Khái niệm
Hung muộn còn gọi là Hung bĩ, Hung mãn, Hung trung bĩ mãn, chỉ chứng hậu tự cảm thấy trong hung bĩ tắc khó chịu, đầy tức không thoải mái.
Hung muộn, Hung mãn là nói theo chứng trạng. Hung bĩ là nói theo cơ chế bệnh. Theo Đan Khê Tâm pháp, “Bĩ” có ý như không thư thái. Vì nguyên nhân tạo nên bĩ đầy không thông khá nhiều, cho nên chứng Hung muộn có thể xuất hiện trong nhiều bệnh chứng.
Chứng Hung muộn gặp trong lâm sàng có thể kiêm cả Hung trướng và Hung thống thì gọi là Hung trướng muộn hoặc Hung muộn thống.Vì nguyên nhân và cơ chế bệnh ba loại Hung muộn, Hung trướng, Hung thống đại thể giống nhau, cho nên có thể đồng thời xuất hiện ở bệnh chứng có từng giai đoạn phát triển khác nhau. So sánh ba loại này, nói chung Hung muộn còn nhẹ, Hung trướng nặng hơn, Hung thông càng nặng hơn nữa.
Vì các y thư cổ đại thường đem Hung với bộ phận Vị quản gọi lẫn lộn là Tâm cho nên Hung bĩ với Tâm hạ (VỊ quản) bĩ cũng dễ lẫn lộn, nên phân biệt (có thể tham khảo mục Tâm hạ bĩ). Ba loại Muộn, Bĩ và Trướng, thì Muộn và Bĩ rất ít kiêm đau, mà Trướng thì thường kiêm cả đau.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
Hung muộn do Phế khí úng trệ: Đại thể có thể chia làm ba chứng hậu chủ yếu là Hung muộn do ngoại cảm phong hàn, Phế khí Úng trệ, Hung muộn do tà nhiệt úng tắc Phế, Phế khí úng trệ và Hung muộn do Phế ung, Phế khí úng trệ.
Hung muộn do ngoại cảm phong hàn, Phế khí úng trệ: Có chứng trạng phát nhiệt ố hàn, đau đầu, đau mình, khái thấu hoặc suyễn, hung muộn khó chịu, rêu lưỡi trắng, mạch Phù hoặc Khẩn. Nếu vốn có phục ẩm ở Phế lại cảm nhiễm hàn tà ở ngoài thì khái suyễn càng rõ rệt, ngực khó chịu tức thở, phiền táo, thậm chí phải ngồi dựa để thở, không được nằm yên.
Hung muộn do tà nhiệt úng Phế, Phế khí úng trệ: Có chứng phát nhiệt nặng, hơi Ố hàn hoặc không ố hàn, khát muốn uống nước, khái nghịch khí dồn lên, ho mửa ra đờm vàng, suyễn khò khè tắc nghẽn, hung muộn tức thở hoặc tiểu tiện đỏ đại tiện khô, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Sác có lực.
Hung muộn do Phế ung Phế khí úng trệ: Có chứng hung muộn phần nhiều còn đau âm ỉ trong ngực, phát nhiệt khái thấu, mửa ra đờm vàng đục tanh hôi hoặc mửa ra mủ máu, họng khô miệng ráo, không khát, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Sác hoặc Hoạt.
Hung muộn do Tâm huyết ứ nghẽn: Có chứng ngực khó chịu tức thở nặng về ban đêm hoặc kiêm chứng đau âm ỉ trong ngực, hoặc đau lan tỏa tới vai lưng, Tâm hồi hộp hoặc đoản hơi, lưỡi tía tối hoặc có nốt ứ huyết, mạch Nhược hoặc Kết đại.
Hung muộn do Can khí uất trệ: Có chứng hung muộn khó chịu, thường thở dài, thở ra được thì dễ chịu, kiêm chứng đau sườn, đầu mắt choáng váng, đắng miệng họng khô hoặc hàn nhiệt vãng lai, tính tình nóng nẩy hay cáu giận, hoặc phụ nữ kinh nguyệt không đều, lưỡi bình thường hoặc có rêu vàng mỏng, mạch Huyền tế.
Phân tích
– Chứng Hung muộn do Phế khí úng trệ: Chủ yếu bao gồm ngoại cảm phong hàn, tà nhiệt úng Phế và Phế ung dẫn đến chứng hậu Hung muộn do Phế khí úng trệ.
