Tên khoa học

Poria cocos Wolf., họ Nấm lỗ (Polyporaceae)

Tiếng Trung: 茯苓

Bộ phận dùng làm thuốc Quả thể của nấm Poria cocos Wolf., họ Nấm lỗ (Polyporaceae).

Mô tả

Vị thuốc phục linh
Vị thuốc phục linh

Thể quả nấm Phục linh khô: hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Mặt bẻ sần sùi và có vết nứt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông (Phục thần). Nấm phục linh không mùi, vị nhạt, cắn dính răng

Phục linh bì: Là lớp ngoài Phục linh tách ra, lớn, nhỏ, không đồng nhất. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp, hơi có tính đàn hồi

Phục linh khối: sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất, màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.

Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, hơi hồng hoặc nâu nhạt.

Bạch phục linh: Là phần bên trong, màu trắng.

Phục thần: Là phần nấm Phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.

Khí vị:

Vị ngọt nhạt, tính bình, không độc, vào kinh Thủ, Túc thiếu âm, Thủ thái dương, Túc thái âm và Túc dương minh, là loại âm trong dương dược, Mã đao làm sứ, ghét Bạch liễm, sợ Mầu mông, Địa du, Hùng hoàng, Tần giao, Quy giáp, kỵ đồ chua.

Chủ dụng:

Chủ trị khí nghịch ở ngực sườn, đờm nước ở trong cách mạc, lo, giận, kinh, sợ, nóng lạnh phiền đầy, kết đau dưới vùng Tim, ho nghịch, miệng khô, thủy thũng, đái dắt, ngũ lao, thất thương, an thai, ấm lưng gối, sinh tân dịch, kiện Tỳ, trừ đờm, bổ Phế, lợi huyết, thẩm thấp, an hồn định kinh, khai Vị, tiến thực, trên thì thẩm thấp ở Tỳ Phế, dưới đuổi tà ở Can, Thận, cho nên nó là vị thuốc chủ yếu để lợi thủy, táo thấp, tiểu tiện gắt thì lợi, tiểu tiện nhiều thì chỉ, đại tiện bón thì có thể thông, đại tiện nhiều thì có thể chỉ, nhất thiết các chứng Tỳ Vị bất hòa, thủy cốc không phân hóa, hàn nhiệt không yên định, nôn ói nhiều, bên trên có đờm hỏa, bên dưới có thấp nhiệt thì nên dùng.

Hợp dụng:

Cho vào thang Tứ quân thì giúp Sâm, Truật để thẩm thấp ở Tỳ, vào thang Ngũ linh tán thì làm sứ cho vị Trạch tả để tiêu trừ tà của Thận. Lại nói; dùng với Cam thảo, Phòng phong, Bạch thược, Từ thạch anh, Mạch môn thì chữa cả ngũ tạng.

Kỵ dụng:

Bàng quang không co lại là hạ tiêu hư yếu, hỏa gặp thủy mà nguồn suối không tàng nạp được, chân tay sẽ lạnh, mạch sẽ trì, phải dùng thuốc ôn nhiệt chứ Bạch linh không thể làm gì được, cho nên nói âm hư thì cấm dùng.

Cách chế:

Cho vào thuốc bổ Tỳ nên dùng sống mới thu được công thấm đờm, cho vào thuốc bổ âm thì nên tẩm sữa Người, phơi khô để giảm bớt thế thẩm đạm của nó. Cách chế khác là gọt bỏ vỏ già, ngâm nước, bỏ váng đỏ, phơi khô để khỏi hại mắt.

Nhận xét:

Bạch linh nhờ tinh khí của đất và dư khí của cây Tùng mà hình thành, từ chỗ không mà có, được tinh khí của đất là thuốc chủ yếu của Tỳ. Phàm những thuốc lợi thủy đều đi lên rồi giáng xuống sau, cho nên Khiết cổ nói đi lên, Đông Viên nói giáng xuống, bảo rằng tiểu tiện nhiều thì ngăn được, đó là thực nhiệt của Phế khí thịnh cho nên dùng Bạch linh để rút nhiệt của nó nên ngăn lại được.

