Nhận định chung
Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma là viêm tai giữa mạn tính trong hòm tai có biểu mô Malpighi sừng hoá. Tổ chức này có thể ở dạng túi nang ranh giới rõ hoặc phân nhánh từ thông bào này sang thông bào khác trong xương đá.
Loại tổn thương này còn khá phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh nhân thường đến bệnh viện vì triệu chứng chảy mủ tai kéo dài.
Viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma là loại bệnh tích đặc biệt cần phải lưu ý đến vì:
+ Có đặc tính phát triển, ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai giữa và các cấu trúc lân cận nhanh và mạnh nên làm suy giảm sức nghe rõ rệt và dễ đưa tới biến chứng.
+ Đặc biệt ở nước ta gặp với tỷ lệ cao trong các trường hợp viêm tai giữa mạn tính.
Đa số các nhà nghiên cứu thừa nhận thuyết hình thành khối cholesteatoma là do quá trình dị nhập của lớp biểu bì ống tai và màng nhĩ vào trong hòm tai qua lỗ thủng hay túi co kéo hình thành trong quá trình viêm tai.
Khối cholesteatoma phát triển như một khối u bọc, bên ngoài là một lớp màng với túi biểu mô có khả năng chế tiết các men gây ra hiện tượng ăn mòn và phá hủy xương xung quanh và một lớp màng đáy có màu sáng óng ánh. Bên trong là một khối mềm, trắng như bã đậu bao gồm các tế bào biểu mô lẫn với các tế bào mỡ và các tinh thể cholesterin.
Ban đầu khối cholesteatoma thường có kích thước nhỏ, có hình ảnh u bọc như đã được mô tả ở phần trên. Khi phát triển, khối này vỡ ra dưới áp lực của các thành phần bên trong và bị nhiễm trùng khiến có biểu hiện xuất tiết ra ngoài chất bẩn lổn nhổn như chất bã đậu và có mùi thối khẳm.
Phác đồ điều trị viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma
Cholesteatoma phá hủy xương nhanh và mạnh, dễ đưa đến các biến chứng, giảm sức nghe rõ rệt, nên việc điều trị ngoại khoa là chính, điều trị nội khoa là hỗ trợ. Tất cả các bệnh nhân có viêm tai giữa mạn tính có cholesteatoma đều phải được thăm khám thường xuyên và lâu dài.
Phẫu thuật
Lấy sạch bệnh tích.
Giữ khô hốc mổ.
Bảo tồn tối đa các cấu trúc tham gia hệ truyền âm của tai.
Ngăn ngừa và điều trị các biến chứng nếu có.
Phòng tái phát. Việc lựa chọn loại phẫu thuật nào phụ thuộc rất nhiều yếu tố: vị trí, tính chất, độ lan tràn của bệnh tích, tình trạng thính lực, khả năng theo dõi bệnh nhân sau mổ, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, độ tuổi của bệnh nhân.
Phẫu thuật kín:
Giữ lại thành sau ống tai xương.
Phẫu thuật hở:
Phá thành sau ống tai xương.
Cách phân loại khác:
Khoét rỗng đá chũm toàn phần.
Khoét rỗng đá chũm bán phần.
Phẫu thuật tiệt căn xương chũm:
Khối Cholesteatoma lớn, lan rộng trên xương chũm quá thông bào.
Tiêu chuẩn hốc mổ tiệt căn:
Hạ thấp tường dây VII đảm bảo đáy sào bào cao hơn sàn ống tai.
Chỉnh hình cửa tai đủ rộng đảm bảo tỉ lệ Va/S.
Đảm bảo chức năng vòi tai, lót hốc mổ bằng cân cơ tránh chảy dịch về sau.
Thu hẹp diện tích hốc mổ (do lớp biểu mô phát triển nhanh hơn tổ chức dưới niêm mạc, mạch máu phát triển không đủ để nuôi dưỡng lớp biểu mô dẫn đến hoại tử, bong lớp biểu mô). Trường hợp cholesteatoma túi khu trú ở thượng nhĩ hoặc lan vào sào đạo nhưng chưa vào sào bào hoặc xuống trung nhĩ có thể nội soi bóc Cholesteatoma. Bên cạnh các phẫu thuật trên có thể kết hợp chỉnh hình tai giữa tái tạo màng tai hoặc chuỗi xương con một thì hoặc hai thì.
Điều trị nội khoa
Làm thuốc tai hàng ngày.
Kháng sinh toàn thân.
Cung cấp đủ dinh dưỡng.