Mục lục
Tên khoa học:
Euphoria longana Lamk. Họ khoa học: Họ Bồ Hòn (Sapindaceae).
Tên khác: Quế viên nhục, long nhãn can, mật ti, ích trí, long nhãn nhục
Mô tả:
Cây cao 5-7m. Lá mọc so le, kép, hình lông chim, gồm 5-9 lá chét, nguyên, hẹp, dày, cứng, dài 7-20cm, rộng 2,5-5cm. Ra hoa vào tháng 2-3, màu vàng nhạt, mọc từng chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Hoa gồm 5 lá đài, 5 cánh rời nhau, 6-10 nhụy, bầu 2-3 ô. Quả hành tròn, vỏ ngoài ráp, màu vàng nâu, bên trong có cùi mọng nước ngọt (áo hạt), giữa có hạt đen bóng.
Nguồn gốc:
Đây là loại áo hạt quả nhãn thuộc loài thực vật họ Bồ hòn.
Phân biệt tính chất, hình dạng:
Dược liệu là những miếng mỏng không theo qui luật, tách theo chiều dọc, do gia công mà thành, thường kết dính nhiều mảnh với nhau. Dài chừng 1,5 cm, rộng từ 2 đến 4cm, dầy khoảng 1 cm. Màu nâu, nửa trong suốt. Một mặt nhăn nheo, 1 mặt nhẵn bóng, có vân nhỏ theo chiều dọc, chất mềm nhuận, mùi nhẹ, vị ngọt. Loại nào cùi dầy, chất mềm nhũn, mầu nâu vàng, nửa trong suốt, vị ngọt là loại tốt.
Tính vị và công hiệu:
Long nhãn tính ôn, Vị ngọt, lợi về kinh tâm, tỳ. Có công hiệu bổ tâm bổ tì, dưỡng huyết an thần. Dùng cho người mắc các di chứng khí huyết bất túc, yếu tim, hay sợ hãi, hay quên, mất ngủ, huyết hư uỷ hoàng v.v…
Theo các nghiên cứu hiện đại thì trong long nhãn có hàm chứa chất đường nho, đường mía, chất albumin, chất mỡ, chất kiềm trong mật, vitamin B1, B2, vitamin C và vitamin P, ngoài ra còn có các nguyên tố như calci, phospho, sắt v.v… Có tác dụng chống vi khuẩn và chống ung thư.
Bảo quản:
Vì long nhãn có hàm chứa nhiều đường, nên rất dễ bị ẩm và sâu mọt, vì vậy nên bảo quản trong đồ đựng khô ráo, chống ẩm và chống mọt.
Những cấm kị trong khi dùng thuốc:
Vị thuốc tính ôn, nhuận mà ngấy. Có thể trợ hoả sinh thấp, phàm những người có đờm hoả và thấp trệ, đình ẩm kiêng không dùng.
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Long nhãn
Khí vị:
Vị ngọt, tính bình, không độc, vào kinh Túc thái âm và kinh Thủ thiếu âm.
Chủ dụng:
Vị ngọt bổ ích cho tạng Tỳ, bổ Tâm hư mà thêm trí khôn, làm tươi khí của Dạ dày, chữa hay quên, hồi hộp, yên thần, thêm giấc ngủ, không nóng, không lạnh, khí hòa bình đáng quý, nuôi da thịt, đẹp nhan sắc. uống nhiều thì mạnh chí, thông minh, dùng lâu thì nhẹ mình trẻ lâu, trong thang Quy tỳ nó có công ngang vị Nhân sâm, vì Tỳ được bồi bổ thì trung khí đầy đủ, nguồn sinh hóa không kiệt, năm tạng đều yên, trăm tà đều tiêu hết, vả lại vị ngọt thì nuôi được huyết, bổ cho Tâm mà làm mạnh thần.
Kỵ dụng:
Tiết tả hoạt tràng, bụng trên đầy thì cấm dùng.
Nhận xét:
Ngoài việc dùng trong các phương thang còn có phép ăn Long nhãn để chữa chứng hư lao. Khi ăn phải giữ cho khí hòa, Tâm tĩnh.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Tế sinh phương”
Bài Quy tỳ thang
Nhân sâm 12g, Long nhãn 8g, Bạch truật 12g, Táo nhân sao 12g, Hoàng kỳ 12g, Đương quy 8g, Phuc thần (bỏ lõi) 12g, Viễn chí 4g, Mộc hương 2g (cho vào sau), chích Cam thảo 2g, Đại táo 4 quả, Gừng tươi 3 nhát.
Sắc, chia uống nhiều lần trong ngày. Có thể làm hoàn uống dần, liều uống 12-16g, ngày 2 lần.
Có tác dụng kiện tỳ, ích khí, bổ huyết, dưỡng Tâm.
Trị Tâm, Tỳ đều hư, khí huyết không đủ, mỏi mệt, ít ăn, Tim hồi hộp, mất ngủ, hay quên, chứng tiểu ra máu và phụ nữ rong kinh do Tỳ không nhiếp huyết, hoặc kinh nguyệt chậm kỳ, hiếm muộn, mạch hư hoãn, hoăc tế nhươc.