PHỤ

A- Xích phục linh. Vào Tâm, Tỳ và Tiểu trường, công năng chuyên tả nhiệt, lợi thủy, loại trắng thì kiêm cả bổ, loại đỏ thì chuyên về tả, phá được chứng khí kết, huyết kết, Vị nhạt vào các kinh Túc thái âm, Thủ thiếu âm và Thủ thiếu dương.

B- Phục thần. Chuyên bổ Tâm kinh, chủ chứng hoảng hốt sợ hãi, giận dữ hay quên, mở mang Tâm trí, yên hồn phách, nuôi tinh thần, vì nó nhờ khí của cây Tùng phát tiết ra ngoài để hình thành là Bạch linh, ôm giữ lấy gốc rể ở trong mà sinh ra là Phục thần, có nghĩa là nương tựa, làm ra tác dụng thu liễm phần khí, yên tĩnh hồn phách.

C- Hoàng tùng tiết. Là cái lỏi của Phục thần, chủ trị chứng thương phong, miệng mắt méo lệch, do độc phong mà co gân không nói được, Tâm thần kinh sợ run rẩy, hư yếu mà hay quên, chủ trị hơi giống Phục thần.

D- Phục linh bì. Là vỏ củ Phục linh, tính vốn nhạt mà thấm được thấp, màu sắc đen, cho vào Ngũ bì thang để làm thuốc tiêu thũng, lợi thủy.

E- Hổ phách. Là tinh ba của nhựa cây Tùng tía kết lại trong đất ngàn năm mà hình thành, nó sinh ở dương mà trưởng ở âm, thuộc dương và hành Kim, màu sắc đỏ, vị ngọt, thuốc vào huyết phận của Tâm, Can, Tỳ và Tiểu trường, tính vốn táo và thẩm thấp, cho nên cũng lợi thủy, cay ấm mà sắc đỏ cho nên có thể tiêu ứ, làm lớn mạnh cơ nhục, thành tựu ở đức “khôn tĩnh” cho nên định được hồn phách.

GIỚI THIỆU THAM KHẢO

“Thương hàn luận”

Bài Linh quế truật cam thang

Bạch linh 12g, Quế chi 8g, Bạch truật 12g, Chích thảo 4-6g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng kiện Tỳ, hóa thấp, ôn hóa đờm ẩm.

Trị đờm âm, ngực sườn đau, chóng mặt, hồi hộp, ho thở, rêu lưỡi trắng hoat, mạch huyền hoat hoăc trầm khân

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Bổ khí kiện trung thang

Nhân sâm 6g, Bạch linh 6-10g, Bạch truật 10-14g, Trần bì 6g, Hậu phác 4g, Hoàng cầm 4g, Trạch tả 4-6g, Mạch môn 4-6g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Đây là hợp dụng bài Tứ quân và bài Bình vị, thêm Hoàng cầm trừ cửu nhiệt, trạch tả bổ thủy, mạch môn dưỡng Tâm, Tỳ. Có tác dụng kiện Vị, trục ứ, thanh nhiệt.

Trị phù thũng cho người hư yếu có báng nước

“Ôn bệnh điều biện”

Bài Phục linh bì thang

Phục linh bì 20g, Đại phúc bì 12g, Ý dĩ nhân 20g, Thông thảo 12g, Trư linh 12g, Trúc diêp 8g.

Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Chữa thấp nhiệt tràn lan tam tiêu, đầu trướng, mình đau, buồn nôn, khát không uống nhiều nước, tiêu tiện không lợi.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Nhị trần thang Bán hạ 8-12g, Trần bì 8-12g, Bạch linh 12g, Cam thảo 4g, Sinh Khương 3 nhát.

Trị chứng thấp đờm, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch hoat. Trên lâm sàng bài này thường hợp dụng với các bài khác hoặc gia giảm để chữa phức bệnh. Đàm thấp ở Vị sinh nôn mửa, ở Phế sinh ho, ở Thận sinh phù, ở Can sinh bôn đồn, ở Tâm sinh rối loạn thần kinh. Thông thường bài này dùng chữa sa Dạ dày, khí uất, nôn mửa, ốm nghén, ho hen, đau bên đầu, đau ngực, đau vùng dưới Tim,

Đau xương khớp, say Rượu, tràn máu não.

