Định nghĩa
Các tĩnh mạch của trực tràng và hậu môn bị giãn to ra.
Căn nguyên
Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa, đại tiện phải rặn nhiều (táo bón), có thai, ít hoạt động thể lực, xơ gan, ho mạn tính, khối u trong ổ bụng.
Triệu chứng
Trĩ ngoại:hình thành ở phía dưới cơ thắt hậu môn, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trĩ nội:hình thành ở phía trên cơ thắt hậu môn, chỉ nhìn thấy khi soi hậu môn.
Trĩ có thể không có biểu hiện triệu chứng, hoặc bệnh nhân chỉ có cảm giác như có vật gì đè hơi nặng ở hậu môn-trực tràng.
Trĩ ngoại hoặc trĩ nội đều có thể thành các búi lồi ra ngoài hậu môn, có thể dùng tay đẩy các búi trĩ này lại vào trong hoặc các búi trĩ tự thu lại vào trong, người ta phân biệt:
+ Trĩ giai đoạn I: các tĩnh mạch bị giãn thường thành từng búi lồi vào trong lòng của ống hậu môn.
+ Trĩ giai đoạn II: các búi trĩ sa xuống ra ngoài hậu môn khi rặn rồi lại tự thu nhỏ lại.
+ Trĩ giai đoạn III: các búi trĩ sa xuống lồi ra ngoài hậu môn khi rặn và phải dùng tay đẩy vào.
+ Trĩ giai đoạn IV: các búi trĩ sa xuống ra ngoài hậu môn thường xuyên.
Chẩn đoán
Thăm trực tràng bằng ngón tay, soi trực tràng, và tuỳ tình hình soi đại tràng, nhằm loại trừ trường hợp ung thư trực-đại tràng.
Biến chứng
Chảy máu (chứng chảy máu trực tràng):thông thường xảy ra khi đại tiện, có thể bệnh nhân thấy giấy vệ sinh có máu, hoặc mặt ngoài khối phân có vết máu đỏ tươi với mức nhiều ít khác nhau tuỳ trường hợp và tuỳ lúc.
Viêm hậu môn:do ống hậu môn bị viêm. Ngứa, cảm giác rát bỏng.
Huyết khối: đau mót đại tiện, đau dữ dội khi phân đi qua ống hậu môn. Xuất hiện một chỗ sưng ở cạnh hậu môn, màu đỏ, đau khi sờ nắn.
Cơn bệnh trĩ cấp tính: do búi trĩ bị nghẹt, phù nề, có thể rất đau.
Sa trực tràng: những búi tri có huyết khối kéo theo niêm mạc ống hậu môn, làm cho trực tràng dễ bị sa và đại tiện không chủ động.
Nứt hậu môn.
Mọi bệnh nhân có trĩ bị biến chứng đều phải soi đại tràng sigma- trực tràng và tuỳ theo bệnh cảnh lâm sàng thụt baryt hoặc nội soi đại tràng, nhằm loại trừ những bệnh nặng khác của đại tràng hoặc của đại tràng sigma – trực tràng.
Điều trị
Điều trị nguyên nhân hoặc bệnh gốc, đặc biệt là chứng táo bón chức năng mạn tính.
Các biện pháp vệ sinh-chế độ ăn: không nên cố sức rặn khi đại tiện. Tránh làm tổn thương vùng hậu môn. Tránh không uống rượu mạnh và cà phê đặc. Động viên tập luyện và hoạt động thể lực.
Khi bị những đợt viêm có thể dùng thuốc đạn hoặc thuốc mỡ giảm đau hoặc có corticoid để làm đõ đau.
Chảy máu: nói chung thường cầm tự nhiên. Nếu trĩ không tự cầm máu thì nhét một cục bông thấm dung dịch adrenalin 1/1000 vào hậu môn.
Nếu những biện pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả thì có thể chỉ định một trong các biện pháp sau: tiêm tại chỗ chất gây xơ cứng, thắt búi trĩ nội bằng dây chun, phá huỷ búi tri bằng tia laser hoặc bằng quang đông tia hồng ngoại.
Ngoại khoa: cắt búi trĩ bằng phẫu thuật dành cho trường hợp búi trĩ rất to hoặc có thêm biến chứng sa trực tràng.