Đại cương về bệnh viêm gan B:
Virus Viêm gan B thuộc nhóm virút Hepadna, là tác nhân gây viêm gan vi rút B. Đây là một bệnh phổ biến trên thế giới nhất là khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Hàng năm có khoảng 200 triệu người bị viêm gan B. Ớ Việt Nam , tỷ lệ người lành mang trùng khá cao từ 15- 25%. Bệnh lây qua đường máu, đường tình dục và lây từ mẹ sang con chủ yếu trong kỳ chu sinh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh ở thời kỳ khởi phát giống như cảm cúm (còn gọi là biểu hiện giả cúm) như sốt , mệt mỏi, chán ăn, đi tiểu ít và nước tiểu sẫm màu. Người bệnh rất mệt mỏi nhưng tình trạng nhiễm khuẩn lại rất thô sơ.
Trong thời kỳ toàn phát, bệnh nhân thường có biểu hiện vàng mắt vàng da, có thể có phát ban dạng sởi trên da. Thăm khám có thể thấy gan to, đôi khi có lách to. Xét nghiệm thường thấy men gan tăng cao nhất là men SGPT (có thể cao gấp 5 đến 10 lần so với bình thường), Bilirubine máu tăng. Phần lớn các trường hợp viêm gan cấp diễn biến trong vòng 4-6 tuần rồi khỏi về mặt lâm sàng. Theo qui ước, viêm gan cấp sẽ được ổn định trong vòng 6 tháng. Viêm gan B có thể diễn biến thành viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan nguyên phát với các tỷ lệ khác nhau tuỳ từng khu vực và đáp ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân.
Xem về bệnh viêm gan B
Các loại Vacxin viêm gan B:
Vacxin viêm gan B thế hệ thứ nhất :
Vacxin viêm gan B thế hệ một được chế tạo từ huyết tương người mang HBsAg (+). HBsAg này được tinh chế để loại trừ những yếu tố khác gắn vào. Vacxin này đã được dùng để phòng bệnh cho người lớn, trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc viêm gan B và đã chứng tỏ là loại Vacxin có hiệu lực và an toàn. Tuy nhiên, Vacxin thế hệ thứ nhất có một số nhược điểm : số’ lượng hạn chế vì kháng nguyên ít, khó bảo đảm tinh khiết, khó làm mất tính gây bệnh mà vẫn giữ được tính sinh miễn dịch, phải thử tính an toàn trên vượn. Các nhược điểm đó đã làm cho việc sản xuất Vacxin rất tốn kém, không thể trở thành một Vacxin sử dụng rộng rãi được.
Các loại Vacxin thế hệ thứ nhất gồm : Hevac B (Pasteur), Heptavax ( MSD), Vacxin của Việt Nam sản xuất.
Vacxin thế hệ thứ hai (Vacxin tái tổ hợp ) :
Áp dụng kỹ thuật công nghệ sinh học tổng hợp. Dùng tế bào động vật, nấm, hoặc tạo một plasmid . Nguồn vào dùng gen s hoặc Pre – S2 . Như vậy lợi dụng được tính sinh miễn dịch cao của đoạn s và Pre S2 mà Vacxin sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp này có hiệu quả và độ an toàn rất cao.
Các loại Vacxin thế hệ thứ hai hiện có gồm : Engerix ( SB), Recombivax (MSD), Genhevac B ( Pasteur)
Bảng sau đây tóm tắt một số Vacxin viêm gan B đang được lưu hành tại Việt Nam:
Hãng sản xuất | Tên thương mại | Nước sản xuất | Loại Vacxin |
GlaxoSmithKline | Engerix-B | Bỉ | DNA tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline | Twinrix | Bỉ | Kết hợp HAV và HBV tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline | Tritanrix -HB | Bỉ | Kết hợp DPwT và HB tái tổ hợp |
GlaxoSmithKline | Infanrix-HB | Bỉ | Kết hợp DPaT và HB tái tổ hợp |
Korea Green Cross | Hepavax B | Hàn Quốc | Chế phẩm huyết tương |
Korea Green Cross | Hepavax- Gene | Hàn Quốc | DNA tái tổ hợp |
LG Chemical | EuvaxB | Hàn Quốc | DNA tái tổ hợp |
Merck Sharp&Dome | RecombivaxH -B-Vaxll | Mỹ | DNA tái tổ hợp |
Merck Sharp&Dome | Comvax | Mỹ | Kết hợp HiB và DNA tái tổ hợp |
Pasteur Mérieux Connaught | Genhevac-B | Pháp | DNA tái tổ hợp |
Centro de Ingenieria Genetics Y Biotecnologia | Enivac-HB | Cuba | DNA tái tổ hợp |
Viện VSDT TƯ | Vacxin viêm gan B | Việt Nam | Chế phẩm huyết tương |
Heva B vax | Trung Quốc | Chế phẩm huyết tương | |
Viện Vacxin và Huyết thanh Thụy sĩ | Heprecombe | Thụy sĩ | DNA tái tổ hợp |
Tác dụng phụ :
Hầu hết các Vacxin viêm gan B đều rất an toàn, rất ít các phản ứng phụ. Các phản ứng phụ có thể gặp là : Sưng đau chỗ tiêm(5-15%), sốt nhẹ (2-3%), buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ khớp.
