvaria micrantha (A.DC.). Hook.f. et Thoms., thuộc họ Na – Annonaceae.
Mô tả: Dây leo 5-6m. Nhánh mảnh, lúc đầu có lông hình sao màu hung, sau hoàn toàn nhẵn. Lá có hình ngọn giáo hẹp, nhọn hai đầu, xanh đậm ở mặt trên, màu hoe ở mặt dưới; mặt trên nhẵn, trừ ở gân giữa có ít lông hình sao, mặt dưới có lông hình sao, nhiều nhất là trên gân giữa; gân bên 10-12 đôi; cuống lá mảnh, dài 2-3mm, phủ lông hình sao. Hoa 1-3 cái nhỏ; cuống hoa mọc đối diện với lá; 6 cánh hoa, các cánh trong nhọn; nhị nhiều; lá noãn nhiều, bầu hình trụ cho ra quả mọng hình trái xoan không lông, chứa 1-6 hạt đỏ. Ra hoa quả tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Rễ và lá – Radix et Folium Uvariae Micranthae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bổ ở Mianma, Lào, Campuchia, Thái Lan, Audaman, Malaixia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở Quảng Bình, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Rễ có mùi thơm, có tác dụng thông hơi, lợi tiêu hoá và giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ cây dùng làm thuốc bổ, giúp tiêu hoá. Thường dùng chữa chứng đầy bụng, khó tiêu và chữa đau lưng nhức mỏi. Liều dùng: 15-20g, dạng thuốc sắc.
Bù dẻ lá lớn
Bù dẻ lá lớn, Nam kỳ hương, Dất lông – Uvaria cordata (Dunal) Wall. ex Alston (U. macrophylla Roxb.), thuộc họ Na – Annonaceae.
Mô tả: Cây bụi leo hay dây leo cao 5-6m; cành non có lông hung đỏ. Lá hình trứng ngược, gốc hình tim, chóp nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có nhiều lông hung đỏ. Hoa mọc thành cụm 2-4 cái, đối diện với lá, hay ở ngọn. Mỗi hoa có 3 lá dài; 5 cánh hoa đều có lông ở cả hai mặt; nhị nhiều; lá noãn nhiều, có lông, khi chín hình tròn, bóng nhẵn, chứa 8-10 hạt. Hoa tháng 6-8.
Bộ phận dùng: Lá và rễ – Folium et Radix Uvariae Cordatae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Thái Lan, Malaixia, Xrilanca, Inđônêxia và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở bìa rừng, tới độ cao 700, từ Bắc Thái, Hà Tây qua Quảng Trị, các tỉnh Tây Nguyên đến Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Kiên Giang. Thu hái lá và rễ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Rễ có vị cay, đắng, tính bình; có tác dụng trừ phong thấp, bổ gân cốt. Lá có vị nhạt, hơi thơm, tính bình; có tác dụng tán ứ tiêu thũng, ngừng ho.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng trị: 1. Khó tiêu, đầy bụng, ỉa chảy; 2. Phong thấp, lưng gối mỏi, chấn thương, bị thương. Liều dùng 15-20g rễ hoặc 10-15g lá, dạng thuốc sắc. Lá có thể dùng tươi giã đắp hoặc phơi khô tán bột dùng rịt. Đồng bào Tây Nguyên thường dùng lá làm men chế rượu.
Bù dẻ trườn
Bù dẻ trườn, Bồ quả trái nhỏ- Uvaria microcarpa Champ. et Benth.(U. macrophylla Roxb. var. microcarpa(Champ. ex Benth.) Finet et Gagnep.) thuộc họ Na -Annonaceae.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ mọc trườn, cao 4-5m; nhánh già đen, nhánh non đầy lông vàng. Lá có phiến dài 10-15cm, bóng, mặt trên màu ôliu đậm, gân phụ 12-13 cặp, mảnh; cuống có lông mịn, dài 10-15mm. Hoa 1-2 cái ngoài nách; cuống vào cỡ 1cm; lá đài có lông hình sao, dính nhau ở gốc; cánh hoa 6, bằng nhau, to bằng 3 lá đài; nhị lép ở lớp ngoài; lá noãn có lông hình sao. Quả có cuống, dài 2,5cm; hạt 17. Hoa tháng 5-7.
Bộ phận dùng: Rễ và lá – Radis et Folium Uvariae Microcarpae.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc từ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đến Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang. Thu hái lá vào mùa hè, mùa thu; thu hái rễ quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, ngọt, tính hơi ấm; có tác dụng lợi tiêu hóa, kiện tỳ hành khí, trừ thấp, giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Được dùng trị: 1. Tiêu hóa kém, đầy bụng, ỉa chảy; 2. Đòn ngã bị thương, đau lưng. Dùng rễ 15-20g, lá 10-15g, dạng thuốc sắc. Lá có thể giã tươi hoặc phơi khô nghiền thành bột dùng đắp.