Các bà mẹ thường hay đến bác sĩ hỏi đủ điều về giấc ngủ của con, vì mỗi lần Bé ngủ không yên cũng có nghĩa là cả nhà mất ngủ.

Tầm quan trọng của giấc ngủ

Giấc ngủ có tác dụng làm cơ thể được cân bằng : sức khỏe được phục hồi, tinh thần trở lại tỉnh táo. Mỗi người chúng ta đều đã từng cảm thấy như thế qua kinh nghiệm của chính bản thân mình. Sau một đêm ngon giấc, ngày hôm sau thấy người khỏe khoắn, vui vẻ, sẵn sàng bắt tay vào công việc. Nhưng nếu cả đêm bị thức giấc thì thật tai hại : người mệt mỏi, đầu óc mịt mù, dễ cáu gắt vì những chuyện không đâu.

Trẻ em cũng vậy, nhưng đối với trẻ, giấc ngủ còn quan trọng hơn nữa vì chính trong giấc ngủ, cơ thể tiết ra chất hoócmôn dành cho sự tăng trưởng khiến bộ não được hoàn thiện và cơ thể cũng phát triển thêm.

Hai loại giấc ngủ

Ngày nay, nhờ các cuộc nghiên cứu, người ta đã hiểu biết được nhiều điều về giấc ngủ của các lứa tuổi. Từ lúc sơ sinh tới tuổi trưởng thành, giấc ngủ càng ngày càng ngắn lại:

  • Thời gian mới lọt lòng : 20-23 giờ/ngày
  • 1 tháng tuổi : 18-20 giờ
  • 4 tháng tuổi : 16-18 giờ
  • 8 tháng tuổi : 14-16 giờ
  • 9 tháng tới 1 năm : 13-15 giờ
  • 3 tuổi : 11 giờ/ngày.

Trên đây là thời gian ngủ trung bình, ở người lớn cũng như trẻ em, có người ngủ nhiều hơn, có người ngủ ít hơn.

Trong những tuần đầu, Bé hay thức giấc để ăn nên giấc ngủ không lâu, cả ban ngày lẫn ban đêm. Từ tháng thứ 3, thứ 4, Bé có thể ngủ liền 12 giờ ban đêm, còn ban ngày thì giấc ngủ cắt đoạn theo bữa ăn. Từ 3 tới 5 tuổi, Bé ít ngủ ngày hơn.

Các nhà khoa học phân biệt 2 loại giấc ngủ : một loại tới chậm, bình yên, sâu và một loại nhanh và nông. Giấc ngủ nông như nửa ngủ nửa thức, con ngươi mắt luôn động đậy dưới mi, cho biết Bé đang mơ và đang tập nhận thức qua giấc mợ.

2 loại giấc ngủ này cứ nối tiếp nhau trong quá trình Bé ngủ. Giấc ngủ chậm – yên – sâu thường bắt đầu trước, lúc vừa đi ngủ rồi tiếp đến là giấc ngủ nông. Sau giấc nông lại đến giấc sâu. Thời gian của một chu kỳ sâu – nông từ 50 phút tới 1 giờ. Mỗi đêm, Bé ngủ qua hơn 1 chục chu kỳ như vậy.

Để bé có giấc ngủ ngon
Để bé có giấc ngủ ngon

Trẻ càng nhỏ thì thời gian của giấc ngủ nông càng dài hơn giấc ngủ sâu. Chu kỳ giấc ngủ có thể biểu diễn như sau :

Trong thời gian của giấc ngủ nông, Bé thường cựa quậy, giật mình, mở mắt rồi lại nhắm lại, mút ngón tay, cười hay khóc. Hãy cứ để Bé theo đuổi giấc mơ như thế. Không nên thấy Bé khóc mà đánh thức hoặc bế Bé lên, làm dở dang giấc ngủ toàn vẹn. Vì như thế là cắt mất thời gian của giấc ngủ nông trong chu kỳ ngủ. Khi Bé ngủ lại, Bé lại phải bắt đầu bằng giấc ngủ chậm – yên – sâu.

Trẻ càng nhỏ, càng phải ngủ nhiều. Bởi vậy, cho những trẻ ở độ tuổi khác nhau cùng đi ngủ một giờ, cùng dậy một lúc là không đúng. Nếu cần, có thể cho các cháu nhỏ tắm trước, ăn trước rồi đi ngủ trước các anh, chị, để sớm mai nếu cần có thể dậy cùng một lúc với anh chị và đi nhà trẻ vào giờ bố mẹ đi làm.

Giúp bé ngủ ngon

Chúng ta phân biệt giấc ngủ của trẻ sơ sinh và giấc ngủ của trẻ đã lớn hơn.

  • VỚI TRẺ Sơ SINH – Trẻ sơ sinh phải có một thời gian để làm quen với giấc ngủ, nhất là khi chuyển từ giấc ngủ nông sang giấc ngủ sâu. Người lớn phải hiểu biết điều này để không đánh thức Bé giữa giấc ngủ nông. Làm như vậy, nhiều khi Bé không ngủ tiếp được nữa và hình thành thói quen phải có người bế ẵm hoặc bố mẹ ngồi bên cạnh thì mới ngủ tiếp được. Nhiều khi thấy Bé mơ, khóc trong giấc ngủ nông, các bà mẹ thường đánh thức hoặc bế con dậy để vỗ về, nựng nịu.

