Bứa

Bứa lá tròn dài – Garcinia oblongifolia Champ. ex Benth., thuộc họ Măng cụt – Clusiaceae. Mô tả: Cây gỗ thường xanh cao 6-7m. Cành non thường vuông, xoè ngang và rủ xuống.Lá hình thuẫn, hơi dài, đuôi nhọn, chóp dài, mép nguyên, nhẵn bóng, có nhiều điểm mờ. Hoa đực mọc thành cụm 3-5 hoa ở nách lá, 4 lá đài và 5 cánh hoa, 20 nhị có chỉ nhị ngắn. Hoa lưỡng tính có lá đài và cánh hoa như ở hoa đực, màu hơi vàng hoặc trắng; bầu 4 (6-10) ô, hình cầu, vòi ngắn. Quả mọng mang đài tồn tại; vỏ quả dày, có khía múi, khi chín màu vàng, phía trong hơi đỏ chứa 6-10 hạt. Mùa hoa quả tháng 3-6.

Bộ phận dùng: Vỏ – Cortex Garciniae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang trong rừng thứ sinh của các tỉnh từ Hà Tuyên, Vĩnh Phú đến

Quảng Nam – Đà Nẵng. Cũng thường được trồng lấy lá tươi và quả nấu canh chua. Thu hái vỏ quanh năm, cạo bỏ lớp vỏ ngoài, thái nhỏ, phơi khô.

Tính vị, tác dụng: Vỏ có tính săn da và hơi đắng, mát, hơi độc, có tác dụng tiêu viêm, hạ nhiệt, làm săn da, hàn vết thương.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá có vị chua thường được dùng thái nhỏ nấu canh chua. Hạt có áo hạt chua, ăn được, cũng dùng nấu canh chua. Vỏ thường dùng trị: 1. Loét dạ dày, loét tá tràng; 2. Viêm dạ dày ruột, kém tiêu hoá; 3. Viêm miệng, bệnh cặn răng; 4. Ho ra máu. Dùng ngoài trị bỏng, mụn nhọt, sâu quảng, eczema, dị ứng mẩn ngứa, rút các vết đạn đâm vào thịt. Liều dùng 20-30g dạng thuốc sắc, dùng ngoài giã vỏ tươi đắp. Nhựa bứa dùng trị bỏng.

Đơn thuốc:

1.  Viêm dạ dày ruột, kém tiêu hoá: Vỏ cây Bứa sắc đặc cô đặc lấy 50%; hàng ngày uống 30ml.

2.  Bỏng: Nhựa Bứa pha dầu làm thành cao lỏng, bôi ngày 1-2 lần.

Bứa mọi

Bứa mọi- Garcinia harmandii Pierre, thuộc họ Bứa – Clusiaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 6-10m, phân nhánh nhiều từ gốc, có vỏ vàng vàng. Lá thuôn, hình trứng ngược hay hình ngọn giáo ngắn, có góc ở gốc, có mũi nhọn ở đầu, nguyên đai, dài 4-10 cm, rộng 15- 30mm; cuống ngắn. Hoa vàng vàng, hầu như không cuống; hoa đực xếp thành nhóm 3-6; hoa cái đơn độc. Quả có đường kính 10-20mm, màu tía, hơi dẹp giữa các hạt; hạt 2, có phôi to màu lục.

Ra hoa tháng 2-3, có quả tháng 3.

Bộ phận dùng: Vỏ – Cortex Garciniae.

Nơi sống và thu hái: Loài đặc hữu và phổ biến ở Nam Việt Nam, Campuchia và Nam Lào. Ở nước ta, cây mọc hoang trong rừng ở độ cao thấp từ Khánh Hoá tới Đồng Nai, Tây Ninh.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả có nạc ngon, mùi thơm, vị ngọt, dùng ăn được. Vỏ chát được nhân dân Campuchia dùng ăn với trầu. Người ta phối hợp với nhiều vị thuốc khác trị ỉa chảy.

