BA GẠC (Vỏ rễ và rễ)

Cortex et Radix Rauvolfiae

Vỏ rễ và rễ phơi trong râm hay sấy khô của các cây Ba gạc (Rauvolfia vomitoria Afz. và Rauvolfia canescens L.), họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả

Vỏ rễ là những mảnh vỏ dài ngắn, to nhỏ không đều nhau, mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, mặt trong có thể dính một ít gỗ mỏng. Có lẫn một ít rễ nhỏ (đường kính nhỏ hơn 0,5 cm), cong queo, mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc và lớp bần dễ bong. Mặt bẻ lởm chởm không đều. Mặt cắt ngang có lớp bần dày (đối với loài R. vomitoria Afz.), hoặc lớp bần mỏng hơn (đối với loài R. canescens L.). Mô mềm vỏ mỏng, màu nâu nhạt. Vị rất đắng.

Vi phẫu

Loài R. vomitoria Afz. có lớp bần rất dày, gồm 5 – 11 lớp tế bào, mỗi lớp có 4 – 5 hàng tế bào hình chữ nhật. Loài R. canescensL. có lớp bần mỏng hơn nhiều, chỉ gồm 4 – 5 hàng tế bào hình chữ nhật, màng mỏng, xếp chồng khít lên nhau.Mô mềm vỏ: tế bào hình trứng hay hình tròn, kích thước không đều (đối với R. vomitoria Afz.), hoặc méo mó dẹt (đối với loài R. canescens L.). Rải rác có tinh thể calci oxalat hình lăng trụ và đám mô cứng. Libe bị chia cắt bởi các tia ruột, tế bào libe màng mỏng. Tầng sinh libe – gỗ (ở loài R. vomitoria Afz.) tạo thành đường uốn lượn. Gỗ chiếm từ tầng sinh libe – gỗ vào đến tâm, mạch gỗ tròn, to (đối với R. vomitoria Afz.), mạch gỗ nhỏ, thưa (đối với loài R. canescens L.), xen kẽ với nhiều đám sợi gỗ và mô mềm gỗ. Tia ruột gồm những tế bào màng mỏng.

Soi bột

Nhiều tế bào mô cứng màu vàng, hình trái xoan hay chữ nhật, màng rất dày, phần lớn có khoang rộng, có ống trao đổi rõ, hợp thành từng đám hoặc đứng riêng lẻ; hạt tinh bột tròn có đường kính 16 – 32 mm (đối với loài R. vomitoria Afz.), 6 – 9 mm (đối với loài R. canescens L.). Sợi đứng riêng lẻ hay tụ thành từng bó. Mảnh mạch (loài R. canescens L. có mạch điểm). Mảnh bần gồm tế bào hình nhiều cạnh màu vàng nâu nhạt. Tinh thể calci oxalat hình trụ có đường kính 20 – 45 mm.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 4.4).
Bản mỏng: Silicagel G Hệ dung môi khai triển: Cloroform – methanol – amoniac (50: 90: 1) (pha khi dùng).
Dung dịch thử (dung dịch alcaloid toàn phần): Cân chính xác khoảng 2 – 3 g bột dược liệu, cho vào bình nón nút mài dung tích 500 ml. Thấm ướt dược liệu bằng 3 ml dung dịch amoniac 25% (TT) và 1 ml ethanol 96% (TT), thêm 200 ml cloroform (TT). Lắc một giờ rồi để yên qua đêm trong chỗ tối, hôm sau lắc tiếp 30 phút. Gạn lấy dịch chiết cloroform, cất thu hồi dung môi còn khoảng 100 ml. Để nguội, chuyển vào bình định mức 100 ml, thêm cloroform đến vạch, lắc đều.Các dung dịch chuẩn: Dung dịch reserpin 0,02% và ajmalin 0,02% trong cloroform (pha riêng, bảo quản trong lọ màu, để tủ lạnh).Cách tiến hành: Chấm 10 ml dung dịch alcaloid toàn phần đã chiết và 10 ml dung dịch chuẩn mỗi loại. Phát hiện vết bằng cách quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm và phun dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT) trong acid nitric 50% (TT), sắc ký đồ phải có:Một vết cùng giá trị Rf và cùng phát quang xanh lục so với vết chuẩn reserpin, đồng thời khi phun dung dịch sắt (III) clorid 5% phải có một vết cùng giá trị Rf và cùng màu đỏ so với vết chuẩn ajmalin (đối với loài R. vomitoria Afz.).Một vết phát quang màu tím lơ có giá trị Rf = 0,4 – 0,5 (serpentin), đồng thời có một vết cùng màu đỏ và cùng giá trị Rf so với ajmalin chuẩn; ngoài ra còn một số vết đỏ khác (đối với loài R. canescens L.).

Độ ẩm

Không quá 13% (Phụ lục 5.16).

