Từ cổ xưa đến nay ở phương Đông cũng như phương Tây không có một loại thực phẩm nào lại được người ta bình phán ngày càng sôi nổi, càng có những mâu thuẫn trong đánh giá như đối với rượu. Người thì nói “Rượu là vị thuốc hàng đầu trong bách dược”, người thì lại nói: “Rượu là thứ thuốc độc tự sát mạn tính của con người”. Trong những điều kiện khác nhau, cả hai cách nói này đều có thể đứng vững được. Thường xuyên uống rượu với lượng vừa phải có lợi cho sức khỏe, làm cho người ta trường thọ, nhưng nếu thường xuyên uống nhiều rượu để đến say và nghiện rượu thì lại sẽ đoản mệnh.
Uống rượu vừa độ có thể có những tác dụng làm hưng phấn thần kinh của con người, làm mở rộng huyết quản, hạ thấp huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn huyết dịch, đó chủ yếu là do tác dụng của chất rượu cồn sinh ra trong cơ thể. Căn cứ vào nghiên cứu của các nhà khoa học, chất rượu cồn có vừa độ trong cơ thể còn có thể làm tăng thêm hàm lượng của chất High densitylipoprotein trong cơ thể, do đó làm giảm thiểu sự lắng đọng của chất cholesterol trong huyết quản, đề phòng được sự phát sinh bệnh ở tâm huyết quản.
Ủy ban nghiên cứu y học của Chính phủ Anh đã tiến hành nghiên cứu điều tra tình hình uống rượu của 18 nước phương Tây, đã phát hiện: Người Ý và người Pháp thích uống các loại rượu trái cây như rượu nho với hàm lượng chất rượu cồn thấp cho nên tỉ lệ tử vong về bệnh tim của hai nước này là thấp nhất. Đó là vì rượu trái cây phần lớn có chứa “acid béo không bão hòa”, nó có thể giảm thiểu sự tích đọng cholesterol trên thành huyết quản, có tác dụng nhất định đối với việc đề phòng bệnh tim, đồng thời có thể thúc đẩy sự hấp thu của cơ thể đối với các chất khoáng như sắt, canxi, magiê, kẽm, phốtpho v.v…, có tác dụng phụ trợ điều trị bệnh thiếu máu. Do đó Ủy ban nghiên cứu Y học của Anh cho rằng uống rượu trái cây với số lượng vừa phải và nồng độ rượu cồn thấp là một trong những biện pháp tốt để đề phòng bệnh tim. Các nhà thực vật học ở Trường Đại học Connel của Mỹ thì cho rằng trong rượu nho có một chất hóa học thiên nhiên là chất có thể hạ thấp cholesterol trong huyết dịch.
Một viện Lão khoa ở vùng Boston của Mỹ từ khi cho những người già hàng ngày vào buổi chiều uống thêm chút rượu, chỉ trong vòng 2 tháng ngắn ngủi thôi mà số người già có thể tự mình đi lại vận động được đang từ 20% đột nhiên tăng vọt lên 74%. Còn số người già vẫn cho uống thuốc tăng lực, an thần thì đang từ 75% cùng thời gian đã tụt xuống con số 0. Chính vì thế các thầy thuốc ở đây cho rằng đối với người già thì uống một ít rượu không phải là độc dược, mà lại là linh đan diệu dược, nhất là rượu đó lại là rượu bổ.
Nhưng với lượng rượu cồn nhiều vào cơ thể thì sẽ gây tác dụng tê liệt hệ thần kinh trung khu, nếu uống lượng rượu nhiều dài ngày thì sẽ gây nên những tổn thương đối với thần kinh trung khu khó có thể phục hồi lại được. Mặt khác, chất rượu cồn trong huyết dịch cuối cùng đều phải do gan phân giải, giải độc, nếu uống nhiều rượu trong thời gian dài sẽ làm cho gan bị tổn hại nghiêm trọng như bị gan nhiễm mỡ và xơ cứng gan. Nguy hại nhất là nếu trong thời gian ngắn mà uống lượng lớn rượu, nhất là những loại rượu mạnh, chất lượng kém, có chứa những chất không thuần, có hại, như methanol, ethanol thì sẽ còn làm cho người ta bị trúng độc cấp tính, rất nguy đến tính mệnh.
