TRẦM HƯƠNG (Gỗ)
Lignum Aquilariae resinatum
Gỗ có nhựa của cây Trầm hương (Trầm dó) (Aquilaria agallocha Roxb.) hay (Aquilaria crassna Pierre ex Lec.), hoặc của cây Bạch mộc hương (Aquilaria sinensis (Lour.) Gilg), họ Trầm (Thymelaeaceae).
Mô tả
Gỗ của cây Trầm dó: Dược liệu là những thanh hoặc mảnh, hình dạng không cố định, dài 10 – 20 cm, rộng 3 – 5 cm, có khi như thanh gỗ mục, rải rác có lỗ của sâu đục. Mặt ngoài lồi lõm, màu xám đất. Vết chẻ dọc màu nâu xám, thớ gỗ rõ. Chất rắn chắc, nặng, thả vào nước sẽ chìm hoặc nửa chìm nửa nổi. Đốt cháy có dầu chảy sùi ra, mùi thơm.
Gỗ của cây Bạch mộc hương: Dược liệu hình khối không đều, hình phiến hoặc hình mũ, có gỗ vụn, mặt ngoài lồi lõm, không phẳng, có vết dao chặt đẽo, có khi có lỗ hổng, có thể thấy nhựa màu nâu đen và bộ phận gỗ màu vàng nhạt, ở giữa có vân. Bề mặt xung quanh lỗ hổng và những chỗ lõm xuống thường có vụn gỗ mục nát. Chất tương đối bền chắc, mặt bẻ gẫy như gai, phần lớn không chìm xuống nước. Thứ nặng chắc chứa nhiều dầu, có thể chìm xuống nước, mùi thơm sực nức, vị đắng.
Vi phẫu
Gỗ của cây Trầm dó: Mạch gỗ rất to, thưa, đứng riêng lẻ hoặc dính liền 2 -3 mạch. Mô mềm gỗ tế bào nhỏ, xếp đều đặn, hoá gỗ nhiều. Tia ruột hẹp, gồm 1 -2 dãy tế bào. Sợi khó phân biệt với gỗ hoá mô cứng.
Gỗ của cây Bạch mộc hương: Tia gỗ có 1 – 2 hàng tế bào chứa đầy nhựa màu nâu. Mạch hình đa giác tròn, đường kính 42 – 128 mm, một số chứa nhựa màu nâu. Sợi gỗ hình đa giác, đường kính 20 – 45 mm, thành hơi dày và hoá gỗ. Libe ở giữa khoảng gỗ, dạng bầu dục dài, dẹt, hoặc dạng dây đai, thường giao nhau với tia gỗ, tế bào màng mỏng không hoá gỗ, bên trong chứa nhựa màu nâu; rải rác có một ít sợi, một số tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ.
Bột
Gỗ của cây Trầm dó: Màu nâu bẩn, mùi thơm. Soi kính hiển vi thấy: Tế bào mô mềm gỗ màng không dày lắm, có lỗ trao đổi. Mảnh sợi to nhỏ không đều, riêng lẻ hoặc từng đám. Mảnh mạch đồng tiền.
Định tính
Tiến hành vi thăng hoa cao trầm hương chiết xuất bằng ethanol sẽ có chất dạng dầu màu nâu vàng, hương thơm ngát. Nhỏ vào 1 giọt acid hydrocloric (TT) với một ít vanilin và 1 -2 giọt ethanol (TT), sẽ dần dần hiện ra màu đỏ anh đào, màu này sẽ thẫm lại sau khi để yên.
Độ ẩm
Không quá 14 % (Phụ lục 9.6).
Tạp chất
Phần gỗ mục và các tạp chất khác: Không quá 4 % (Phụ lục 9.4).
Chất chiết được trong dược liệu bằng ethanol
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng trong chuyên luận xác định chất chiết được trong dược liệu (Phụ lục 9.3). Dược liệu phải chứa không được ít hơn 15% chất chiết được bằng ethanol.
Chế biến
Có thể thu hoạch Trầm hương quanh năm, chặt lấy gỗ có chứa nhựa cây, loại bỏ tạp chất và phần gốc không chứa nhựa, phơi âm can đến khô.
Bào chế
Loại bỏ phần gỗ trắng khô, mục nát, chải rửa sạch, chẻ thành mảnh nhỏ, khi dùng giã vụn hoặc nghiền thành bột mịn, hoặc mài với nước, lấy bột phơi khô để dùng. Cũng có thể lấy Trầm hương đồ nóng cho mềm, thái lát mỏng cho vào thuốc sắc hoặc nghiền nhỏ để dùng.
Bảo quản
Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh nóng.
Tính vị, quy kinh
Tân, khổ, vi ôn.
Vào các kinh tỳ, vị, thận.
Công năng, chủ trị
Hành khí, chỉ thống, ôn trung ngừng nôn, thu nạp khí, bình xuyễn. Chủ trị: Ngực bụng trướng tức đau, vị hàn, nấc, thận hư, khí nghịch phát suyễn.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 1,5 – 4,5 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Dùng thuốc sắc nên cho vào sau. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Âm hư, hoả vượng không nên dùng.