Ghi chú: Còn có loài Bứa Lanessan – Garcinia lanessanii Pierre mọc ở rừng Tây Ninh, có vỏ dùng để nhuộm; ở Campuchia, cây này có nhiều Công dụng, chỉ định và phối hợp.

Bứa mủ vàng

Bứa mủ vàng – Garcinia xanthochymus Hook. f. ex J. Anderson thuộc họ Bứa – Clusiaceae.

Mô tả: Cây gỗ lớn; nhánh non vuông, vàng vàng hay nâu. Lá có phiến thuôn, to, dài đến 30cm, rộng 6-8 cm, dày bông, gân phụ nhiều cách nhau khoảng 1cm; cuống ngắn. Hoa ở nách lá già, rộng cỡ 1cm, cuống 2 cm; hoa đực có 5 lá đài, 5 cánh hoa trắng, cao 8mm; 5 bó nhị mà mỗi bó có 3-5 bao phấn, có nhuỵ lép; hoa cái có bao hoa như hoa đực, nhị lép, bầu 5 ô. Quả tròn, to 9cm; hạt 1-5.

Bộ phận dùng: Lá, thân, nhựa mủ và quả – Folium, Caulis, Latex et Fructus Garciniae Xanthochymi.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Nê Pan, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc ở rừng miền Nam.

Tính vị, tác dụng: Lá, thân, mủ có vị đắng, chua, tính mát; có tác dụng sát trùng. Quả giải nhiệt, lợi mật, làm dịu và làm nhầy.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Ở Ấn Độ, quả được dùng như quả loài Garcinia indica Chois, làm thuốc chống bệnh scorbut. Ở Trung Quốc, để trị đỉa vào mũi, người ta lấy mủ tươi với liều lượng thích hợp nhỏ vào xoang mũi, đỉa sẽ bò ra. Bứa nhà – Garcinia cochinchinensis (Lour.) Choisy, thuộc họ Măng cụt – Clusiaceae.

Bứa nhà

Bứa nhà – Garcinia cochinchinensis (Lour.) Choisy, thuộc họ Măng cụt – Clusiaceae.

Mô tả: Cây cao 10-15m, vỏ ngoài màu đen, phía trong màu vàng. Cành non vuông, về sau tròn. Lá thuôn nhọn ở gốc, dài 8-15cm, rộng 3-4,5cm. Hoa đực 1-5, mọc thành chùm ở nách lá, màu vàng, có nhiều nhị; hoa lưỡng tính không cuống, thường mọc đơn độc, nhị xếp thành 4 bó, mỗi bó 7-12 bao phấn; bầu 6-10 ô, thường là 8. Quả cao 5cm, đường kính 4cm, hình trứng, vỏ quả nạc, có cơm hơi đỏ bao quanh hạt. Ra hoa vào tháng 4-5.

Bộ phận dùng: Vỏ, lá, quả – Cortex, Folium et Fructus Garciniae.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc chủ yếu ở rừng thưa, thông thường ở bình nguyên và trung nguyên, từ Quảng Trị trở vào. Cũng thường được trồng. Thu hái vỏ, lá quanh năm.

Tính vị, tác dụng: Vỏ chát làm săn da. Lá và quả giải nhiệt.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lá và vỏ quả thường dùng nấu canh chua. Quả chín ăn giải khát; áo hạt có vị chua ngọt. Vỏ thường dùng trị dị ứng, mẩn ngứa và bệnh ngoài da. Lá giã nát đắp trị sâu quảng. Búp non nhai ăn chữa động thai.

Đơn thuốc: – Dị ứng, mẩn ngứa, dùng vỏ Bứa 20-30g, nước 500ml, sắc còn 150ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Ghi chú: Còn loài Bứa rừng hay Bứa núi – Garcinia Oliveri Pierre, mọc khá phổ biến ở miền Nam nước ta, có đọt non và lá cũng dùng nấu canh chua. Quả có thịt và vỏ quả trong chua, dùng ăn được.

0/50 ratings
Bình luận đóng