Mục lục
Tên khoa học:
Curcuma longa L. Họ khoa học: Họ Gừng (Zingiberaceae).
Tên khác:
Mã thuật (Tân Tu Bản Thảo, Ngũ đế túc, Hoàng uất, Ô đầu (Thạch Dược Nhĩ Nhã), Ất kim (Bản Kinh), Ngọc kim (Biệt Lục), Thâm hoàng, Uất sưởng, Kim mãu thuế (Hòa Hán Dược Khảo), Nghệ (Dược Liệu Việt Nam).
Mô Tả:
Nghệ là một loại cỏ cao 0,60 đến 1m. Thân rễ thành củ hình trụ hoặc hơi dẹt, khi bẻ hoặc cắt ngang có màu vàng cam sẫm. Lá hình trái xoan thon nhọn ở hai đầu, hai mặt đều nhẵn dài tới 45cm, rộng tới 18cm. Cuống lá có bẹ. Cụm hoa mọc từ giữa các lá lên, thành hình nón thưa, lá bắc hữu thụ khum hình máng rộng, đầu tròn màu xanh lục nhạt, lá bắc bất thụ hẹp hơn, màu hơi tím nhạt. Tràng có phiến, cánh hoa ngoài màu xanh lục vàng nhạt, chia thành ba thuỳ, thuỳ trên to hơn, phiến các hoa trong cũng chia ba thùy, 2 thuỳ hai bên đứng và phẳng, thuỳ dưới lõm thành máng sâu. Quả nang 3 ngăn, mở bằng 3 van. Hạt có áo hạt.
Địa lý:
Được trồng ở khắp nơi trong nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Còn mọc và được trồng ở các nước Ấn Độ, lndonexia, Campuchia, Lào, Trung Quốc và các nước nhiệt đới.
Thu hái:
Thu hoạch vào mùa thu. Cắt bỏ hết rễ, thân rễ để riêng. Muốn để được lâu phải đồ, hoặc hấp trong 6 – 12 giờ, sau đó đợi ráo nước, đem phơi nắng hoặc sấy khô,
Phần dùng làm thuốc:
Thân rễ gọi là Khương hoàng (Rhizoma Curcumae Longae); Rễ gọi là Uất kim (Radix Curcmae Longae).
Mô tả dược liệu:
Hoàng Uất kim: Hình thoi, hai đầu hơi nhọn, ở giữa mập, dài 1-3,3cm, đường kính ở giữa 0,2-0,5cm. Mặt ngoài mầu vàng tro hoặc nâu nhạt, có vằn nhăn nhỏ mầu trắng tro và những chấm nhỏ lõm xuống rất rõ. Một đầu có vết bị bẻ gẫy, mầu vàng tươi, còn đầu kia hơi nhọn. Chất cứng chắc, mặt gẫy ngang phẳng, bóng, sáng, chất cứng như sừng, mầu vàng chanh hoặc vàng da cam. Giữa có một đốm tròn mầu nhạt, hơi có mùi thơm của Gừng, vị cay, đắng (Dược Tài Học).
Hắc Uất kim: Hình thoi dài, hơi dẹp, cong nhiều, hai đầu nhọn tầy, dài 3,3-6,6cm, đườnng kính ở giữa củ 1-2cm. Mặt ngoài mầu nâu tro, vỏ ngoài nhăn hoặc có vằn nhăn nhỏ. Chất cứng, mặt gẫy mầu xám, bóng, ở giữa có một đường vòng tròn mầu nhạt, tâm giũă hình tròn dẹt. Không mùi, vị nhạt nhưng cay, mát (Dược Tài Học).
Bào chế:
Ngâm nước, rửa sạch, vớt ra phơi, khi ẩm thì cắt ra từng miếng để dùng dần.
Bảo quản:
Để nơi khô ráo, tránh sâu mọt.
Thành phần hóa học:
+ Curcumin, Demothoxycurcumin, Bisdemothoxy curcumin (Lý Tuấn Phu, Trung Y Dược học Báo 1987, (2): 39).
+ Tumerone, Ar-Tumerone, Germacrone, Terpinene, Curcumene, Ar- Curcumene, Curdione, Curcumol, Turmerone, Cineol, Caryophyllene, Limonene, Linalool, a-Piene, b-Piene, Camphene, Isoborneol (Giả Khoan, Trung Quốc Miễn Dịch Học Tạp Chí, 1989, 5 (2): 121).