Ngoại cảm phong hàn, ngoài chứng trạng ngực khó chịu tất kiêm các chứng trạng biểu hàn như phát nhiệt, ố hàn, mạch Phù Khẩn, điều trị nên tân ôn phát tán, dùng phương Ma hoàng thang gia giảm. Nếu có phục ẩm ở trong, bên ngoài lại cảm nhiễm tà khí phong hàn, thì ngoài biểu chứng, khái suyễn phải nặng hơn, vả lại đờm nhiều sắc trắng hoặc có bọt giống như đờm, thậm chí phiền táo, ngồi dựa mà thở chứ không nằm được, sách Kim quỹ yếu lược gọi đó là “Phế trướng”, điều trị nên tán tà quyên ẩm, chỉ khái bình suyễn, ẩm trừ suyễn yên, chứng hung muộn tức thở sẽ tự khỏi, dùng phương Tiểu Thanh Long gia Thạch cao thang gia giảm.
Tà nhiệt úng ở Phế, phần nhiều do ngoại cảm phong nhiệt chưa giải, tà nhiệt vào lý, úng nghẽn tạng Phế gây nên. Cho nên biểu hiện các chứng lý thực nhiệt như sốt cao, phiền khát, ngực khó chịu, suyễn gấp, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch Sác hữu lực .v.v… Điều trị nên thanh tiết lý nhiệt, dùng phương Ma hạnh thạch cam thang gia giảm.
Do Phế ung gây nên, tất có những biểu hiện về chứng bệnh Phế ung như: ngực khó chịu mà đau, ho mửa ra đờm vàng tanh hôi hoặc máu mủ, miệng ráo, rêu lưỡi vàng, mạch Hoạt Sác.Điều trị nên thanh Phế giải độc tiêu mủ, dùng phương Thiên kim vi hành thang gia giảm.
– Chứng Hung muộn do Tâm huyết ứ nghẽn: Có chứng Tâm mạch ứ huyết tê nghẽn không thông, tức như sách Nội kinh nói: “Chứng Tâm tý do mạch không thông” tất có chứng ngực khó chịu, hơn nữa phía sau kỳ cốt trướng đầy mà đau. Có trường hợp chỉ do ứ huyết gây bệnh, tất có dấu hiệu ứ huyết như đau vùng ngực, lưỡi có nốt ứ huyết, điều trị nên hoạt huyết trục ứ, dùng phương Huyết phủ trục ứ thang. Cũng có trường hợp “đờm ẩm gây chuyện” như sách Kim quỹ yếu lược – Tâm điển viết “Phải có khái thấu, đờm ẩm”. Mục Hung tý Tâm thống đoản khí bệnh mạch chứng trị sách Kim quỹ yếu lược có viết: “Hung tỷ trong Tâm bĩ khí, khí kết Hung, Hung đầy….“ điều trị nên quét sạch đờm ẩm, hoạt huyết trừ ứ, dùng phương Chỉ thực giới bạch quế chi thang.
– Chứng Hung muộn do Can khí uất trệ: Do Can khí uất trệ không thư thái gây nên, ngực khó chịu kiêm cả đau sườn, thở dài, đầu choáng mắt hoa, đắng miệng họng khô, tính tình nóng nảy hay giận, phụ nữ thì kinh nguyệt không đều, mạch Huyền Tế .V.V.. đều là những biểu hiện lâm sàng Can khí không thư thái, điều trị nên sơ Can giải uất, dùng phương Sài hồ sơ Can tán gia giảm.
Chứng Hung muộn, thực chứng thì nhiều, hư chứng thì ít. Thực chứng hoặc là do khí trệ, hoặc là do tà nhiệt hoặc là đờm ẩm, hoặc do ứ huyết, ứ nghẽn ở Hung cách mà thành bệnh, về điều trị, hoặc là sơ khí trệ, hoặc là tả thực nhiệt, hoặc là quét đờm ẩm, hoặc trừ ứ huyết, tùy chứng mà xử lý, Hung là nơi ở của hai tạng Tâm, Phế, Chứng Hung muộn – hoặc Hung bĩ – Phần nhiều biểu hiện chứng bệnh của hai tạng Tâm Phế, với chứng Tâm hạ bĩ biểu hiện chứng bệnh ở vùng Vị khác nhau rất xa, cần phân biệt kỹ.
Trích dẫn y văn
– Hung bĩ có trường hợp lạnh đột ngột uất kết ở trong; có trường hợp hàn nhiệt đều bị uất; có trường hợp khí thực vít tắc ở ngực mà thành Bĩ. Có trường hợp khí suy mà thành hư bĩ, cũng có trường hợp tân dịch ở trong Vị khô rít, do táo mà thành Bĩ. Cũng có trường hợp Thượng tiêu thấp trọc tràn lan mà thành Bĩ. (Hung tý – Lâm chứng chỉ nam y án).