Chống chỉ định :
Người lành mang trùng
Người đã có miễn dịch với viêm gan B
Chỉ định tiêm Vacxin:
Dịch tễ học của viêm gan B chỉ ra rằng nhiều nhóm tuổi cần phải được tiêm phòng viêm gan B.
- Tiêm Vacxin viêm gan B trước khi tiếp xúc với nguồn bệnh:
- Tiêm Vacxin thường xuyên cho trẻ sơ sinh : Tiêm Vacxin viêm gan B cho mọi trẻ em. Liều đầu tiên tiêm ngay từ lúc mới sinh và hoàn thành việc tiêm Vacxin vào lúc 18 tháng tuổi.
- Đối với trẻ sinh ra từ người mẹ có HBsAg âm tính nhưng cân nặng lúc sinh chỉ có 1,5kg có thể tiêm Vacxin viêm gan B muộn hơn hoặc lúc ra viện khi trẻ đã được 2kg hoặc chờ khi trẻ đến 2 tháng tuổi thì sẽ được tiêm theo lịch tiêm chủng. Nếu trẻ sinh ra từ người mẹ có HBsAg và HBeAg dương tính thì phải tiêm HBIG ngay trong 12 giờ đầu sau khi sinh sau đó tiêm Vacxin viêm gan B vào một vị trí khác.
- Tiêm Vacxin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao: Những nhóm người sau đây cần tiêm phòng ngay Vacxin viêm gan B :
Người mắc bệnh lây qua đường tình dục (STDs) Người đồng tính luyến ái hoặc tình dục lưỡng tính Có quan hệ tính dục với người HBsAg dương tính Người nghiện chích ma túy
Những người tiếp xúc với máu và dịch sinh học của bệnh nhân do rủi ro nghề nghiệp bao gồm các nhân viên y tế, nhân viên phòng xét nghiệm, nha sĩ, và những người khác có liên quan đến chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân viêm gan
Những người được lọc máu nhiều lần Những người sống trong vùng dịch lưu hành cao Những người du lịch quốc tế
Tiêm Vacxin viêm gan B sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh:
Phòng lây nhiễm HBV trong kỳ chu sinh:
Tất cả phụ nữ có thai nên được xét nghiệm HBV.
Những trường hợp sau nên tiêm phòng bệnh viêm gan B:
- Phụ nữ mang thai có HBsAg âm tính nhưng có nguy cơ cao bị nhiễm HBV như người nghiện chích ma tuý, người có nhiều bạn tình hoặc người có biểu hiện lâm sàng của viêm gan.
- Trong gia đình có người mang HBsAg hoặc những bạn tình của người phụ nữ mang thai có HBsAg dương tính.
- Phụ nữ mang thai có HBsAg dương tính cần báo cho cán bộ y tế phụ trách biết để theo dõi.
Trẻ em sinh ra từ người mẹ có HBsAg dương tính nên tuân thủ các điều sau:
- Tiêm liều Vacxin viêm gan B phù hợp và một liều HBIG trong 12 giờ đầu sau sinh
- Tiêm đủ liều Vacxin theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Xét nghiệm Anti-HBs và HBsAg lúc 9 và 15 tháng tuổi. Nếu anti-HBs âm tính thì phải tiêm lại một liều Vacxin viêm gan B nữa.
Phòng lây nhiễm đối với những thai phụ chưa xét nghiệm HBV:
Phụ nữ nhập viện để đẻ mà trước đó chưa xét nghiệm thì nên xét nghiệm ngay HBsAg. Trong khi chờ đợi kết quả, phải tiêm ngay mũi Vacxin đầu cho trẻ trong 12 giờ đầu sau khi sinh.
- Nếu mẹ được xét nghiệm , có kết quả HBsAg dương tính thì phải tiêm ngay globulin chống viêm gan B (HBIG) càng sớm càng tốt trong vòng 7 ngày sau khi sinh. Nếu không có HBIG thì phải tiêm đủ 3 liều Vacxin cơ bản theo lịch của nhà sản xuất.
