CHANH
Tên khác: Chanh ta.
Tên khoa học: Citrus aurantiifolia (Christm.) Swingle, thuộc họ Cam – Rataceae.
Tên đồng nghĩa: Citrus medica L. var. acidaHook.f.
Mô tả: Cây gỗ nhỏ cao 3-4m hay hơn, thân có nhiều cành; gai ở cành thẳng, dài 1cm, còn gai ở thân dài 2-3cm. Lá nhỏ, hình bầu dục, nguyên, hơi dai và màu lục bóng, dài 4-6cm, rộng 3-4cm, có nhiều tuyến nhỏ; cuống lá có đốt, dài 1cm, có cánh hẹp. Hoa trắng, nhỏ ở nách lá, tập hợp thành nhóm 3-10 cái. Quả có đường kính 3-6cm. hơi dài, màu lục hoặc vàng khi chín; vỏ mỏng dính vào múi; cơm quả chứa nhiều nước, rất chua. Cây ra hoa, kết quả quanh năm.
Bộ phận dùng: Lá và quả (Foliumet Fructus Citri Aurantifoliae).
Phân bố sinh thái: Cây của vùng Đông Nam á được trồng ở tất cả các vùng nhiệt đới của thế giới. Ở nước ta, Chanh cũng được trồng nhiều ở đồng bằng miền Trung và miền Nam để lấy quả ăn, khi còn xanh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, có một thứ (var, italica Hort) có quả to với múi màu vàng vàng. Người ta thu hái lá quanh năm, dùng tươi hoặc phơi trong râm. Quả thu hái gần như quanh năm.
Thành phần hoá học: Trong lá có tinh dầu 0,19%, tinh dầu này chứa terpen 20,5%, alcohol 13,2%, aldehyd 26% ester 23,8%, acid 2% và citropten 2%. Lá còn chứa coumarin, isopimpinellin, bergapten. Vỏ quả chứa glucosid của aureusidin. Dịch quả chứa acid citric, tinh dầu bay hơi chứa citral, limonen, linalol, linalyl acetat, terpineol và cymen. Vỏ cây chứa xanhthyletin.
Tính vị, tác dụng: Lá Chanh có vị đắng the, mùi thơm, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, thông can khí, tiêu thũng, tán độc và hoạt huyết, khỏi ho, tiêu thực. Quả có vị chua, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt.
Công dụng: Quả Chanh được dùng làm thuốc giải nhiệt, giúp ăn ngon miệng, lợi tiêu hoá, chống bệnh scorbut; còn dùng làm thuốc long đờm, trị ho, trị nôn ra mật. Lá Chanh được dùng làm gia vị và cũng được dùng làm thuốc trị sốt rét dai dẳng, cảm cúm, hen phế quản, ho gà và trị bệnh ngoài da, rắn cắn. Ở Đôminica, người ta dùng nước hãm lá uống để trị cao huyết áp; còn lá được dùng làm thuốc trị giun, dùng hãm hoặc sắc rồi pha thêm vào dầu giun. Dịch lá tươi, phối hợp với dầu giun, rau sam, hoà vào nước đun sôi, rồi thêm dầu thông có tác dụng trị giun tốt. Dịch quả thêm mật ong dùng chữa tưa lưỡi. Nước hãm lá dùng uống trị cảm cúm và giúp cho răng mọc tốt.
Bài thuốc:
1. Sốt rét dai dẳng: dùng lá Chanh 100g, rượu 30o 100ml. Lá Chanh được thái nhỏ, đổ rượu vào ngâm rồi đem phơi sương một đêm, uống một lần vào lúc sáng sớm, uống 3-5 ngày liền.
2. Hen phế quản: Lá Chanh một nắm, dây Tơ hồng một nắm; tất cả sao vàng, khử thổ, đổ ba bát nước, nấu còn một bát, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một bát; uống 7-10 ngày liền.
3. Cảm cúm: Lá Chanh 16g, Tỏi 4-6g, lá Dung hoặc lá Mít 16g, Nghệ 16g, nước 450ml, sắc còn 150ml,
uống xong nằm đắp chăn cho ra mồ hôi.
4. Ho gà: Lá Chanh tươi sắc với vài lát Gừng thêm đường đủ ngọt, uống dần.
5. Chữa sâu quảng: Lá Chanh non, lá Diếp cá, lá Húng Chanh, lá Mùi tàu, tất cả hái khi còn tươi, mỗi thứ một nắm, thái nhỏ trộn cho đều, gói vào lá chuối hơ nóng, rạch cho thoáng rồi buộc lên vết loét, sau 24 giờ mới mở và thay miếng khác (Vương Thừa Ân).
6. Rắn cắn: Rễ Chanh 8g, hạt Chanh 4g, Phèn chua 2g, Gừng 2g, giã nhỏ, thêm 100ml nước sôi, lọc kỹ, chia 2 lần uống trong ngày.