Cây Lược vàng, còn gọi là cây Lan vòi, có tên khoa học là Callisia fragrans (Lindl.) Woods thuộc họ Thài lài (Commelinaceae), vốn có nguồn gốc từ Trung Mỹ, sau đó được di thực đến nhiều nơi khác. Hiện cây này mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở Nga, Việt Nam, Úc… Cho đến nay mới chỉ có một vài nghiên cứu về thành phần hoá học của cây Lược vàng, và kết quả cho thấy trong cây này có chứa các hợp chất glyco-, phospholipid, axit béo, các chất màu carotinoit, chlorophyll, α/β-tocopherol, và một số hợp chất vòng thơm như quercetin, axit gallic, axit caffeic.
ISOORIENTIN
Cây Lược vàng đã được sử dụng rất rộng rãi ở Nga và Việt Nam trong việc hỗ trợ và chữa trị nhiều bệnh như ung thư, bỏng, viêm nhiễm, lao phổi, bệnh tim mạch…, tại các nước Đông Âu cho biết cao chiết và nước ép cây Lược vàng có tác dụng bảo vệ gan, tăng cường hoạt động của cơ, ức chế vi sinh vật gây bệnh trong ruột. Mới đây, một nhóm nghiên cứu ở Viện Dược liệu đã chỉ ra rằng với liều 50 g lá tươi/kg thể trọng, Lược vàng không có tác dụng chống viêm nhưng có khả năng kháng khuẩn yếu trên chủng Staphylococcus aureus. Qua nghiên cứu bước đầu về thành phần hoá học và hoạt tính sinh học của cây Lược vàng, các nhà khoa học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Hoá học các Hợp chất Thiên nhiên đã phân lập được hợp chất isoorientin, một flavon C-glucosit mang nhiều hoạt tính sinh học lý thú.
 Bằng phương pháp tách trên Sắc ký lớp mỏng (TLC) và sắc ký cột; ứng dụng các phương pháp phân tích hóa học hiện đại như phổ khối lượng lượng phun mù điện tử (ESI-MS), phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) đã xác định được cấu trúc của isoorientin có trong cây lược vàng. 
Hợp chất isoorientin (3′,4′,5,7-tetrahydroxyflavone-6-C-β-D-glucopyranoside) là một flavon có mặt trong một số loài thực vật bậc cao. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hợp chất này thể hiện nhiều hoạt tính sinh học có giá trị trong các thử nghiệm in vitro và in vivo bao gồm hoạt tính chống oxi hoá, kháng viêm, kháng sinh, bảo vệ gan, chống tiểu đường, giảm đường máu. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy isoorientin được hấp thụ kém qua đường ruột nhưng lại được chuyển hoá thành các sản phẩm khác nhờ các vi sinh vật đường ruột đồng thời thời gian lưu giữ trong ruột khá dài (khoảng 12h) đủ để hợp chất này thể hiện các tác dụng sinh học.
Giống như các chất thuộc nhóm flavonoit, hoạt tính chống oxi hoá của isoorientin thể hiện rõ rệt. Hoạt tính chống viêm của isoorientin được thử nghiệm trên chuột nhắt bị gây viêm bằng carrageenan cho thấy với liều 30 mg/kg thể trọng, isoorientin làm giảm đến hơn 40% thể tích khối viêm mà hoàn toàn không gây độc cho dạ dày.
Một hoạt tính đáng quan tâm khác của isoorientin là những tác dụng liên quan đến bệnh tiểu đường. Có khá nhiều nghiên cứu chứng tỏ isoorientin có khả năng làm hạ đường huyết, giảm mỡ máu. Thí nghiệm trên mô hình chuột gây tiểu đường bằng streptozotocin cho thấy cao chiết nước và butanol từ lá cây Cecropia obtusifolia chứa isoorientin có tác dụng làm giảm

đường huyết sau khi cho uống 3 h.

Hợp chất isoorientin thể hiện hoạt tính kháng sinh yếu trên các chủng vi khuẩn và nấm với giá trị MIC trong khoảng 100-200 μg/mL. Trong một số nghiên cứu, mặc dù dịch chiết các mẫu thực vật chứa isoorientin ức chế mạnh sự phát triển các chủng vi sinh vật kiểm định nhưng khi được phân lập ra, hoạt tính của isoorientin lại có giá trị thấp hơn dịch chiết ban đầu. Ngoài những hoạt tính sinh học kể trên, isoorientin còn thể hiện những nhiều tác dụng khác như bảo vệ gan, thận, chống tụ máu , ức chế enzym acetylcholinesterase và butyrylcholinesterase vốn có liên quan đến các bệnh về thần kinh 

5/51 rating
Bình luận đóng