Rối loạn lipid máu là tình trạng mất cân bằng giữa các thành phần lipoprotein trong máu. Trong các y văn trước đây thường hay đề cập đến tình trạng tăng lipid máu hoặc tăng cholesterol máu, nhưng một số nghiên cứu gần đây cho thấy rối loạn lipid máu là tình trạng tăng hoặc giảm một hoặc nhiều thành phần của lipoprotein trong máu. Tuy nhiên, rất hiếm khi xảy ra tình trạng giảm lipoprotein, trường hợp này thường do bẩm sinh, do một hoặc một số gen lặn chi phối. Trong bài này chúng tôi để cập đến một tình trạng hay gặp trên lâm sàng, đó là rối loạn lipid máu có tăng một hoặc nhiều thành phần lipoprotein.

Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ của nhiều chứng bệnh ở người cao tuổi như: vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường; từ đó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, thiểu năng động mạch vành, nhồi máu cơ tim…

Rối loạn lipid máu thuộc phạm vi chứng “đàm trọc” , “phì bạng” của y học cổ truyền.

SỰ CHUYỂN HÓA VÀ TÁC DỤNG CỦA LIPID TRONG CƠ THỂ

Trong cơ thể, lipid được chuyển hóa theo hai chu trình là ngoại sinh và nội sinh.

  • Chu trình ngoại sinh: lipid sau khi được đưa vào cơ thể qua đường thức ăn, một phần được tiêu hóa ngay từ tá tràng; tại dây, dưới tác dụng của men lipase, các acid béo được chuyển thành các dạng tự do, từ đó hấp thu vào cơ thể theo đường tĩnh mạch cửa để vào gan, tham gia vào chu trình nội sinh. Còn lại: phần lớn lipid từ thức ăn kết hợp với muối mật thành dạng nhũ tương (gọi là chylomicron) rồi được hấp thu qua đường bạch mạch ruột đổ vào tuần hoàn chung.
  • Chu trình nội sinh: đây là chu trình tạo ra phần lớn lượng lipid trong cơ thể. Tại gan, các sản phẩm chuyển hóa của cơ thể như: acetyl Co—enzym A, glycerol-3—phosphate sẽ tham gia vào quá trình tổng hợp thành acid béo và glycerin, từ đó tạo thành lipid trong cơ thể.

Lipid được hấp thu vào cơ thể qua đường thức ăn và lipid được hình thành từ con đường nội sinh tại gan đều được đưa vào tuần hoàn chung bằng cách gắn với các apoprotein đổ tạo thành lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL – Very low density lipoprotein) mà thành phần chủ yếu là triglycerid.

VLDL theo đường tuần hoàn tới mô mỡ, sau khi trao phần lớn triglycerid cho mô mỡ, tỷ trọng tăng lên và lần lượt biến thành lipoprotein tỷ trọng trung gian (IDL — Intermediate density lipoprotein) rồi lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL — Low density lipoprotein) gồm đa số là cholesterol và phospholipid.

Sau khi trao cholesterol cho các tế bào theo nhu cầu, LDL chuyển thành lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – High density lipoprotein). HDL có tác dụng vận chuyển cholesterol ra khỏi các mô ngoại vi về gan nếu mô thừa chất này.

quá trình chuyển hóa của lipid trong cơ thể

Tác dụng của lipid trong cơ thể:

  • Triglycerid được sử dụng vào việc cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Cholesterol, phospholipid và một số ít triglyceriđ tham gia cấu tạo nôn màng tế bào, màng các bào quan ở bào tương, thực thi một số chức năng trong tế bào. Cholesterol còn là nguyên liệu ban đầu để tạo vitamin D, hormon sinh dục. hormon thượng thận và muối mật…

Một người được coi là có chỉ số lipid máu bình thường khi:

  • Cholesterol: < 5,2mmol/l (200mg/dL)
  • HDL: > 0,9mmol/l (35mg/dL)
  • LDL: < 3,4mmol/l (130mg/dL)
  • Triglycerid: l,7mmol/l — 2,3mmol/l (150mg/dL — 200mg/dL)

NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

Khi quá trình chuyển hóa lipid theo hai chu trình ngoại sinh và nội sinh diễn ra bình thường thì sẽ không xảy ra tình trạng rối loạn lipid máu. Trường hợp các yếu tố tạo nên hai chu trình này bị tác động gây thừa hoặc thiếu sẽ gây rối loạn lipid máu. Các yếu tố đó bao gồm:

  • Ăn quá nhiều chất béo bão hòa sẽ trực tiếp làm tăng lipid máu, đồng thời làm tăng acetyl Co—enzym A, là nguyên liệu để tổng hợp Lipid tại gan. Chất béo bão hòa có trong thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ động vật, dầu dừa, dầu cọ, các loại bánh như bích quy, ga tô…
  • Ăn quá nhiều chất béo không bão hòa và không sử dụng các thức ăn chứa chất béo bão hòa trong thời gian dài sẽ làm giảm nồng độ cholesterol trong máu. Cơ chế làm hạ lipid máu của các acid béo không bão hòa hiện nay chưa rõ, nhưng chất xơ sợi của thức ăn làm acid mật không thể tái hấp thu từ ruột vào máu; thiếu acid mật, gan sẽ dùng cholesterol tạo acid mật, do đó làm giảm cholesterol.
  • ít vận động dẫn tới tình trạng béo phì: theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khoẻ. Tình trạng này gây nên sự tăng lipid một cách bất thường trong máu.
  • Uống rượu, hút thuốc lá cũng là những nguyên nhân gây rối loạn lipid máu.
  • Rối loạn lipid máu thứ phát: đái tháo đường, rối loạn chức năng một số tuyến nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận…).

+ Đái tháo đường có kèm theo rối loạn lipid máu thường gặp ở người mắc đái tháo đường typ 2: do lượng glucose được đưa vào cơ thể quá nhiều, lượng insulin do tụy bài tiết ra không đủ để đáp ứng cho việc vận chuyển glucose trong cơ thể, gây nên tình trạng đái tháo đường; đồng thời, glucose được vận chuyển vào cơ thể quá nhiều sẽ tới gan để tham gia vào quá trình tạo thành acid béo và triglycerid, từ đó gây rối loạn lipid máu.

+ Rối loạn chức năng một số tuyến nội tiết: một số tuyến nội tiết như tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận… bài tiết các hormon (GH, ACTH, tyrosin, corticoid, adrenalin, noradrenalìn) có tác dụng tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể. Sự rối loạn chức năng của các tuyến nội tiết sẽ gây nên tình trạng rối loạn lipid máu.

  • Ngoài ra, tình trạng rối loạn lipd máu còn có tính chất gia đình hoặc liên quan đến gen di truyền.

0/50 ratings
Bình luận đóng