BÌM BÌM LAM
Tên khác: Bìm bìm khía.
Tên khoa học: Ipomoea nil (L.) Roth.; thuộc họ Bìm bìm (Convolvuaceae).
Mô tả: Thân leo quấn 2-3m. Lá xoan, dạng tim dài 8-13cm, thường có 3 thuỳ hinh trái xoan nguyên; thuỳ bên có khi có răng (do cây có tên Bìm bìm khía). Cuống lá; lá đài có lông, hình dải, có mũi cong; tràng hoa có ống trắng, phiến trải ra màu lam, tía hay hồng. Quả nang to 1cm, chứa 5-7 hạt tròn cao 5mm, đen đen, không có lông. Quả tháng 7-10.
Bộ phận dùng: Hạt (Semen Ipomoeae), thường gọi là Khiên ngưu tử.
Phân bố sinh thái: Cây nguồn gốc Nam Mỹ, hiện nay đã thuần hoá, thường gặp mọc ở hàng rào, lùm bụi. Cũng có khi trồng.
Thu hái chế biến: Thu hái quả chín vào mùa thu, trước khi quả nứt, đập lấy hạt rồi phơi khô.
Tính vị tác dụng: Vị đắng, tính hàn, hơi độc; có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, tiêu sưng, trừ giun.
Công dụng: Thường dùng trị: 1. Viêm thận phù thũng, xơ gan cổ trướng; 2. Táo bón; 3. Giun đũa, sán xơ mít.
Cách dùng liều lượng: Liều dùng 3-5g, dạng thuốc sắc. Không dùng cho người có thai. Ðối với người ốm yếu dùng phải cẩn thận. Không dùng chung với hạt Ba đậu.
Bài thuốc:
1. Táo bón: Khiên ngưu tử, hạt Cau, lượng bằng nhau, nghiền thành bột, trộn thêm mật luyện viên 9g. Uống ngày một viên, trước khi đi ngủ.
2. Phù thũng: Khiên ngưu tử 10g. Mã đề 8g, Gừng 2g, nước 300ml. Sắc còn 150ml chia 2 lần xuống trong ngày. Nếu tiểu tiện được nhiều thì tốt. Có thể liều ruống cao hơn nữa cũng được.
3. Trị giun đũa, giun tóc: Dùng hạt Bìm bìm 8g, hạt Cam 8g, Chút chít
4g, tán nhỏ cho uống 3 lần vào tảng sáng lúc đói (nhịn ăn).
4. Cổ trướng và thũng trướng mạn tính: Dùng hạt Bìm bìm 8g, Hồi hương 2g, tán nhỏ, chia uống 2-3 lần trong một ngày. Uống 3 ngày liền thì rút nước, bớt trướng.