Khái niệm
Trên lưỡi xuất hiện nếp nhăn và nứt giống như vạch ngang, vạch dọc, vạch chữ xuyên, vạch chữ tỉnh, vạch chữ nhân… đều gọi là chứng nứt lưỡi.
Nứt lưỡi, Tôn Tư Mạo đời Đường gọi là thiệt phá. Mục Tâm tạng mạch luận – sách Thiên kim phương có viết: “Tâm tạng thực… thì thịt nóng, miệng há ra nên Thiệt phá”.
Quan sát lâm sàng thì chứng lưỡi nứt nói chung chủ yếu là nhiệt chứng, nhưng căn cứ vào có rêu lưỡi hay không và các kiêm chứng mầu sắc rêu lưỡi khác nhau sẽ thấy chủ bệnh khác nhau rất xa. Mục Nứt lưỡi giới thiệu ở đây chủ yếu lấy có rêu lưỡi hay không để làm cơ sở chẩn đoán phân biệt.
Phân biệt
Chứng hậu thường gặp
- Nứt lưỡi do âm hư dịch khô cạn: Có chứng lưỡi có vết nứt, không có rêu, chất lưỡi đỏ tía, ít tân dịch, khô miệng, gầy còm, ngũ tâm phiền nhiệt, hoặc có trường hợp xuất huyết phát ban, mạch Tế Sác,
- Nứt lưỡi do Dương minh thực nhiệt: Có chứng lưỡi có vết nứt, rêu lưỡi vàng xốp, mình nóng, ra mồ hôi, sợ nóng, phiền táo, khát nước, đại tiện bí kết, bụng đầy, cứng rắn cự án, thậm chí nói sảng, lần áo sờ giường, mạch Trầm Sác hoặc Trầm Thực.
Phân tích
- Chứng Nứt lưỡi do âm hư dịch cạn với chứng Nứt lưỡi do Dương minh thực nhiệt’, cả hai tuy đều thấy nứt lưỡi, nhưng một thuộc hư, một thuộc thực khác nhau rất xa. Chứng Nứt lưỡi do âm hư dịch cạn phần nhiều phát sinh ở giai đoạn cuối của tật bệnh và thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh Ôn nhiệt, vì tà nhiệt quấy phá kéo dài, nhiệt độc quá thịnh hun đốt tân dịch, âm dịch tổn thương nhiều hoặc do mắc bệnh mạn tính nào đó kéo dài bỏ lỡ cơ hội điều trị, tạng phủ bị khuy tổn thương âm hao dịch, hoặc do thể trạng vốn âm hư lại ăn nhầm các thức nóng tổn hại phần âm gây nên. Gặp những loại ấy đều có thể hình thành chứng Nứt lưỡi, sách Thiệt giám biện chứng của Lương Ngọc Du có nói: “Lưỡi có vết nứt là do huyết dịch bị hun đốt khô cạn, do nội nhiệt chữa không đúng, tà hỏa độc hại hun đốt gây nên” và “Cũng có khi ăn đồ nóng hoặc uống nhầm các loại thuốc ôn bổ cay ráo làm tổn hại chân âm gây nên”. Yếu điểm biện chứng là “Lưỡi nứt không có rêu, chất lưỡi tía sẫm hoặc đỏ sáng kiêm các chứng trạng âm hư nội nhiệt như: miệng khô, mồ hôi trộm, ngũ tâm phiền nhiệt, mạch Tế Sác. Còn như điều trị, sách Nghiệm thiệt biện chứng ca quát có tóm tắt: “Trong lưỡi có chất xốp là âm hư thì tư âm, nếu có nhiệt thì thanh nhiệt”, chọn dùng phương Tăng dịch thang để tư âm thanh nhiệt, nếu kiêm chứng xuất huyết phát ban có thể dùng thêm Tê giác địa hoàng thang.
Chứng Nứt lưỡi do Dương minh thực nhiệt với chứng nói trên khác nhau. Chứng này gặp ở trong quá trình ngoại cảm nhiệt bệnh ở giai đoạn tà nhiệt nung nâu ở đỉnh cao, cơ chế bệnh là tà nhiệt truyền vào trong Dương minh quấn quýt ở Vị Trường hóa táo thành thực hun đốt tân dịch dẫn đến nứt lưỡi. Điều 181 sách Thương hàn luận nói: “Bệnh Thái dương nếu phát hãn, nếu công hạ, nếu lợi tiểu tiện đó là mất tân dịch, trong Vị khô ráo, nhân đó mà chuyển thuộc Dương minh, không đại tiện thực ở bên trong, đại tiện khó đây là bệnh ở Dương minh”. Nói lên bệnh Thái dương do tân dịch tổn thương và truyền vào Dương minh. Nếu quả là thấy lưỡi có vết nứt là dấu hiệu âm dịch suy kiệt, chứng này đôi với loại âm hư dịch cạn đơn thuần gây nên nứt lưỡi khác nhau. Loại trên là tà thực thương tổn phần âm, loại sau là hư nhiều tà ít. Yếu điểm biện chứng của chứng này là lưỡi nứt và có rêu, rêu lưỡi vàng xốp sờ vào thấy khô rít ít tân dịch, kiêm chứng Trường VỊ táo nhiệt kết ở trong như táo bón, bụng đầy cự án. Điều trị nên dùng thuốc hạ ngay để bảo tồn phần âm theo nguyên lý rút củi đáy nồi, chọn dùng phương Đại Thừa khí thang.
Ngoài ra còn phải chú ý đến sức khỏe của người bệnh, cũng có khi ngẫu nhiên nứt lưỡi hoặc do cáu giận gây nên, hoặc là thời gian bệnh đã lâu nhưng người bệnh vẫn bình thường thì không được coi là trạng thái tật bệnh. Đặc điểm của loại nứt lưỡi này là chất lưỡi biểu hiện sắc đỏ khỏe mạnh không mập không teo, không già không non, rêu lưỡi trắng mỏng tươi nhuận, tân dịch ở trong miệng bình thường, người bệnh hoàn toàn có vẻ không đau đớn gì và cũng không có cảm giác khó chịu.
Trích dẫn y văn
- Rêu lưỡi trắng khô nứt là Thương hàn, trong ngực có hàn tà, Đan điền có nhiệt tà cho nên bề mặt lưỡi có rêu trắng do làm mồ hôi ra quá mà hại doanh thì bề mặt lưỡi không có chất tân dịch cho nên mới khô nứt, bên trong không cổ thực nhiệt cho nên không có màu vàng đen nên dùng Tiểu Sài hồ gia Mang tiêu để lợi nhẹ nhàng (Thiệt biện).
- Bất luận rêu lưỡi có các màu trắng đỏ vàng đen, nếu cổ vết nứt như chữ “Xuyên”, chữ “Hào”, chữ “Nhân” hoặc rãnh vết nứt có chất xốp phần nhiều là do người bệnh thực nhiệt, lại uống nhầm thuốc ôn bổ, nhiệt và hỏa xung đột ở tạng phủ gây nên, Đại Thừa khí thang tuy có thể hạ được độc nhưng không làm mát mẻ được Trường Vị nên dùng Bạch hổ thang với Thừa khí thang cho uống luân phiên (Thần nghiệm y tôn thiệt kính).