+ d-Camphene, d-Camphor, l-a-Curcumene, l-b- Curcumene, Curcumin, Demothoxycurcumin, Bisdemothoxy curcumin, Tumerone, Ar-Tumerone, Carvone, p-Tolylmethylcarbioldifferuloylmethane (Trung Dược Học).
Tác dụng dược lý:
+ Khương hoàng tố có tác dụng kích thích tiết và bài tiết mật. Trên súc vật thực nghiệm thuốc có tác dụng làm giảm các mảng xơ vữa của nội mạc mạch vành và động mạch chủ (Trung Dược Học).
+ Guy Laroche (1933), H. Leclec(1935) đã chứng minh tính chất kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan (Cholérétique) là do chất Paratolyl metylcacbinol, còn chất Cureumin có tính chất thông mật (Cholagogu) nghĩa là gây co bóp túi mật.
Chất Cureumen có tác dụng phá cholesterol trong máu [Cholesterolitique]
+ Toàn tinh dầu dù pha loãng cũng có tác dụng diệt nấm và sát trùng đối với bệnh nấm, với Staphylcoc và vi trùng khác (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Robbers (1963) nói đã dùng chất lấy ra ở nghệ bằng ête etylic thấy có tác dụng tăng sự bài tiết mật và chất cureumin có tính chất co bóp túi mật (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Trương Ngôn Chí (1955 Trung Hoa Y Dược Tạp Chí, 5) đã báo cáo: Ông đã chế Nghệ dưới hai hình thức dung dịch 50% và dùng dung dịch 2% HCI để chiết xuất và chế thành dung dịch 50% *sau khi đã trung tính hoá mới dùng thí nghiệm].
+ Thí nghiệm trên tử cung cô lập của chuột bạch và chuột nhắt thấy có tác dụng hưng phấn, thí nghiệm trên tử cung của thỏ (theo phương pháp Reynolds) thì khi tiêm dung dịch Clohydrat cao Nghệ vào tĩnh mạch hoặc thụt dung dịch Nghệ đều thấy tử cung co bóp đều đặn, mỗi lần cho thuốc, thời gian tác dụng kéo dài 5 – 7 giờ (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
+ Khi tiêm 5ml dung dịch clohydrat cao nghệ vào chó đã gây mê thì thấy tác dụng, xúc tiến sự bài tiết nước mật, nếu tiêm tới 15 – 20ml, có thể đưa đến đình chỉ hô hấp và huyết áp hạ. Thí nghiệm trên tim cô lập (phương pháp Straub) thấy có hiện tượng ức chế (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).
- Tác dụng đối với cơ năng giải độc của gan đă được thí nghiệm bằng cách cho uống thuốc có nghệ, sau đó theo dõi khả năng giải độc của gan đối với santonin thì thấy tăng cơ năng giải độc của gan. Nếu uống liên tục, thấy tác dụng rõ hơn là uống một lần (Vũ Diên Tân Dược Tập).
- Đối với bệnh nhân bị galactoza niệu sau khi uống thuốc có nghệ 10 ngày, kiểm nghiệm lượng galactoza bằng phương pháp Banev thì lượng galactoza giảm xuống (Vũ Diên Tân Dược Tập).
- Đối với lượng Urobilin tăng trong nước tiểu, uống thuốc có nghệ vài ngày sẽ thấy lượng urobilin trong nước tiểu giảm xuống (Vũ Diên Tân Dược Tập).
- Đối với sự bài tiết nước mật: Cho nước nghệ vào tá tràng sẽ thấy lượng nước mật trong tá tràng được tăng cao, nhưng lượng bilirubin không tăng, nhưng khi lượng nước mật tăng nhiều, độ sánh của nước mật cũng tăng lên (Vũ Diên Tân Dược Tập).
Nếu như đang cho nước nghệ vào tá tràng làm cho lượng mật tăng lên, thôi không cho nước nghệ nữa mà cho dung dịch Magiê Sunfat đặc vào, thì lượng nước mật vẫn tăng và đặc (Vũ Diên Tân Dược Tập).
- Dùng Nghệ trong những bệnh về gan và đường mật thì thấy chóng hết đau. Nhưng trong những trường hợp sỏi mật cấp tính thì kết quả chậm, chỉ có tác dụng từ từ (Vũ Diên Tân Dược Tập).
+ Tác dụng kháng sinh: M.M semiakin và cộng sự đã chứng minh Cureumini có tác dụng ngăn cản sự phát triển của vi trùng lao Mycobacterium tubenculosis ở nồng độ 25 (Khimia Antiniotikop, xuất bản lần 3, 1, 278).