Gia giảm
Hỏa vượng gia Đan bì, Chi tử.
Âm hư gia Thục địa.
Huyết hư, kinh bế, hành kinh đau bụng gia Ngũ linh chi, Hồng hoa, Đào nhân.
Huyết hư, đau bụng (viêm Dạ dày) gia Bạch thược.
Chân tay đau, mỏi do Tỳ hư gia Nhục quế
“Hiệu phỏng tân phương”-Hải Thượng Lãn Ông
Bài Nhị long ẩm
Cao Ban long 1 lạng (10đ), Long nhãn 1 lạng (lạng 10đ).
Sắc nước Long nhãn, bỏ bã, cho cao Ban long vào, khuấy tan, uống ấm.
Chủ trị các chứng lo nghĩ tổn thương Tỳ, không ngủ, ra mồ hôi trộm, về chiều lên cơn sốt, buồn phiền, khát nước, đại tiện táo kết, sắc mặt úa vàng, da khô, phụ nữ kinh khô, thiếu máu, ăn ít.
Phương này trọng dụng dược phẩm bổ tinh huyết đi tắt vào Tỳ để bổ Tỳ âm, tăng nguồn gốc của huyết, làm cho Khảm thủy đi ngầm ở dưới, Đoài thủy nhàn nhã ở trên, Tỳ thổ có đủ đức tính nhu nhuận của tượng Khôn, muôn vật sẽ tươi tốt, còn đâu chứng khô táo nữa. Thực là một phương thuốc quý báu.
“Y học trung trung tham tây lục”
Bài Phù trung thang
Long nhãn, Bạch truật, Sơn dược.
Trị chứng tiết tả lâu không dứt, khí huyết đều hư, thân thể suy nhược.
Các phương thuốc bổ dưỡng thường dùng:
Long nhãn tửu (Rượu long nhãn)
Long nhãn 30g – Rượu trắng 500ml
Ngâm trong 7 ngày trở ra là dùng được. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10ml.
Có thể kiện tỳ vị, phấn chấn tinh thần, trị các bệnh về mỏi mệt do làm nhiều, mất ngủ, hay quên, kinh hãi v.v…
Ngọc linh cao (cao ngọc linh)
Long nhãn 30g – Đường trắng 3g
Bỏ vào bát, trùm lên bằng một lớp vải màn, hấp trong nồi cơm nhiều lần. Mỗi lần hoà nước sôi 1 – 2 thìa mà uống. Chữa bệnh lão suy gầy yếu, thể hư sau khi đẻ.
Quế viên cao (cao long nhãn)
Long nhãn 2500g – Câu kỷ tử 3000g
Bỏ vào nồi đất, cho nước vừa phải, sắc từ từ, cho thêm nước nhiều lần, sắc cho đến khi long nhãn và cầu kỷ tử không còn mùi, vị, bỏ bã, lấy nước cô đặc thành cao. Uống nhiều lấn, mỗi lần 3 thìa. Là loại thuốc đại bổ khí huyết, tươi da thắm thịt.
Quế viên am thuần đản (long nhãn trứng chim cút)
Trứng chim cút 4 quả – Long nhãn 15g
Đường đỏ 10g
Trứng chim cút đập bỏ vỏ, đánh lẫn với long nhãn, đường đỏ, bỏ cả vào bát, cho nước vừa phải, hấp chín. Mỗi buổi sớm ăn một lần. Ăn thường xuyên.
Dùng để chữa bệnh tử điến, do chất huyết tiểu bản trong máu bị giảm thiểu.
Long nhãn liên tử chúc (cháo long nhãn, hạt sen)
Long nhãn 5g – Cùi hạt sen 10g
Gạo tẻ 100g.
Nấu cháo ăn.
Dùng cho người thiếu máu, tim đập hoảng hốt, mất ngủ v.v…
Long nhãn hoa sinh (lạc nhân, long nhãn)
Long nhãn 10g – Muối ăn vừa phải.
Lạc nhân còn vỏ 15g
Nấu lên ăn. Dùng cho người thiếu máu
Long nhãn đại táo (long nhãn táo tầu)
Long nhãn 30g – Táo tầu 30g
Nấu lên ăn. Dùng cho người thiếu máu, thần kinh suy nhược.
Long nhãn câu kỷ chúc (cháo long nhãn, câu kỷ tử)
Long nhãn 15g – Táo tầu 4 quả
Câu kỷ tử 10g – Gạo lức 100g
Nấu gạo lức thành cháo, đun sôi lên 10 phút, bỏ long nhãn, câu kỷ tử, táo tầu vào ninh cho chín. Ăn vào buổi sớm lúc ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Song cần chú ý nếu uống lạnh sẽ dẫn tới đầy hơi ở dạ dày.
Phương thuốc này dùng cho những người do máu tim thiếu dẫn tới chứng tim đập hoảng hốt gấp nhịp, tâm hoảng loạn, mất ngủ, hay quên, tỳ hư phù thũng, tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm v.v…
Quế viên sâm mật cao (Cao long nhãn, đảng sâm, mật ong)
Long nhãn 120g – Sa sâm 125g
Đảng sâm 250g
Cả ba vị trên cho nước vào sắc 3 lần, dồn làm một, đun nhỏ lửa cô lại thành cao đặc, cho thêm 250g mật ong vào đun sôi thì dập lửa, đợi nguội lạnh đổ vào chai dùng dần. Mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày uống 3 lần.
