Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Dược liệu đã có bộ máy tổ chức nghiên cứu tương đối hoàn chỉnh. Những thế hệ cán bộ của viện có mặt ở khắp mọi miền đất nước để điều tra, nghiên cứu, bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu, phát triển cây thuốc, nghiên cứu thuốc mới từ dược liệu, góp phần quan trọng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Xác định việc phát triển dược liệu để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong tình hình đất nước đang có chiến tranh, năm 1961, Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập Viện Dược liệu. Sau nhiều quyết định điều chỉnh, bổ sung, đến nay, Viện Dược liệu là viện nghiên cứu đầu ngành có nhiệm vụ điều tra, đánh giá tài nguyên dược liệu; nghiên cứu kỹ thuật chọn, tạo giống, trồng và chế biến; nghiên cứu chế biến dược liệu; nghiên cứu tạo thuốc mới; xây dựng tiêu chuẩn; tham gia kiểm tra chất lượng; chuyển nhượng và hợp tác để ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học. Tư vấn các giải pháp phát triển dược liệu; chỉ đạo công tác phát triển dược liệu tại các địa phương…
Ðáng chú ý, trong mười năm trở lại đây, với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện để viện chủ động thực hiện chủ trương nghiên cứu khoa học gắn với phát triển sản phẩm. Giai đoạn này, Viện Dược liệu đã thực hiện 161 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó bao gồm hơn 20 đề tài, dự án cấp Nhà nước, hàng chục đề tài, dự án cấp bộ, phối hợp địa phương. Cùng với đó là thực hiện Quy hoạch về phát triển dược liệu đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; phát triển khai thác cây sâm; cũng như các đề án xây dựng: Bộ Dược liệu chuẩn; Bộ Át-lát cây thuốc quốc gia; năm trung tâm nghiên cứu dược liệu; vườn cây thuốc quốc gia… Công tác phối hợp các địa phương đánh giá tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu được triển khai hiệu quả, qua đó phát triển một số dược liệu, bài thuốc và xây dựng danh lục cây thuốc cho các tỉnh làm căn cứ quy hoạch phát triển. Ðến nay đã giúp địa phương xây dựng được Danh lục cây thuốc (3.948 loài) và động vật làm thuốc (408 loài); Danh lục các loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng (144 loài) và Danh lục cây thuốc có khả năng khai thác (206 loài). Ðây là những dẫn liệu quan trọng phục vụ công tác khai thác, sử dụng và quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tiêu biểu như: khôi phục cây sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum; phát triển và hướng dẫn khai thác bền vững loài ngũ vị tử mọc hoang ở Kon Tum; phát triển loài sa nhân tại Quảng Nam và Thái Nguyên tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; Phát triển cây chè đắng tạo ra các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản; nghiên cứu sử dụng cây mắc mật, phát triển cây hồi; xây dựng vùng trồng năm cây thuốc (đương quy, ba kích, thảo quả, bạch truật, diệp hạ châu đắng) tại Cao Bằng…
Việc nghiên cứu trồng, phát triển nhiều loài cây thuốc tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc cũng tích cực được triển khai, như nuôi trồng nấm đa niên và phát triển vùng trồng năm cây dược liệu quan trọng (đương quy, kim tiền thảo, diệp hạ châu đắng, nhân trần, ngưu tất) tại Hà Tây (trước đây). Phát triển cây a-ti-sô, ô đầu, sì to, cúc gai dài và lão quan thảo để phục vụ nguồn nguyên liệu tại chỗ và xuất khẩu tại Lào Cai. Phát triển một số dược liệu theo mô hình vườn đồi, vườn hộ gia đình. Giúp Lâm Ðồng trồng và phát triển cây a-ti-sô, một dược liệu có nhu cầu lớn, trồng theo tiêu chí GAP (dược liệu an toàn). Phối hợp các địa phương nghiên cứu, ứng dụng một số dược liệu thế mạnh như: sâm cau, sâm bố chính và sa sâm, ba kích, sa nhân tím… Viện giúp 29 tỉnh, thành phố phát triển 38 cây thuốc quan trọng, ba bài thuốc độc đáo đáp ứng nhu cầu dược liệu cho y học cổ truyền, công nghiệp dược. Ngoài ra, viện nhập nội gần 40 giống cây thuốc khác nhau từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Nga… trong đó một số giống cây thuốc có triển vọng phát triển tốt ở Việt Nam như: đan sâm, hoàng cầm, cỏ ngọt, râu mèo…
Trong nhiều năm qua, Viện Dược liệu là đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc thông qua hai dự án Bảo tồn nguồn gien và giống cây thuốc và Dự án Bảo tồn cây thuốc y học cổ truyền. Mạng lưới bảo tồn được phát triển trong cả nước,
trải dài trên bảy vùng sinh thái nông nghiệp, chín vùng sinh thái lâm nghiệp. Qua đó, bảo tồn được 730 loài cây thuốc; đánh giá ban đầu được 630 loài; đánh giá chi tiết và lập lý lịch giống 200 loài; tiếp tục đánh giá và lập lý lịch cho 50 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ðưa một số cây thuốc có nguy cơ bị mất giống và bị tuyệt chủng về mức độ an toàn, thậm chí đã phát triển thành hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hoạt động nghiên cứu chiết xuất các hợp chất làm nguyên liệu làm thuốc tiếp tục được phát huy. Ngoài artemisinin, viện đã nghiên cứu thành công và xây dựng các quy trình, công nghệ chiết xuất nhiều hoạt chất như: curcumin từ nghệ vàng làm thuốc hỗ trợ điều trị ung thư; acid shkimic(từ hoa hồi và lá hồi); an-đrô-gra-phô-lít từ xuyên tâm liên (để nghiên cứu thuốc chống lao kháng thuốc)… Viện đã nghiên cứu và tạo ra 18 thuốc mới trong điều trị viêm gan B, tiểu đường, li-pít máu, viêm xoang, điều hòa miễn dịch, thuốc tăng tuần hoàn não, xơ gan, hỗ trợ điều trị ung thư. 10/18 loại thuốc đã được sản xuất cung cấp trên thị trường.