Nhận định chung
Là một phản ứng cấp tính của da với các chất kích ứng từ côn trùng.
Viêm da tiếp xúc do Paederus là loại thường gặp nhất.
Ở Việt Nam, bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa bão, thành dịch, có thể rải rác suốt cả năm.
Bệnh không nguy hiểm nhưng làm người bệnh lo lắng.
Bệnh do một loại côn trùng vùng nhiệt đới nóng, ẩm có tên khoa học là Paederus hay còn gọi là kiến khoang (hay kiến kim, kiến lác, kiến nhốt, kiến cằm cặp, kiến cong đít…). Thuộc họ cánh cứng, có mặt khắp nơi trên thế giới, thường gặp nhất là ở châu Phi và châu Á. Côn trùng có mình dài khoảng 7 – 10mm, mảnh, có 3 đôi chân, cơ thể có 2 vòng đỏ, 3 vòng đen rất điển hình; bay và chạy rất nhanh, thường ẩn náu ở những nơi ẩm ướt, hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rất thích ánh sáng đèn huỳnh quang. Khi bị chà xát, côn trùng bị dập nát và phóng thích chất dịch trong cơ thể chứa chất paederin gây viêm da tiếp xúc.
Phác đồ điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng
Điều trị tại chỗ là chủ yếu, tùy theo giai đoạn tổn thương.
Tại chỗ
Ngay khi bị tổn thương: có thể dùng nước muối sinh lý (NaCl 9%0), rửa tổn thương 3 – 4 lần/ngày nhằm trung hòa độc tố của côn trùng. Tránh kì cọ làm tổn thương lan rộng.
Khi các tổn thương đỏ, đau rát: dùng các thuốc làm dịu da, chống viêm như các loại hồ (hồ nước, hồ Tetra-Pred) hay các loại mỡ kháng sinh phối hợp với corticoid bôi 2-3 lần/ngày.
Trường hợp bọng nước, bọng mủ: chấm dung dịch màu milian, castellani, nước thuốc tím pha loãng…bôi 1- 2 lần/ngày.
Toàn thân
Thường không cần phải điều trị.
Trường hợp thương tổn lan rộng, bọng mủ rộng và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân: kháng sinh uống.
Kháng histamin để giảm ngứa, giảm kích ứng da.