Dùng cho người mắc chứng thể chất hư nhược, gầy mòn, phiền khát, ho khan ít đờm, tiếng khản đặc, mệt mỏi vô lực v.v…
Quế viên quất bính đường (Kẹo long nhãn, bánh quất)
Long nhãn 100g – Đường kính 500g
Bánh quất 100g
Cho đường vào nồi nhôm, cho nước vừa phải, đun nhỏ lửa cho tới khi đặc lại, cho bánh quất và long nhãn vào, quấy đều, tiếp tục đun cho tới khi dùng bàn sẻn xêu lên đã thành sợi mà không dính tay thì dập lửa.
Đổ cả mẻ kẹo lên khay men to có láng dầu ăn, chờ nguội, dùng dao sắc cắt đều thành khoảng trăm miếng cả thảy. Ăn ngày 4 lần, mỗi lần 2 – 3 miếng.
Dùng cho người bị ỉa chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày v.v…
Long nhãn táo nhân ẩm (Thuốc sắc long nhãn, táo nhân)
Long nhãn 10g – Khiếm thực 12g
Táo nhân 10g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Dùng cho người tâm âm huyết hư, hư hoả nội nhiều không thể hạ tế, thận âm, dẫn tới tim đập hoảng hốt loạn nhịp, mất ngủ hay quên, tinh thần mệt mỏi, di tinh v.v…
Quế viên linh chi ẩm (Thuốc sắc long nhãn, linh chi)
Long nhãn 10g – Tử linh chi 15g
sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sớm, tối.
Dùng cho người mất ngủ vì tâm, tỳ hư tổn.
Quế viên nhân sâm băng đường ẩm (Long nhãn, nhân sâm, đường phèn)
Long nhãn 10g – Đường phèn vừa phải
Sinh sái sâm 10g
Sắc uống. Uống thường xuyên.
Dùng cho người già thể nhược hư gầy, ăn ít, tinh thần mệt mỏi.
Quế viên đồn tử nhục (long nhãn hầm thịt lợn)
Long nhãn 10g – Thịt nạc 100g
Bách hợp 9g
Hầm cách thuỷ cho chín mà ăn. Ăn liền 5 lần.
Dùng cho người già tâm tỳ hư tổn, đầu váng, mắt hoa, hay quên.
Long nhãn dương sâm ẩm (thuốc sắc long nhãn, tây dương sâm)
Long nhãn 30g – Tây dương sâm 6g.
Thêm ít đường trắng và nước vừa phải, đặt vào nồi nước sôi hấp 40 – 50 phút là được. Uống vào buổi sớm, buổi tối.
Dùng cho người tim đập hoảng hốt, khí đoản, mất ngủ, hay quên v.v…
Long nhãn kê đản (long nhãn, trứng gà).
Long nhãn 13g – Trứng gà 3 quả
Trứng gà đập bỏ vỏ, cho long nhãn và nước vừa phải, hấp chín.
Uống thường xuyên. Dùng cho người phù thũng sau khi đẻ.
Long nhãn khiếm thực chúc (cháo long nhãn, khiếm thực)
Long nhãn 15g – Khiếm thực 15g
Cùi hạt sen 6g – Gạo lức 60g
Cho nước vào nấu thành cháo.
Dùng cho người tỳ hư, ỉa chảy, tự đổ mồ hôi, thiếu máu, phụ nữ yếu đuối trước hoặc sau khi đẻ, phù thủng, kinh nguyệt không điều hoà v.v…
Quế viên đồng tử kê (long nhãn, gà giò)
Gà giò 1 con (khoảng 1.000g)
Long nhãn 30g
Giết gà bỏ lòng ruột rửa sạch, bỏ vào nồi nước sôi đun trong 5 phút, vớt ra bỏ vào nối thang. Cho long nhãn, rượu gia vị, hành, gừng, muối với nước lã, ninh trong 1 giờ.
Dùng cho người thiếu máu, mất ngủ, tim đập hoảng hốt.
Người khoẻ mạnh ăn vào cũng bồi bổ sức khoẻ, tăng cường thể lực chống mệt mỏi.
Long nhãn ô câu đại táo thang (thang long nhãn, đậu đen, táo tầu)
Long nhãn 15g – Táo tầu 50g
Đậu đen 50g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sớm, tối.
Dùng cho người huyết hư tim đập hoảng hốt, thận hư lưng đau, râu tóc sớm bạc, tỳ hư chân phù v.v… Là vị thuốc qui để bồi bổ cho người già vào mùa đông.
Long nhãn can khương thang (thang long nhãn, gừng khô)
Long nhãn 50g – Táo tầu 5 quả
Gừng khô 10g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Dùng cho người phù thũng sau khi đẻ. Đối với người phù thũng vì khí hư cũng có công hiệu chữa trị.