- Nếu mẹ xét nghiệm có kết quả HBsAg âm tính thì đứa trẻ được tiêm Vacxin viêm gan B như thường quy.
- Những người bị tiếp xúc với máu bệnh nhân viêm gan B do rủi ro nghề nghiệp:
- Sau khi bị tai nạn, cần lấy ngay máu để xét nghiệm HBsAg
- Kiểm tra xem người đó đã được tiêm Vacxin viêm gan B chưa.
Việc tiêm Vacxin viêm gan B sau khi bị tai nạn được khuyến cáo theo bảng dưới đây:
Tình trạng lúc phơi nhiễm | Tiếp xúc nguồn HBsAg dương tính | Tiếp xúc nguồn HBsAg âm tính | Tiếp xúc nguồn chưa xét nghiệm |
Chưa tiêm Vacxin | Tiêm HBIG và Vacxin mũi 1
| Tiêm Vacxin theo hướng dẫn của nhà sản xuất | Tiêm Vacxin theo hướng dẫn của nhà sản xuất |
Đã tiêm Vacxin | |||
-Đã có miễn dịch | Không điều trị | Không điều trị | Không điều trị |
– Chưa có miễn dịch | Tiêm 2 liều HBIG hoặc một liều HBIG và 1 liều Vacxin | Không điều trị | Nếu có nguy cơ cao thì xử lý như đối với tiếp xúc với nguồn HBsAg dương tính |
– Không rõ đáp ứng | Thử test AntiHBs Nếu dương tính thì không cần xử lý gì. Nếu âm tính thì tiêm 1 liều HBIG và 1 liều Vacxin | Không điều trị | Thử test AntiHBs Nếu dương tính thì không cần xử lý gì. Nếu âm tính thì tiêm 1 liều HBIG và 1 liều Vacxin |
Tổ chức Y tế thế giới đã có hướng dẫn và khuyến cáo như sau:
- Để có thể dự phòng lâu dài nhiễm virút viêm gan B, phải tiêm Vacxin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh ngay sau khi đẻ. Việc tiêm Vacxin này nên đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
- Đối với các nước có tỷ lệ người mang HBsAg trong cộng đồng từ 2% trở lên, chiến lược tốt nhất để phòng bệnh là đưa Vacxin viêm gan B vào chương trình tiêm chủng thường xuyên cho trẻ sơ sinh.
- Tiến hành tiêm Vacxin Viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trên thế giới được khuyến cáo từ năm 1997.
Lịch tiêm chủng 2 loại Vacxin viêm gan B thế hệ 2 theo hãng sản xuất:
Nhóm đối tượng | Lịch tiêm | Recombivax HB (liều lượng) | Engerix B (liều lượng) |
Trẻ sơ sinh có mẹ: | |||
HBsAg (-) | Mũi 1: lúc 0-2tháng Mũi 2: sau mũi một 1-4 tháng Mũi 3: sau mũi hai 6-18 tháng | 2,5µg/ 0,5ml | 10µg/ 0,5ml |
HBsAg (+) | Mũi 1 : trong 12 giờ sau khi sinh cùngHBIG Mũi 2 : sau mũi một 1-2tháng Mũi 3: sau mũi hai 6 tháng | 5µg/0,5ml | 10µg/ 0,5ml . |
Trẻ 1-10 tuổi | Mũi 1: Tiêm mũi đầu Mũi 2: sau mũi một 1-2 tháng Mũi 3: sau mũi hai 4-6 tháng | 2.5µg /0,5ml | 10µg/ 0,5ml |
Từ 11-19 tuổi | Mũi 1: Tiêm mũi đầu Mũi 2: sau mũi một 1-2 tháng Mũi 3: sau mũi hai 4-6 tháng | 5 µg /0,5ml | 10µg/ 0,5ml |
Người lớn | Mũi 1: Tiêm mũi đầu Mũi 2: sau mũi một 1-2 tháng Mũi 3: sau mũi hai 4-6 tháng | 10µg /1 ml | 20µg/ 0,5ml |
Lịch tiêm Vacxin viêm gan B do Việt Nam sản xuất cho trẻ sơ sinh và trẻ em theo tháng tuổi:
Tiêm mũi 1 : 0 tháng tuổi Tiêm mũi 2 : 1 tháng tuổi Tiêm mũi 3 : 6 tháng tuổi Tiêm nhắc lại: Sau 5 năm
Liều 20µg /1ml cho người lớn, 10 µg/ 0,5ml cho trẻ em dưới 10 tuổi