Tên khác: Cúc bách nhật, Bông nở ngày.

Tên khoa học: Gomphrena globosa l.

Họ: Rau dền – Amaranthaceae.

1. Mô tả, phân bố

Bách nhật là cây thảo mộc hàng năm cao 30-80cm, có lông. Lá mọc đối, mặt dưới phủ lông mềm màu trắng nhạt. Hoa họp thành đầu, màu đỏ tía, có hai lá ở gốc; trục cụm hoa có lông nhung. Lá bắc hình thuôn nhọn, khô xác; lá bắc con ôm lấy hoa. Đài 5 dính thành ống. Nhị 5. Bầu hình trứng với hai đầu nhuỵ hình chỉ. Quả là một túi có vỏ mỏng như màng. Hạt hình trứng màu nâu đỏ, bóng loáng. Mùa hoa tháng 7-10.

Cây gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, được trồng chủ yếu làm cảnh. Có thể thu hái hoa vào mùa hè thu khi hoa nở, dùng tươi hay phơi khô.

cay cuc bach nhat

2. Bộ phận dùng, thu hái

Bộ phận dùng của cúc bách nhật là hoa – Flos Gomphreae. Dược liệu bách nhật thường gọi là Thiên nhất hồng. Cây có thể thu hái quanh năm

3. Thành phần hóa học

Trong cụm hoa có gomphrenin 1. II.III.V.VI. Còn có amarathin và isoamaranthin.

4. Công dụng, cách dùng

Dược liệu bách nhật có vị ngọt, hơi chát, tính bình; có tác dụng khử đàm, tiêu viêm, bình suyễn, chống ho.  Thường dùng cúc bách nhật để điều trị: 1. Hen phế quản, viêm khí quản cấp và mạn; 2. Ho gà, lao phổi và ho ra máu; 3. Ðau mắt, đau đầu; 4. Sốt trẻ em, khóc thét về đêm; 5. Lỵ.

Liều dùng 9-15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị chấn thương bầm dập, bệnh ngoài da, nghiền cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa. Ở Campuchia, người ta dùng trị thấp khớp, đau nhức mình sau khi sinh.

Ðơn thuốc:

1. Hen phế quản: Cụm hoa Cúc bách nhật 6g, Tỳ bà diệp 6g, Bảy lá một hoa 6g. Nhót 10 g sắc uống, chia hai lần uống cách xa nhau. Các thành phần trên có thể nghiền thành bột, mỗi lần dùng 1,5-3g, 2 hay 3 lần trong ngày.

2. Trẻ em khóc thét về đêm: Cụm hoa Cúc bách nhật 5g, Xác ve sầu 3g, Cúc hoa 2g, sắc nước cho uống.

0/50 ratings
Bình luận đóng