TAM LĂNG

Rhizoma Sparganii

Thân rễ phơi hay sấy khô của cây Hắc Tam lăng (Sparganium stoloniferum Buch.- Ham.), họ Hắc Tam lăng (Sparganiaceae).

Mô tả

Dược liệu hình nón, hơi dẹt, dài 2 – 6 cm, đường kính 2 – 4 cm. Mặt ngoài màu trắng ngà hoặc vàng xám, nhăn, sần sùi, có vết dao cắt và những đốm sợi, sẹo của rễ sợi nhỏ xếp theo vòng ngang. Chất rắn chắc, nặng. Không mùi, vị nhạt, nhấm hơi có cảm giác tê lưỡi.

Vi phẫu

Mô khí của vỏ gồm những tế bào mô mềm có nhánh, các đầu nhánh nối liền với nhau tạo thành những khoảng gian bào. Tế bào nội bì sắp xếp dày đặc. Tế bào mô mềm ở trụ tròn, thành hơi dày, chứa những hạt tinh bột, rải rác có những bó mạch đôi ở bên, mạch không bị hoá gỗ. Tế bào tiết rải rác trong vỏ và trụ chứa chất tiết màu đỏ nâu nhạt.

Độ ẩm

Không quá 12 % (Phụ lục 5.16, 1 g, 1050C, 5 giờ).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa đông đến mùa xuân, đào lấy rễ, rửa sạch, cạo lớp vỏ ngoài, phơi khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, ngâm, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô.
Thố Tam lăng (chế giấm): Lấy Tam lăng phiến, tẩm giấm, ủ mềm, sao đến khi màu biến thành thâm. Hoặc lấy Tam lăng sạch, luộc chín đến 5/10 đến 6/10, thêm giấm vào lại đun chín 8/10, ngừng cho nước (lúc này không nên còn nhiều nước), ngừng đun, đậy kín vung và ủ cho mềm. Ngâm xong, lấy ra phơi nắng cho vỏ ngoài ráo nước, thái thành phiến, phơi khô. Cứ 10 kg Tam lăng cần 1,5 lít giấm.

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, khổ, bình. Vào các kinh can, tỳ.

Công năng, chủ trị

Phá huyết, hành khí, tiêu tích, chỉ thống. Chủ trị: Trưng hà bĩ khối, ngực bụng đầy, ứ huyết, kinh nguyệt bế tắc sau khi đẻ, đau bụng do thực

tích.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4,5 – 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai cấm dùng.

0/50 ratings
Bình luận đóng