“Bách nhất tuyển phương”

Bài Chỉ mê phục linh hoàn (còn gọi Phục linh hoàn)

Bán hạ (chế Gừng) 80g Bạch linh             40g

Chỉ xác (sao cám) 20g  Phong hóa Phác tiêu 10g

Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm viên bằng hạt Ngô đồng, mỗi lần uống 20 viên với nước sắc Gừng, sau ăn, ngày 2 lần.

Có tác dụng táo thấp, hành khí, tiêu giải ngoan đờm.

Trị đờm ngưng tụ ở trung quản, hai cánh tay đau nhức, mạch trầm, tế, hoat.

“Trung tàng kinh”

Bài Ngữ bì tán

Bạch linh bì, Tang bạch bì, Trần bì, sinh Khương bì, Đại phúc bì, lượng bằng nhau, cùng tán nhỏ, mỗi lần uống 8-12g. Có tác dụng kiện Tỳ hóa thấp, lý khí, tiêu phù.

Tri phù thũng tay chân nặng, ngực bụng đầy trướng, bí tiếu tiện, suyễn thở, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch trầm hoãn.

“Kim quỹ yếu lược”

Bài Cam khươug linh truật thang

Bạch linh 16g, Can Khươnglóg, Bạch truật 8g, Cam thảo 3g

Chữa Thận hư do Tỳ thấp, toàn thân nặng nề, vùng lưng lạnh như ngồi trong nước nhưng không khát, tiểu tiện tự lợi, ăn uống bình thường, bệnh ở hạ tiêu, đang mệt nhọc ra mô hôi, lại nằm noi ấm thấp lâu ngày cảm nhiễm.

“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”

Bài Gia vị quy tỳ thang

Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Bạch linh, Long nhãn, Táo nhân (sao) đều 6-10g; Đương quy, Chi tử, Đan bì đều 6g; Sài hồ 9g; Viễn chí, Đại táo đều 4-6g; Mộc hương, Can khương đều 3g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày. Có tác dụng bổ Tâm, Tỳ, dưỡng khí huyết, an thần, hòa Can nhiệt.

Thuốc dùng cho người huyết kém, khí táo, rối loạn tinh thần, mất ngủ, lạc huyết, đái ra máu, ra albumin, dưỡng chấp, xuất huyết một, tử cung, kinh nguyệt thất thường, nói trước quên sau, mồ hôi trộm, di tinh, âm môn nóng, đầu lắm gàu, ngứa.

“Hòa tễ cục phương”

Bài Nhân sâm dưỡng vinh thang

Bạch thược 12g, Nhân sâm 8g, Bạch truật 8g, Bạch linh 8g, Đương quy 8g, Thục địa 12g, Chích Cam thảo 6-8g, Trần bì 7g, Viễn chí 7g, Ngũ vị tử 7g, Quế chi 6-8g, Đại táo 3 quả, Gừng 3 nhát. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.

Có tác dụng ích khí bổ huyết, dưỡng Tâm, an thần, mà chủ yếu là bổ khí, không dùng vị Xuyên khung là để tránh bị tán khí.

Những người thiếu máu, tim đập thất thường, khí lực kém, người mới ốm dậy, người già hư yếu, người ốm mòn, suy nhược sau sinh, ít ngủ, hay quên, mồ hôi trộm, ăn ít, di tinh, họng khô, môi ráo, rụng tóc, lở loét lâu không khỏi, lưỡi nhat, mạch hư nhươc, nói chung những người khô, móng chân, móng tay khô, thỉnh thoảng xuất hiện nốt tím dưới da, những người khi tiêm bị “vỡ mạch ” đều là người mất khí lực, nên dùng bài này.

Những người hen suyễn, trục trặc về hô hấp đều là những người khí lực kém. Bài này còn có tác dụng bổ Tâm an thần.

Bài này dùng gián phục với bài Bát vị thận khí chữa huyết áp vừa thấp vừa kẹt, ăn uống kém sút rất hiệu quả

0/50 ratings
Bình luận đóng