Nhận định chung

Suy dinh dưỡng là thuật ngữ chuyên ngành chỉ tình trạng bệnh lý gây ra bởi sự cung cấp không đủ hay không cân đối của các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn cho cơ thể. Suy dinh dưỡng do thiếu protein – năng lượng là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi chế độ ăn nghèo protein và năng lượng lâu dài, dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Suy dinh dưỡng hiện nay đang là vấn đề sức khoẻ quan trọng và phổ biến nhất của trẻ em trong các nước đang phát triển như ở nước ta hiện nay. WHO (2009) ước tính có 27% trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng

Sự thiếu kiến thức về dinh dưỡng

Mẹ thiếu sữa nuôi trẻ bằng nước cháo, bột loãng.

Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.

Kiêng khem: Khi trẻ bị bệnh, đặc biệt bị tiêu chảy cha mẹ cho trẻ nhịn ăn, kiêng bú, cho ăn cháo muối.

Chất lượng bữa ăn không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng: nuôi con bằng bột muối, mỳ chính hay bột đường.

Do nhiễm trùng

Nhiễm trùng tiên phát: Trẻ bị sởi, lỵ, tiêu chảy kéo dài đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Giữa nhiễm trùng và bệnh suy dinh dưỡng có một vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn: khi trẻ suy dinh dưỡng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm trùng thứ phát làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng hơn.

Các yếu tố thuận lợi

Trẻ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai.

Dị tật bẩm sinh: sứt môi hở hàm ếch, Megacolon, bệnh lý dị tật tim mạch…

Bệnh di truyền: Landon – Down.

Trẻ có cơ địa tiết dịch: chàm

Điều kiện môi trường: Tập quán dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường, dịch vụ y tế…

Nghèo đói: tiềm năng nhân tài, vật lực của đất nước chưa khai thác và quản lý tốt. Kinh tế chưa phát triển và thiếu hạ tầng cơ sở.

Phân loại suy dinh dưỡng

Ở trẻ em hiện nay người ta nhận định tình trạng dinh dưỡng chủ yếu dựa vào cân nặng và chiều cao và chỉ số vòng cánh tay theo các chỉ tiêu sau:

Cân nặng theo tuổi (CN/T).

Chiều cao theo tuổi (CC/T).

Cân nặng theo chiều cao (CN/CC).

Chỉ số vòng cánh tay (MUAC- Mid Upper Arm Circumference).

Trong đó, chỉ tiêu cân nặng theo tuổi cho phép nhận định tình trạng dinh dưỡng hiện tại là thiếu hay đủ nhưng không cho biết thiếu dinh dưỡng gần đây hay đã lâu. Cân nặng nói lên khối lượng và trọng lượng hay độ lớn tổng hợp của toàn bộ cơ thể, liên quan đến mức độ và tỷ lệ giữa sự hấp thu và tiêu hao.

Chỉ tiêu chiều cao theo tuổi cho phép nhận định tình trạng dinh dưỡng đã lâu, chiều cao là một trong những kích thước cơ bản nhất trong các cuộc điều tra về nhân trắc. Chiều cao nói lên chiều dài của toàn thân, được dùng để đánh giá sức lớn của trẻ.

Cân nặng theo chiều cao cho phép nhận định tình trạng dinh dưỡng hiện tại. Đối với bệnh nhân điều trị nội trú, đây là chỉ số quan trọng, Khi trẻ bị suy dinh dưỡng cấp nặng (CN/CC < – 3SD) tăng nguy cơ biến chứng và tử vong.

Chỉ số MUAC cho phép nhận định về nguy cơ tử vong liên quan đến tình trạng dinh dưỡng ở trẻ từ 6 – 59 tháng tuổi.

Phân loại tình trạng dinh dưỡng

Cân nặng theo tuổi

Hiện nay, WHO đề nghị lấy điểm ngưỡng ở dưới 2 độ lệch chuẩn (- 2SD) so với quần thể tham chiếu để coi là nhẹ cân. Từ đó có thể chia thêm các mức độ sau đây:

+ Từ – 2SD đến – 3SD: Thiếu dinh dưỡng độ I (vừa).

+ Từ – 3SD đến – 4SD: Thiếu dinh dưỡng độ II (nặng).

+ Dưới – 4SD: Thiếu dinh dưỡng độ III (rất nặng).

Chiều cao theo tuổi

Chiều cao theo tuổi thấp phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc thuộc về quá khứ, làm cho đứa trẻ bị còi (stunting). Thường lấy điểm ngưỡng ở -2SD (thể vừa) và – 3SD (thể nặng) so với quần thể tham chiếu.

Cân nặng theo chiều cao

Cân nặng theo chiều cao thấp phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng ở thời kỳ hiện tại, gần đây, làm cho đứa trẻ ngừng lên cân hoặc tụt cân nên bị còm (wasting). Các điểm ngưỡng giống như hai chỉ tiêu trên. Khi cả hai chỉ tiêu chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao đều thấp hơn ngưỡng đề nghị, đó là thiếu dinh dưỡng thể phối hợp, đứa trẻ vừa còi vừa còm.

Phân loại của Welcome

Ở các thể nặng người ta dùng để phân biệt Marasmus và kwashiorkor (dựa vào chỉ tiêu cân nặng theo tuổi và phù).

Cân nặng % so với chuẩn (60 – 80%):  Có phù => Kwashiorkor; không phù => SDD vừa và nặng.

Cân nặng % so với chuẩn ( Marasmus – Kwashiorkor; không phù => Marasmus.

Cách phân loại này có ưu điểm: Phân loại được các thể của suy dinh dưỡng nặng.

Chỉ số MUAC áp dụng cho trẻ từ 6 – 59 tháng tuổi

MUAC < 115 mm: SDD cấp nặng.

115 mm MUAC 125 mm: SDD cấp mức độ trung bình.

MUAC > 125 mm Trẻ bình thường.

Phác đồ điều trị suy dinh dưỡng do thiếu Protein năng lượng ở trẻ em

Suy dinh dưỡng thiếu protein năng lượng thường phối hợp với các bệnh thiếu dinh dưỡng khác như thiếu vitamin A, sắt, kẽm,,,và có hay không có bệnh lý đi kèm như nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa, dị tật bẩm sinh, hội chứng kém hấp thu…

Nguyên tắc điều trị

Điều trị bệnh lý đi kèm.

Cung cấp chế độ ăn phù hợp.

Bổ sung vitamin và khoáng chất.

Suy dinh dưỡng thể nhẹ hoặc vừa

Điều trị tại nhà, tư vấn chế độ ăn và chăm sóc.

Điều chỉnh chế độ ăn: xây dựng chế độ ăn cân đối theo ô vuông thức ăn. Nếu trẻ còn bú mẹ, khuyên bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú và kéo dài từ 18 đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

Phòng và phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng để điểu trị kịp.

Theo dõi cân nặng để có tư vấn kịp thời.

Suy dinh dưỡng rất nặng

Đối với trẻ suy dinh dưỡng rất nặng hoặc suy dinh dưỡng cấp nặng có biến chứng hay có bệnh lý phối hợp kèm theo thì được điều trị nội trú theo hướng dẫn của WHO.

0/50 ratings
Bình luận đóng