Nhận định chung
Thiếu máu là tình trạng giảm nồng độ hemoglobin trong máu của người bệnh so với người cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng điều kiện sống. Người thiếu máu là người có các chỉ số trên thấp dưới 2SD so với quần thể cùng tuổi và giới. Theo Tổ chức y tế thế giới, thiếu máu khi lượng hemoglobin dưới giới hạn
Trẻ 6 tháng – 5 tuổi: Hb < 110g/l.
Trẻ 5 tuổi -12 tuổi: Hb < 115g/l.
Trẻ 12 tuổi- 15 tuổi: Hb < 120g/l.
Người trưởng thành: Nam: Hb < 130g/l, nữ < 120g/l, phụ nữ có thai < 110g/l.
Cơ chế bệnh sinh của thiếu máu
Hồng cầu được sinh ra từ tuỷ xương, đời sống của hồng cầu ở máu vi kéo dài 120 ngày. Trong điều kiện sinh lý, tốc độ sinh hồng cầu ở tủy xương và sự chết theo chương trình cân bằng nhau. Hai cơ chế gây thiếu máu là: Cơ chế tại tủy Tốc độ sinh hồng cầu ở tủy xương giảm do giảm quá trình sinh hồng cầu non hoặc giảm quá trình tổng hợp hemoglobin. Cơ chế ngoài tủy Tăng mất hồng cầu ở ngoại vi do mất máu hoặc tan máu.
Phân loại thiếu máu
Việc phân loại thiếu máu có vai trò quan trọng giúp chẩn đoán nguyên nhân và điều trị thiếu máu.
Theo mức độ
Nhẹ: 90 ≤ Hb < 120.
Vừa: 60 ≤ Hb < 90.
Nặng: 30 ≤ Hb.
Rất nặng: Hb < 30.
Theo diễn biến
Trong trường hợp thiếu máu do mất máu cấp tính, giá trị chỉ số hematocrit sẽ phản ánh trung thành thể tích máu bị mất đi và thường được sử dụng để ước tính lượng máu cần truyền để cấp cứu Trong trường hợp thiếu máu mạn tính, mức độ thiếu máu chủ yếu dựa vào nồng độ huyết sắc tố.
Theo nguyên nhân
Kém sản sinh hồng cầu
Do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn quá trình sinh các tế bào máu (suy tủy, rối loạn sinh tủy, bệnh máu ác tính, ung thư di căn), thiếu các yếu tố to máu (thiếu sắt, thiếu folat, thiếu vitamin B12 do dinh dưỡng hoặc do bệnh lý đường tiêu hóa…Thiếu erythropoietin trong bệnh nhân bị bệnh thận đặc biệt là suy thận mạn).
Tan máu
Tăng quá trình phá hủy hồng cầu do các nguyên nhân tại hồng cầu (nất thường màng hồng cầu, thiếu enzyme, bệnh Hemoglobin…) hoặc ngoài hồng cầu (Tan máu miễn dịch, nhiễm khuẩn, nhiễm độc…).
Mất máu
Xuất huyết tiêu hóa trên và dưới, rong kinh, đái máu…nhiều trường hợp cháy máu kín đáo khó nhận thấy.
Theo đặc điểm hồng cầu
Đây là cách xếp loại thường được sử dụng để giúp tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân thiếu máu.
Dựa vào kích thước (MCV) để phân biệt hồng cầu to, nhỏ hay bình thường (MCV bình thường 80- 100fl).
Dựa vào nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH) để phân biệt hồng cầu bình sắc hay nhược sắc (MCH bình thường 320 – 360g/l).
Dựa vào chỉ số hồng cầu lưới để định hướng nguyên nhân thiếu máu tại tủy xương hay ở ngoại vi (giá trị bình thường là 0,5%-1%). Lưu ý chỉ số hồng cầu lưới khác với tỷ lệ hồng cầu lưới. Chỉ số hồng cầu lưới = Tỷ lệ hồng cầu lưới x hematocrit bệnh nhân/ hematocrit bình thường.
Dựa vào dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW) xác định độ đồng đều và kích thước của hồng cầu (RDW bình thường là 11 đến 14%).