Biểu hiện:

Ở trẻ em, nhu cầu về vitamin A cao hơn người lớn nên rất dễ thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A, trẻ chậm lớn, dễ mắc một số bệnh như: sởi, tiêu chảy, viêm phế quản, da khô, bong vẩy. Nếu thiếu nặng trẻ sẽ bị quáng gà, đi loạng choạng, dễ ngã khi đi từ tôi ra sáng, trẻ sợ ánh sáng.

Khi trẻ bị quáng gà mà để lâu không chữa ngay, tròng mắt trẻ sẽ bị khô, mất bóng, trẻ hay chớp mắt, dễ bị nhiễm trùng, viêm loét dẫn tới mù loà.

Trẻ bị mù mắt do thiếu vitamin A sẽ không có cách gì cứu chữa, và tỉ lệ tử vong cao. Nên cần có những biện pháp phòng chống là rất quan trọng.

Nguyên nhân gây bệnh.

  • Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ ăn uống thiếu vitamin A hoặc hầu như không có vitamin A. Những trẻ không được bú sữa mẹ hoặc mẹ mất sữa mà chế độ ăn bổ sung hàng ngày ít hoặc trong thức ăn không có vitamin A.

+ Do người mẹ kiêng khem vô lý dẫn đến thiếu vitamin A

+ Trẻ phải cai sữa sớm.

  • Sau khi trẻ bị mắc một số bệnh như sởi, tiêu chảy, có bà mẹ bắt trẻ kiêng nhiều thức ăn có chất dinh dưỡng cao, chỉ cho ăn cháo với muối, nước mắm… mà không cho ăn dầu mỡ, các loại hoa quả… Cũng là nguyên nhân gây thiếu vitamin A.
  • Có bà mẹ lại kiêng không cho con ăn rau quả vì sợ trẻ đi phân lỏng, phân xanh không tốt.
  • Trẻ có chế độ nhiều bột mà ít hoặc không có dầu mỡ cần thiết cho cơ thể. Vì chất béo là môi trường hoà tan vitamin A tạo điều kiện cho cơ thể hấp thụ loại vitamin này. Ăn ít chất béo là nguyên nhân gián tiếp gây thiếu vitamin A.

Cách chăm sóc và phòng chống.

  • Thiếu vitamin A sẽ gây ra một số bệnh. Cho nên. để phòng bệnh do thiếu vitamin các bà mẹ cần chú ý tới chế độ ăn uống của mình trong thời gian có thai và cho con bú cũng như khi đứa con vẫn bình thường và khi ôm.

Trong chế độ ăn hàng ngày, nên bổ sung các thức ăn giàu vitamin A như: lòng đỏ trứng, gan, thịt, cà rốt, rau quả…

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, thức ăn tốt nhất là sữa mẹ. Cho nên người mẹ phải có chế độ ăn đầy đủ rau quả và những thực phẩm giàu vitamin A. Cần bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn sữa mẹ. Vì trong sữa mẹ có đủ vitamin A và chất béo cho trẻ trong 6 tháng đầu sau khi sinh. Nên cho trẻ bú ngay sau khi sinh để tận dụng nguồn sữa non có nhiều vitamin A.

Nếu người mẹ không có sữa, phải dùng sữa ngoài thì cần chú ý bổ sung các chất có nhiều vitamin A và các loại rau quả. Có thể cho trẻ uống vitamin A theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

  • Những trẻ bị mắc bệnh về tiêu hoá, tiêu chảy hoặc sởi, ngay sau khi khỏi bệnh hoặc chưa khỏi bệnh vẫn phải duy trì chế độ ăn uống bình thường, không kiêng mỡ, hoa quả. Tuỳ theo thể trạng thực tế của trẻ mà cho trẻ ăn.

Tóm lại, muốn đảm bảo cơ thể có đủ vitamin A và được hấp thụ tốt thì khẩu phần ăn phải có đủ vitamin A, chất béo và chất đạm. Có nghĩa là bữa ăn phải có đủ về số lượng và chất lượng.

* Luôn chú ý quan sát trẻ để phát hiện bệnh sớm. Chẳng hạn khi thấy trẻ có những dấu hiệu không bình thường (sợ ánh sáng chập tối hay bị quáng gà,…) cần phải chú ý vệ sinh mắt và đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Vitamin A rất quan trọng cho đôi mắt của trẻ nhưng các bà mẹ cũng không được tuỳ tiện cho trẻ uống, nhất là uống liều cao phải có chỉ dẫn của thầy thuốc.Vì vitamin A giống như một con dao hai lưỡi. Uống nhiều vitamin A, trẻ có thể bị ngộ độc, chán ăn, mẩn ngứa…

5/52 ratings
Bình luận đóng