Tên khác: Ngổ núi – Húng trám – Cúc nháp – Ngổ đất – Tân sa.
Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osb.) Merr.
Họ: Cúc (Compositae = Asteraceae)
1. Mô tả, phân bố
Sài đất là cây cỏ, sống nhiều năm, mọc bò lan trên mặt đất, ở các đốt trên thân có rễ mọc ra. Lá mọc đối, hình bầu dục, mép lá có răng cưa thưa, lá và thân đều có lông nhỏ. Hoa tự đầu, mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành, cuống dài, màu vàng.
Cây sài đất mọc hoang và được trồng khắp nơi trên đất nước ta.
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của Sài đất là toàn cây (herba Wedeliae). Thu hái quanh năm, khi cây bắt đầu ra hoa, bỏ gốc rễ, dùng tươi hoặc phơi khô, độ ẩm không quá 13%, tạp chất không quá 1 % lý lệ vụn nát không quá 5%, tro toàn phần không quá 20%.
Dược liệu sài đất đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa wedelolacton, isoflavonoid, caroten, saponin, tanin, một ít tinh dầu và rất nhiều các muối vô cơ.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu sài đất có tác dụng kháng khuẩn mạnh với nhiều loại vi khuẩn, thanh nhiệt, giải độc. Dùng chữa các chứng bệnh: mụn nhọt, chốc lở, đinh độc, sưng vú, mẩn ngứa, sốt phát ban, viêm bàng quang. Dùng ngoài để tắm trị rôm sẩy.
Cách dùng:
Ngày dùng 20 – 40g cây khô, dạng thuốc sắc; có thể dùng tươi vò lấy nước, lọc sạch để uống và tắm cho trẻ em. Có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác.