“Thị trường dược liệu đông y đang bị thả nổi”, tổng thư ký Hội dược liệu Việt Nam Tạ Ngọc Dũng đã lên tiếng trong một cuộc hội thảo gần đây tại Hà Nội. Mua thuốc chữa bệnh có thể vừa mất tiền vừa đưa thêm chất độc hại vào người. Ðó là thực tế mà người tiêu dùng đang phải đối mặt.
Tiêu chuẩn sơ sài, không ai quản lý:
Một dược sĩ thuộc công ty Traphaco cho biết vấn đề lớn nhất hiện nay là dược liệu đông y vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa. “Thực ra người trong ngành đều biết đến các tiêu chuẩn trong dược điển, tuy nhiên, các tiêu chuẩn đó còn hết sức sơ sài”, vị dược sĩ này nói. Các tiêu chí cho dược liệu chủ yếu dựa trên màu sắc, định tính, độ ẩm, mốc… nhưng trong một cây dược liệu có tới 5-10 hoạt chất thì vẫn chưa có ai định lượng được. “Những gì cần thì dược điển vẫn chưa có”, dược sĩ này nhấn mạnh.
Theo dược sĩ Tạ Ngọc Dũng, tổng thư ký Hội dược liệu Việt Nam, việc thả nổi quản lý chất lượng dược liệu hiện nay không chỉ trong chủng loại mà cả ở chế biến và nhập khẩu. Cho đến nay, hầu hết dược liệu đến tay người tiêu dùng phải qua các khâu chế biến, trong đó hơn 90% được lưu chuyển ở các địa điểm quen thuộc như Ninh Hiệp ở Hưng Yên, phố Lãn Ông ở Hà Nội và chợ đông nam dược ở quận 5 (TP.HCM). Ðến những nơi này không ai không băn khoăn về chất lượng. Dược liệu khai thác về được chất đống phủ nilông ngoài trời. Có loại đã mọc mầm, mốc, mọt. Chỉ khi có người mua thì dược liệu đó mới được chế biến. Nhiều khi dược liệu cũ đã suy giảm chất lượng lại được “đánh màu”, “tái chế” để tăng sức hấp dẫn bằng nhiều kỹ xảo, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Dược liệu nhập khẩu và cao đơn hoàn tán chủ yếu được nhập vào theo đường phi mậu dịch, tiểu ngạch. Chất lượng dược liệu và cao đơn hoàn tán đa phần được nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch với đủ phẩm cấp chất lượng. Thật giả lẫn lộn và không ai chịu trách nhiệm quản lý.
Chế biến: cổ truyền hay lừa người tiêu dùng?.
Việc dùng diêm sinh trong chế biến dược liệu được coi là khá phổ biến tại một số làng nghề dược liệu ở miền Bắc. Dưới mác “cổ truyền”, người ta sử dụng khá nhiều hóa chất độc hại trong quá trình chế biến dược liệu. Nhiều nhất vẫn là diêm sinh mà dân trong nghề hay gọi là “xông sinh”. Ðối với dược liệu được xông sinh, nhìn cảm quan dược liệu có màu sắc đẹp, vàng và đặc biệt nhất là không bị ẩm, mốc. ít ai biết màu vàng đó chính là màu của lưu huỳnh trong diêm sinh.
Ngoài chuyện lưu huỳnh, diêm sinh hay sử dụng phân bón ngoài danh mục, điều mà nhiều dược sĩ quan tâm hiện nay là các kim loại nặng có trong dược liệu đông y. Ai cũng biết được lượng chì quá quy định trong thực phẩm có hại thế nào. Vậy mà nếu có trong dược liệu đông y thì người bệnh sẽ ra sao? Ngay cả giáo sư tiến sĩ Ðỗ Tất Lợi, chủ tịch Hội dược liệu Việt Nam trong khi trả lời báo giới cũng nói rằng “Chưa có ai nghiên cứu về các vấn đề nói trên”.
Theo dược sĩ Nông Hữu Ðức thuộc công ty Traphaco, hiện tại Trung Quốc đã đưa ra các quy định ngặt nghèo cho nguyên liệu đông dược. Do vậy cần chú ý nhiều tới các dược liệu nhập khẩu vì rất có khả năng những dược liệu không đủ tiêu chuẩn sẽ vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch.
Ông Ðỗ Tất Lợi cũng đã kêu gọi giải quyết tình trạng chất lượng dược liệu bằng một chương trình hành động về

dược liệu sạch và môi trường. Cuối tháng 5, Viện nghiên cứu ứng dụng cây, con làm thuốc đã đưa ra chương trình này với hai mục tiêu chính là trồng đại trà dược liệu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và trồng, sử dụng thuốc nam trong cộng đồng.

Trong khi chờ đợi các kết quả của chương trình này, người tiêu dùng chỉ biết trông đợi vào các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các điểm, cơ sở bán, kinh doanh nguyên liệu đông dược. Có thế, may ra mới giảm thiểu được những ảnh hưởng đáng tiếc của các dược liệu không đủ tiêu chuẩn chất lượng lưu hành khá rộng rãi hiện nay trên thị trường.
Thanh Hà/Theo SGTT

0/50 ratings
Bình luận đóng