Tạp chất

Rễ nguyên đường kính lớn hơn 0,5 cm: Không quá 2% Rễ nguyên đường kính nhỏ hơn 0,5 cm: Không quá 30%.Các tạp chất khác: Không quá 1% .
Định lượng alcaloid toàn phần
Chiết alcaloid toàn phần như đã mô tả ở phần định tính. Cất thu hồi dịch chiết cloroform đến gần cạn (còn 2 – 5 ml). Thêm 20 ml dung dịch acid phosphoric 3% (TT), đun nóng trên cách thủy đến khi bay hết cloroform. Để nguội, lọc. Tiếp tục rửa bình và giấy lọc 3 lần, mỗi lần 10 ml dung dịch acid phosphoric 3%. Gộp các dịch acid, thêm dung dịch amoniac 10% (TT) đến pH 10. Chiết alcaloid bằng cloroform lần lượt với 25, 20, 10, 10 ml. Gộp dịch cloroform, lọc qua natri sulfat khan vào bình đã biết khối lượng. Cất thu hồi dung môi đến khô và sấy ở 80 – 90oC đến khối lượng không đổi.Alcaloid toàn phần trong dược liệu khô tính theo công thức:
X=a.100.100/p.(100-b)
X: Hàm lượng alcaloid toàn phần (%).a: Cắn alcaloid sau khi sấy đến khối lượng không đổi (g).b: Độ ẩm dược liệu (%).p: Khối lượng dược liệu (g).Dược liệu phải chứa ít nhất 1,5% alcaloid toàn phần đối với R. canescens L. và 2,5% alcaloid toàn phần đối với R.vomitoria Afz.
Định lượng ajmalin
Bản mỏng: Silicagel G, kích thước 20 x 20 cm, hoạt hóa ở 120oC trong 2 giờ trước khi dùng.
Dung môi khai triển: Cloroform – methanol – amoniac 25% (50: 9: 1).Dung dịch chuẩn: Pha dung dịch 0,1% ajmalin trong cloroform (có thể dùng dung dịch chuẩn ở phần định tính).Tiến hành: Chia bản mỏng 20 x 20 cm thành 5 khoang (mỗi khoang 4 cm), khoang 1 để không (làm mẫu trắng), khoang thứ 2 và 4 chấm một lượng thích hợp dung dịch alcaloid toàn phần chiết như ở phần định tính (V2) sao cho có độ hấp thụ từ 0,2 – 0,4, khoang 3 và 5 chấm dung dịch chuẩn với thể tích 0,2 ml. Triển khai sắc ký từ dưới lên khoảng 15 – 18 cm. Lấy bản mỏng ra, làm khô hết dung môi, xác định vị trí vết ajmalin bằng phun thuốc thử xanh bromothymol (TT) trong môi trường kiềm [hòa tan xanh bromothymol trong dung dịch ethanol – natri hydroxyd 0,2 N theo tỷ lệ 1:1 (tt/tt)]. Ajmalin cho vết màu xanh có giá trị Rf ngang với ajmalin chuẩn. Đánh dấu vết ajmalin trên bản mỏng. Cạo lớp silicagel băng đầu tiên cho vào bình số 1 (làm mẫu trắng), cạo băng 2 và 4 cho vào bình 2 và 4 (mẫu phân tích), cạo băng 3 và 5 cho vào bình 3 và 5 (mẫu chuẩn), các bình có dung tích 100 ml. Thêm vào các bình 0,2 ml dung dịch xanh bromothymol hòa tan trong nước, thêm

15 ml cloroform, lắc đều. Sau đó thêm 9,8 ml dung dịch đệm pH 7,6, đậy nắp và lắc trên máy lắc trong 10 phút. Tách lớp cloroform bằng phễu chiết. Hợp chất ajmalin với xanh bromothymol có màu vàng. Lắc lớp cloroform của mỗi mẫu với 15 ml dung dịch natri hydroxyd 0,05 N, thêm nước đến 20 ml sẽ nhận được dung dịch nước màu xanh bền vững. Đo độ hấp thụ của dung dịch màu xanh ở bước sóng 597 ± 10 nm. Dùng dung dịch mẫu trắng làm dung dịch so sánh.Nồng độ của ajmalin trong dung dịch phân tích được tính theo công thức:

Cx=Dx.Cc/Cc
Cx: Nồng độ % của ajmalin trong dung dịch phân tích.Dx: Mật độ quang của dung dịch phân tích.Cc: Nồng độ % của ajmalin chuẩn.
Dc: Mật độ quang của dung dịch chuẩn.
Lượng ajmalin trong dược liệu tính theo công thức:
X=a.V1.100.100/p.(100-b).V2
X: Hàm lượng ajmalin trong nguyên liệu (%).
a: Lượng ajmalin tìm được.
V1: Tổng thể tích dung dịch phân tích.
p: Khối lượng dược liệu đem thử.
b: Độ ẩm nguyên liệu (%).
V2: Thể tích dịch chiết mẫu thử chấm trên kính sắc ký
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,8% ajmalin (đối với R. canescens L.) và 1,3% ajmalin (đối với R. vomitoria Afz).

Chế biến

Rễ đào về rửa sạch đất (chú ý không làm bong lớp vỏ rễ). Loại rễ có đường kính nhỏ hơn 0,5 cm để nguyên, những rễ có đường kính lớn hơn 0,5 cm thì bóc lấy vỏ rễ, phơi trong râm hoặc sấy ở 50 – 60oC đến khô.
Dược liệu nên thu hái vào lúc cây có nụ hoa, chớm nở hoa hoặc vào lúc cây tàn lụi.

Bảo quản

Để nơi khô, thoáng, tránh nắng, mốc mọt.

5/51 rating
Bình luận đóng