Hội tim mạch của Mỹ cho rằng những người Mỹ lớn tuổi nói chung mỗi ngày có thể uống lượng rượu hạn chế, nếu tính theo chất rượu cồn thuần khiết thì không được vượt quá 51 gam rượu cồn, số này tương đương với 100 gam rượu trắng 50°. Còn đối với người Trung Quốc do vì thể trọng bình quân của người Trung Quốc thấp hơn rõ rệt so với thể trọng bình quân của người Mỹ cho nên lượng thích ứng của cơ thể đối với rượu cồn cũng giảm đi một số tương ứng. Việc tính tiêu chuẩn tốt nhất của rượu cồn ở giới hạn an toàn là hàm lượng rượu cồn trong huyết dịch. Khi hàm lượng rượu cồn trong huyết dịch đạt tới 5/10.000 thì rất nhiều người đã cảm thấy người dễ chịu, vui phấn chấn rồi, đó là trạng thái lí tưởng sau khi uống rượu. Đại đa số người sau khi uống 1-2 chén rượu đã ở trạng thái này rồi. Khi trong huyết dịch hàm lượng rượu cồn đã tăng cao tới 10/10.000 thì thông thường người ta đã ở trạng thái say choáng váng, người đã lảo đảo, bước đi chuệch choạng, khó khống chế được tư tưởng tình cảm. Khi đó, đã là uống quá lượng rượu cồn rồi. Khi hàm lượng rượu cồn trong huyết dịch đạt tối 30/10.000 thì đã trúng độc rượu cồn nặng, hôn mê bất tỉnh và khi hàm lượng rượu cồn trong huyết dịch đạt tới 40/10.000 thì có thể bị tử vong.
Vì thế cho nên, rượu cuối cùng là “thuốc độc” hay là “linh đan diệu dược” thì vấn đề mấu chốt là ở lượng uống của mỗi người, uống ít thì có lợi và uống nhiều thì có hại. Nói một cách rõ ràng chính xác hơn là có ích hay có hại, trường thọ hay đoản mệnh không phải ở bản thân rượu, mà là ở bản thân người uống rượu. Một là xem xem thói quen uống rượu của người uống như thế nào, hai là xem xem tình hình sức khỏe của bản thân người uống rượu thế nào. Có những người có bệnh cao huyết áp, xuất huyết não hoặc xơ cứng động mạch lại đơn thuần đổ lỗi cho nguyên nhân gây bệnh là do uống rượu thì đó quả là một suy nghĩ sai lầm không có căn cứ chính xác nào. Vì thực tế có những người thường xuyên uống rượu trong bữa ăn thì không phải ai trong họ cũng đều bị bệnh ở tâm huyết quản cả, ngược lại, có những người cả đời không uống một giọt rượu nào thì lại bị bệnh về tâm huyết quản.
Căn cứ vào điều tra, trong các ngôi sao trường thọ ở các nơi trên thế giới, tuy cũng có người không uống một giọt rượu nào, nhưng có những người thì lại có thói quen thường xuyên uống lượng rượu vừa phải và số này lại khá nhiều. Căn cứ vào sự điều tra nghiên cứu của các chuyên gia về “những làng đại trường thọ ở những vùng Caucasus của Liên Xô cũ và của vùng Tân Cương của Trung Quốc thì cư dân ở những vùng này phổ biến là có thói quen thường xuyên uống rượu. Rất nhiều nhà khoa học sau khi nghiên cứu đều cho rằng những người uống rượu với lượng vừa phải thường xuyên đều dễ có sức khỏe và sống lâu hơn so với những người cả đời không đụng đến một giọt rượu nào.