I. ĐỊNH NGHĨA VÀ PHÂN LOẠI

Vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm

Là một trong những tật bẩm sinh về cơ quan vận động thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi. Trẻ có khối u cơ hình quả trám cứng, co thắt, không đau tại cơ ức đòn chũm, khối u thường xuất hiện rõ nhất khoảng từ 1 – 2 tuần sau khi sanh. Trẻ không có khả năng đưa đầu về phía đường giữa. Đầu trẻ nghiêng về phía có u cơ trong khi mặt xoay về phía hướng đối diện, có giới hạn ROM (range of movement-tầm vận động) nghiêng và xoay cổ. Có thể kèm theo đầu méo, mặt lép, lâu dần sẽ có thêm biến dạng vẹo cột sống. Nếu không được phát hiện và tập Vật Lý Trị Liệu sớm, khối u cơ sẽ xơ hoá, gây co rút cơ và giới hạn ROM cổ.

Vẹo cổ không có u cơ

Đầu trẻ nghiêng về một bên, mặt xoay về phía đối diện, ROM bình thường, đôi khi có kèm lép mặt.

II. CHẨN ĐOÁN

Vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm

Không được rõ, thường gặp trong các trường hợp sang chấn sản khoa, sanh ngôi mông, dây rốn quấn cổ, chèn ép thai trong tử cung.

Vẹo cổ không có u cơ

  • Do tư thế nằm
  • Sau nhiễm siêu vi, viêm tai mũi họng…
  • Do chấn thương, do biến dạng cột sống cổ…

III. CHẨN ĐOÁN

1. Hỏi bệnh sử

  • Tiền căn sản khoa: sanh ngôi đầu, sanh ngôi mông, sanh khó, sanh hút? Phương pháp sanh: sanh thường, sanh mổ, sanh kẹp, sanh hút. Có dây rốn quấn cổ?
  • Phát hiện u cơ khi nào? Phát hiện trẻ bị nghiêng cổ khi nào?
  • Có nhiễm trùng tai mũi họng thời gian gần đây không?
  • Đã điều trị bằng phương pháp nào? Trong bao lâu?

2. Khám lâm sàng

Khám khối u cơ: vị trí, kích thước, cơ co thắt (cơ ức đòn chũm, cơ .)?

Khám biến dạng khác: đầu méo, mắt xệ, mặt lép, xương chũm lồi, xương đòn và vai nhô cao, có thể có vẹo cột sống đối với trẻ lớn)?

Tư thế đầu khi nằm ngửa hoặc khi được bế lên: có nghiêng đầu về một bên không?

Tầm vận động cột sống cổ (tầm độ nghiêng và xoay cổ) có giới hạn không? Xác định mức độ giới hạn?

Khám xem có các dị tật khác kèm theo? (trật khớp háng, chân khoèo, bàn chân lật ngoài…)

3. Cận lâm sàng

  • Siêu âm cơ ức đòn chũm
  • X-quang cột sống cổ.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán vẹo cổ do tật cơ

  • Có khối u cơ cứng, chắc, không đau, không di động tại vị trí của cơ ức đòn chũm
  • Siêu âm xác định có khối u cơ ức đòn chũm

5. Chẩn đoán phân biệt

  • Hạch cổ do nhiễm trùng gây sưng, đau
  • Biến dạng cột sống cổ: tật nửa đốt sống bẩm sinh
  • Vẹo cổ ở trẻ có tổn thương não do có phản xạ trương lực cổ bất đối xứng, chậm phát triển vận động hoặc do giảm trương lực cơ.
  • Vẹo cổ không rõ nguyên nhân.

IV. ĐIỀU TRỊ

  • Cần phát hiện sớm và điều trị sớm bằng phương pháp vật lý trị liệu, tốt nhất ở trong tháng đầu sau khi Khi điều trị trễ hoặc điều trị bảo tồn thất bại (khối u cơ không nhỏ hơn, giới hạn tầm vận động nghiêng và xoay cổ), nên gửi bệnh nhân khám chỉnh hình để được phẫu thuật.
  • Mục đích của việc tập vật lý trị liệu: nhằm ngăn ngừa co rút cơ ức đòn chũm, cơ thang trên, ngăn ngừa biến dạng, lấy lại tầm vận động cổ bình thường

1. Điều trị bảo tồn

  • Vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm:

+ Không massage khối u cơ

+ Tập khi bệnh nhân đang ngủ

+ Kéo giãn thụ động nhẹ nhàng cơ co rút bằng động tác nghiêng và xoay cổ: mỗi động tác kéo giãn khoảng 5 phút và kéo dài 30 phút cho một lần tập, động tác được lặp lại nhiều lần, tập nhiều lần trong ngày. Luôn giữ trẻ thoải mái và thư giãn trong suốt thời gian tập luyện

Những điều cần lưu ý khi kéo dãn thụ động:

+ Kéo giãn nhẹ nhàng, không kéo giãn tối đa ngay tức khắc mà phải kéo giãn từ từ

+ Không nên tập khi đứa trẻ có sức kháng cự, mà nên dừng lại đợi khi trẻ thả lỏng

+ Hướng dẫn gia đình các tư thế tốt trong tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp, cách bế trẻ. Khi trẻ có khả năng tiếp xúc: kích thích cho trẻ tự xoay đầu chủ động bằng tiếng động, ánh sáng, trong mọi tư thế (sấp, ngửa, ngồi) bằng các dụng cụ như: banh, bập bênh,…

  • Vẹo cổ không có u cơ:

+ Có thể tập khi bé thức

+ Tập mạnh chủ động nhóm cơ cổ  đối  bên  bằng  tư  thế, bằng banh…

+ Kéo giãn nhóm cơ cổ bên bị ảnh hưởng bằng tư thế, bằng tay của KTV.

+ Hướng dẫn gia đình các tư thế tốt trong vị thế nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp, cách bế trẻ.

2. Điều trị sau phẫu thuật

  • Áp dụng 36 giờ sau khi mổ.
  • Tập vận động chủ động trợ giúp để lấy lại tầm hoạt động trong mọi tư thế (nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng).
  • Tiếp đến tập vận động chủ động đề kháng nhẹ và không gây đau
  • Giữ đầu thẳng trong tư thế ngồi, đứng và bất cứ tư thế nào.

3. Bài tập về nhà

  • Giữ đầu trong tư thế trung tính trong lúc ngủ cũng như lúc chơi
  • Cách bế trẻ đúng: giữ đầu và lưng thẳng
  • Nếu trẻ trên 3 tháng tuổi nên dùng đồ chơi, ánh sáng, tiếng động để khuyến khích trẻ quay đầu về phía ngược lại.
0/50 ratings
Bình luận đóng