Khái niệm

Chứng Đắng miệng trong sách Nội kinh gọi là “Đởm đản”. Mục Kỳ bệnh luận – Tố vấn có viết: “Có bệnh đắng miệng… bệnh này gọi là Đởm đản… người mắc bệnh này thường lo toan, thiếu quyết đoán cho nên Đởm hư khí trào lên trên mà thành đắng miệng”. Nhưng nói cho đúng ra đắng miệng là gọi theo chứng trạng, còn “Đởm đản” là gọi theo bệnh danh. Hai loại này không thể hiểu lẫn lộn, chỉ có thể nói Đắng miệng là một chứng trạng chủ yếu của Đởm đản mà thôi.

Phân biệt

Chứng hậu thường gặp

  • Đắng miệng do tà ở Thiếu dương: Có chứng họng khô đắng miệng, đau đầu mắt hoa, hàn nhiệt vãng lai, ngực sườn đầy tức, Tâm phiền hay nôn, kém ăn, tiểu tiện sắc vàng, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc vàng mỏng, mạch Phù Huyền có lực.
  • Đắng miệng do Can Đởm thấp nhiệt: Có chứng Đắng miệng Tâm phiền, miệng khô khát nước hay thở dài, dễ cáu giận, đầu choáng và đau, mắt đỏ mắt hoa, hai bên sườn trướng đau, tiểu tiện vàng, đại tiện hơi khô, rìa lưỡi và đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc vàng nhớt, mạch Huyền Sác.

Phân tích

– Chứng Đắng miệng do tà ở Thiếu dương với chứng Đắng miệng do Can Đởm thấp nhiệt: Cả hai đều có thể xuất hiện các chứng đắng miệng họng khô, Tâm phiền hoa mắt nhưng nguyên nhân cơ chế bệnh khác nhau. Loại trên do Thương hàn Thái đương bệnh không giải tà truyền vào Thiếu dương, Đởm là phủ của Thiếu dương, Đởm nhiệt hun đốt lên trên cho nên đắng miệng. Châm cứu giáp ất kinh quyển 9 có viết: “Phủ Đảm là một phủ trong sạch quyết đoán của 5 tạng là nhờ vào Đởm mà họng là vai trò sứ … Đởm khí trào lên trên cho nên đắng miệng”. Loại sau thường là do tình chí uất kết hoặc ngũ chí quá cực mà hóa hỏa; Can đởm uất hỏa nung nấu ở trong làm mất chức năng sơ tiết, Đởm khí trào lên trên gây nên đắng miệng. Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc – khẩu xỉ thần thiệt bệnh nguyên lưu viết: “Can di nhiệt vào Đởm cũng làm cho đắng miệng. Nội kinh nói Đởm đản là như thế; lại chú giải rằng Can chủ về mưu lự, Đởm chủ về quyết đoán hoặc mưu lự mà không quyết đoán sẽ xẩy ra nóng nẩy cáu giận thì khí nghịch lên Đởm chấp trào lên mà đắng miệng”. Tà ở Thiếu Dương trên đặc điểm lâm sàng ngoài chứng đắng miệng còn kèm theo các chứng trạng hàn nhiệt vãng lai, biếng ăn, hay nôn, ngực sườn đầy tức. Còn Can Đởm uất nhiệt thì thường kiêm các chứng trạng Can hỏa như: đầu choáng và đau mặt hồng mắt đỏ, chất lưỡi hơi hồng, mạch Huyền Sác. Nguyên tắc điều trị nếu tà ở Thiếu dương thì nên hòa giải Thiếu dương cho uống Tiểu Sài hồ thang gia giảm. Nếu Can Đởm uất nhiệt thì nên thanh giải uất nhiệt ở Can Đởm. Nói chung có thể dùng Long Đởm tả Can thang. Nếu đờm nhiệt quấy rối ở trong có thể dùng Hoàng liên ôn Đởm thang.

Vị đắng là vị của Đởm. Linh khu – Tứ thời khí thiên viết: “Đởm dịch tiết ra thì đắng miệng”. Linh khu – Tà khí tạng phủ bệnh Bình thiên cũng viết: “Đởm mắc bệnh thì hay thở dài, đắng miệng, nôn ra nước cách đêm …”. Sự phân bố của Đởm chấp còn liên quan đến sơ tiết của Gan. Tố vấn – Nuy luận: “Can khí nhiệt thì Đởm tiết ra đắng miệng và màng gân bị khố. Hai chứng nói trên một loại là do ngoại cảm tà khí vào Thiếu dương, một loại là nội thương Can Đởm uất nhiệt. Nguyên nhân và chứng hậu khác nhau rất xa nên chẩn đoán phân biệt cũng không khó.

Trích dẫn y văn

– Chữa chứng Đởm hư sinh hàn, khí trào nên Hung cách, đầu choáng đắng miệng thường hay thở dài, hay nôn ra nước cách đêm, cho uống Thiên hùng hoàn (Thánh tế tổng lục – Đởm môn): Thiên hùng cắt bỏ mắt và nung cho nứt, Nhân sâm, Sơn thù, Quế gọt bỏ vỏ thô đều 1 lạng, Hoàng kỳ đập nát, Bạch Phục linh bỏ vỏ, Phòng phong bỏ lông, Bá tử nhân nghiền nhỏ, Sơn thù du, Toan tảo nhân sao đều 3 phân.

– Lại viết “Điều trị chứng Túc Thiếu dương kinh bất túc hoa mắt, nuy quyết, đắng miệng thở dài, nôn ra nước nhiều bọt cho uống Trầm hương thang: Trầm hương chẻ nhỏ, Bạch Phục linh bỏ vỏ đen, Hoàng kỳ chẻ nhỏ, Bạch truật đều 1 lạng, Xuyên khung, Thục Địa hoàng, Can Địa hoàng, Ngũ vị tử đều 3 phân, Chỉ thực bỏ vỏ thô sao với cám, Quế bỏ vỏ thô đều 0,5 lạng (Sách đã dẫn).

0/50 ratings
Bình luận đóng