CHÂN RẾT
Tên khác: Tràng pháo, Cơm lênh, Ráy leo.
Tên khoa học: Pothos repens (Lour.) Druce; thuộc họ Ráy (Araceae).
Tên đồng nghĩa: Flagellaria repens Lour.; Pothos loureiroi Hook. & Arn.; Pothos repens (Lour.) Merr.
Mô tả: Cây thảo mảnh, leo dài 5-20m. Lá có phiến hình đầu hẹp, thuôn và có mũi ngắn; cuống hình dải thuôn, gân hình tim ngược ở đỉnh, dài gấp ba lần phiến. Cụm hoa ở nách hay đỉnh cành, rất dài (15-20cm) có 4-5 vẩy hình dải, lợp lên nhau. Mo hình dải, có mũi. Trục cụm hoa nạc, mang nhiều hoa; bao hoa có 6 mảnh; nhị 6. Quả mọng hình trái xoan, khi chín có màu đỏ. Ra hoa quả vào tháng 5.
Bộ phận dùng: Toàn cây (HerbaPothoris).
Phân bố sinh thái: Loài phân bổ ở Nam trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây thường mọc bám trên đá và các cây gỗ lớn, nhiều khi tạo thành búi; phổ biến ở các tỉnh phía Bắc tới Thừa Thiên-Huế. Khi dùng lấy toàn cây rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, hạ nhiệt, cầm máu, dãn khớp.
Công dụng: Được dùng chữa băng huyết, động thai, đau màng óc, co thắt sau chấn thương, sai khớp.
Liều dùng: Ngày dùng 15-25g. Nhân dân thường dùng cây làm thức ăn cho ngựa.
Bài thuốc:
1. Băng huyết, động thai: dùng 100g dây lá Chân rết sao, sắc với 300ml nước, còn 100ml, uống hàng ngày.
2. Co thắt sau chấn thương: dùng 15g
dây lá khô, nấu với gân lợn lấy nước uống.
3. Đau màng óc: lấy lá tươi giã nát lấy nước uống, bã đắp.