Nếu để Bé quen ngủ yên hết chu kỳ ngủ thì chỉ sau 3 tháng, Bé sẽ bỏ được bú đêm và ngủ một mạch tới sáng. Nếu Bé khóc to trong đêm, mới cần vỗ về, ru Bé ngủ, nhưng không cần bế Bé ra khỏi giường và đừng bật đèn sáng chói, để Bé ngủ tiếp được dễ dàng.

  • VỚI TRẺ LỚN HƠN – Với trẻ đã lớn, đã nhận biết và có tình cảm với các người thân trong gia đình, nên tập cho các cháu đi ngủ đúng giờ. Thường buổi tối là thời gian gia đình họp mặt vui vẻ sau bữa cơm, trước màn ảnh truyền hình. Dĩ nhiên là đứa trẻ sẽ do dự, ngại ngùng khi phải lên giường đi ngủ vào lúc này, nhất là nếu phải ngủ ở phòng riêng, trong bóng tối. Bố mẹ phải cương quyết đối với Bé nhưng đồng thời cũng cần thông cảm với tâm tư của Bé.

Nếu căn cứ vào đồng hồ để tạo ra một nề nếp rồi nhắc nhở các cháu một cách nhẹ nhàng : “Kìa, 9 giờ rồi, đi ngủ thôi, con”. Nếu Bé có vẻ ngại hoặc đang xem truyện, coi tranh với anh chị, có thể chiều Bé một chút, cốt để cho Bé lên giường ngủ đúng giờ : “Con có thể xem tranh tiếp trên giường, nhưng phải nằm xuống…”.Hoặc, vẫn để đèn mờ trong phòng, để hé cửa để Bé vẫn nhìn được ra ngoài, về phía phòng bố mẹ v.v…

  • TRẺ NGỦ CHUNG CÙNG BỐ MẸ – Thời gian trẻ mới sinh, các bà mẹ thường cho con ngủ chung để tiện cho bú đêm và trông nom Bé khi Bé ngủ. Hơn nữa, tình cảm dạt dào đối với con làm người mẹ luôn muốn ở gần con.

Tuy vậy, khi những tuần lễ đầu sau lúc lọt lòng đã qua bây giờ Bé muốn được ngủ yên, có chỗ ngủ rộng và thoáng. Càng lớn, Bé càng cảm thấy kém thoải mái và khó ngủ khi bố mẹ nói chuyện, thức dậy lúc nửa đêm, và có khi còn cựa mình, lục đục ngay bên cạnh.

Muốn ngủ ngon, mỗi người, mỗi lứa tuổi, đều cần có một địa phận riêng của mình. Để trẻ em ngủ chung với người lớn, có thể gây cho các cháu bé một thói quen xấu, nhưng có điều tệ hại là sớm hoặc muộn, thể nào cũng có ngày các cháu tỉnh dậy tham gia vào những câu chuyện nửa đêm của bố mẹ hoặc thắc mắc và suy nghĩ quá sớm về những hành động “kỳ lạ” của người lớn.

Có nhiều gia đình có khó khăn về chỗ ở, không thể có phòng riêng cho bố mẹ hay con cái. Nếu vậy, cũng nên cố thu xếp cho các cháu nằm riêng ở một góc phòng. Giữa giường bố mẹ và con nên có màn che hoặc cái giá chắn.

Giấc ngủ của bé
Giấc ngủ của bé

Nếu trong đêm, Bé có điều gì cần tới người lớn, bố mẹ vẫn có thể tới bên giường con ngay.

Nên đặt Bé ngủ như thế nào ?

Trước kia ở Pháp, người ta thường đặt các trẻ sơ sinh nằm ngửa để cho các cháu ngủ. Nhưng đối với các cháu bị ho, có chứng nôn, ói bất ngờ ở tư thế nằm ngửa các cháu dễ bị sặc hoặc có nguy cơ để chất lỏng lọt vào đường hô hấp. Do đó, người ta đổi cho các cháu nằm sấp và lý luận rằng, ở tư thế này khi tỉnh dậy các cháu chóng ngẩng được cổ lên, và cũng chóng biết quan sát mọi hoạt động ở xung quanh, vì các cháu không phải nhìn ngược như khi ở tư thế nằm.

Tuy vậy, đặt Bé ngủ sấp cần chú ý, giường ngủ phải phẳng, cứng, không nằm gối để tránh làm các cháu bị ngạt trong khi ngủ. Gần đây, các bác sĩ nhi khoa lại lưu ý các bậc cha mẹ rằng, trẻ nằm sấp thường không duỗi chân thẳng, khiến một số cháu có thể bị dị tật ở chân.

Bởi vậy, hiện nay người ta kết luận : để Bé ngủ nghiêng là tốt nhất. Nên độn gối ở trước hoặc sau lưng và thỉnh thoảng đổi bên, khi cho Bé nằm nghiêng sang bên trái, khi cho nghiêng sang bên phải.

0/50 ratings
Bình luận đóng