+ Tác dụng chuyển hóa Lipid: Cho ăn Nghệ hàng ngày trong 100 ngày đoió với thỏ bị xơ vữa động mạch do ăn Cholesterol liều cao cho thấy có sự tăng Cholesterol so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, có nghiện cứu cho rằng Nhệ không làm giảm ở động mạch hoặc động mạch chủ của thỏ và chuột bạch (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng đối với mật: Nước sắc Uất kim đối với người trước khi chụp mật cho thấy không có dấu hiệu tập trung ở mật (Chinese Herbal Medicine).
Khí vị:
Vị đắng cay, khí hàn, không độc, khí và vị đều bạc, là âm dược, tính giáng xuống, vào 3 kinh Thủ thiếu âm, Túc quyết âm và Túc dương minh.
Chủ dụng:
Mát kinh Tâm mà hạ khí xuống, tiêu nhọt độc để sinh da non, ngăn tiểu tiện ra huyết, trừ lậu đái ra huyết, trục huyết ứ sinh ra đau, phá ác huyết ứ tích, chữa huyết đi ngược lên sinh thổ huyết, tan được huyết tích, làm cho huyết trở về kinh, vì tính nó nhẹ nhàng nên chuyên trị uất át hiệu quả khác thường. Lại nói chữa đâm chém bị thương lên da non rất nhanh. Trong phương thuốc chữa phụ nữ, trẻ em hay dùng nó.
Cấm kỵ:
Phàm chứng thổ huyết do âm hư hỏa bốc mà không phải do phần khí đưa lên, khí của Can không thăng bằng thì không dùng
Cách chế:
Màu sắc đỏ như Khương hoàng, trong rỗng như bụng con ve sầu thì tốt, rửa nước sấy khô hoặc tẩm với Dấm để dùng.
Nhận xét:
Uất kim có khả năng khai uất của Phế kim, cho nên gọi là uất kim, tính nó vốn mạnh. Nếu dùng Khương hoàng thay nó là sai, vì Khương hoàng công phạt mạnh quá, người thuộc hư càng nên cẩn thận.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Ôn bệnh điều biện”
Bài Hạnh nhân hoạt thạch thang
Hạnh nhân 12g, Hoạt thạch 12g, Hoàng cầm 8g, Thông thảo 4g, Bán hạ 12g, Quất hồng 6g, Hoàng liên 4g, uất kim 8g, Hậu phác 8g. Sắc, chia uống vài lần trong ngày.
Chữa chứng phục thử thuộc thử ôn, hung cách bĩ đầy, nôn ọe triều nhiệt, phiền khát, ỉa chảy, vã mồ hôi, tiểu tiện ít, rêu lưỡi vàng xam.
Bài Khải cách tán (Y học tâm ngộ)
Sa sâm 15g, Đan sâm 15g, uất kim 5g, Cuống lá Sen 20 cái, Bạch linh 5g, Xuyên bối mẫu 10g, Cám đầu chày 12g.
Cùng tán nhỏ, mỗi lần sắc uống 12-16g, ngày vài lần.
Có tác dụng nhuận táo, giải uất.
Trị nghẹn do uất lâu ngày, khí kết, tân dịch khô ráo, nuốt vào là nghẹn, nặng thì đau nhức, nôn mửa.
Gia vị:
Khí kém thêm Nhân sâm, huyết ứ thêm Đào nhân, Hồng hoa, đờm kết thêm Quất hồng, thực tích thêm La bặc tử, Mạch nha, Sơn tra.
“Giản dị phương luận”
Chữa chứng thổ huyết, nục huyết dùng 2đ uất kim tán nhỏ hòa nước uống.
“Thọ thế bảo nguyên”
Trị đái ra máu dùng sao Hòe hoa, sao uất kim mỗi vị 10đ cùng tán nhỏ, liều uống 2đ với nước Đậu xị làm thang.
“Thiên gia diệu phương”
Bài Quan tâm trục ứ thang
Cát căn 15g, Chỉ xác 15g, uất kim 30g, Ngưu tất 15g, Sinh Bồ hoàng 15g, Bạch chỉ 15g, Sinh Sơn tra 25g, Nguyên hồ 15g, Qua lâu bì 15g, Đan sâm 25g, Ngũ linh chi 15g, Thất li tán 1 túi (chia 2 lần uống với nước thuốc)
Cùng tán bột, hãm uống 3 lần trong ngày, liều uống 12-16g.
Có tác dụng lý khí, đạo trệ, hóa ứ, chỉ thống.
Chữa bệnh xơ động mạch vành Tim.